Sinh viên Trung Quốc ở Kyiv: Tôi đã nhận ra bản chất thật của chính quyền Trung Quốc
“Tôi từng là một thanh niên yêu nước phẫn nộ,” một sinh viên Trung Quốc đến từ Kyiv, Ukraine cho biết. “Tôi sẽ đánh nhau ngay lập tức nếu có ai dám nói những lời không hay về chính quyền Bắc Kinh. Bây giờ, tôi sẽ không bao giờ tin vào chính quyền của chúng tôi nữa. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ.”
Sinh viên Mai Thanh Hà (Mei Qinghe, bí danh) nói với The Epoch Times Hoa ngữ hôm 10/03 rằng cô hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Giờ đây, cô đã thấy cách chính quyền này lừa dối người dân Trung Quốc, khi đại sứ quán của họ ở Kyiv đánh lừa sinh viên Trung Quốc, trong đó có cô.
Cô Mai cho biết lý do duy nhất khiến cô không bỏ cuộc ở Ukraine là vì người dân ở đó rất thân thiện và đã đề nghị giúp đỡ cô. Cô nói rằng họ là những người cô tin tưởng.
Cuộc di tản vụng về
Trong khi Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và các nước phát triển và đang phát triển khác di tản công dân của họ, thì Mai và các bạn học Trung Quốc của cô ở Kyiv bắt đầu lo lắng.
“Đại sứ quán [Trung Quốc] nói với chúng tôi rằng sẽ không có chiến tranh và các quốc gia phương Tây này đang nói dối,” cô Mai cho biết, khi lưu ý rằng cô và các bạn học của mình tin rằng đại sứ quán Trung Quốc biết sự thật về tình hình và sẽ bảo vệ họ.
“Chúng tôi thực sự kích động vào thời điểm đó, và đã phản đối cũng như vu khống chính phủ Hoa Kỳ… bởi vì đại sứ quán nói với chúng tôi rằng Hoa Kỳ đang khoe khoang và cố gắng tạo ra hỗn loạn.”
Cô Mai đã tận hưởng cuộc sống của mình với tư cách là một “thanh niên yêu nước phẫn nộ” Trung Quốc trước khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/02. Cô cho hay hầu hết thanh niên Trung Quốc đều có tâm lý thù ghét vì sự tẩy não mà họ nhận được như một phần của nền giáo dục ở Trung Quốc. Trong trường học, học sinh được dạy để phỉ báng các nước phương Tây phát triển và tự gọi mình là những người ái quốc.
“Bạn biết đấy, [lẽ ra] chúng tôi đã có thể dễ dàng đến Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Moldova và Slovakia. Lẽ ra chúng tôi đã có thể đáp một chuyến bay hoặc đi tàu đến những quốc gia này trước khi các cuộc đánh bom xảy ra. Việc đó rất dễ dàng và rẻ. Nhưng chúng tôi đã không làm vậy vì đại sứ quán nói rằng sẽ không có chiến tranh,” Mai nói.
Cuộc sống của cô đã thay đổi vào sáng sớm ngày 24/02.
“Lúc 3 giờ sáng, tôi nghe thấy tiếng pháo kích. Tôi không thể ngủ được nữa và muốn bỏ chạy ngay lập tức,” cô Mai nói. “Thật may mắn, tôi đã nhanh chóng tìm mua được vé phi cơ từ Kyiv đến Warsaw, cất cánh lúc 10 giờ sáng. Nhưng đến 6 giờ sáng thì báo chí đưa tin quân Nga đã phá hủy phi trường Kyiv và chuyến bay của tôi đã bị hủy bỏ.”
Sau đó cô cảm thấy hoảng sợ. Cô liên lạc với các bạn học Trung Quốc để tìm cách lánh nạn. Rất nhanh, họ nhận ra rằng không có cách nào để di tản một mình và họ cần được giúp đỡ.
“Chúng tôi đã không chuẩn bị cho một cuộc chiến. Chúng tôi không có đủ thức ăn cũng như tiền mặt trong tay. Có những hàng dài trước mỗi máy ATM [để rút tiền mặt]… trẻ em đang khóc bên trong các khu trú ẩn không kích… những con chó và mèo vô gia cư đang chạy trên đường phố,” cô Mai nhớ lại. “Và đại sứ quán đã không trả lời yêu cầu của chúng tôi cho đến ngày thứ hai [của cuộc chiến, hôm 25/02].”
Sau khi gửi đơn di tản đến đại sứ quán Trung Quốc hôm 25/02, Mai và bạn bè cô bắt đầu giai đoạn chờ đợi đầy thử thách.
“Đại sứ quán liên tục yêu cầu chúng tôi đợi và không di tản bất kỳ ai cho đến ngày 01/03,” cô nói. “Các sinh viên [Trung Quốc] được di tản vào ngày này đã đăng [trên các nền tảng mạng xã hội] rằng đại sứ quán chỉ gửi họ đến biên giới và yêu cầu họ tự túc.”
Cô Mai nói rằng cô không dám thử kiểu di tản này.
Quyết định ở lại Kyiv
Cô Mai bình tâm lại khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra. Thất vọng với sự sắp xếp di tản của Đại sứ quán Trung Quốc, cô đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của người dân địa phương Ukraine và cảm động trước sự ân cần của họ trong thời gian khó khăn này.
“Một số bạn học người Ukraine của tôi đã nhập ngũ sau khi có chiến tranh. Bây giờ họ đang ở tiền tuyến,” cô Mai nói. “Các bạn học Ukraine ở lại đã kiểm tra tình trạng và nhu cầu của du học sinh chúng tôi hàng ngày. Họ hỏi tôi có muốn di tản không và sẽ giúp tôi nếu tôi muốn. … Người quản lý ký túc xá đã chuẩn bị đồ ăn thức uống cho chúng tôi và đưa chúng tôi đến nơi trú ẩn không kích khi có báo động.”
Cô Mai cho biết cô quyết định ở lại Kyiv với những người đã giúp đỡ cô. Đồng thời, cô rất tức giận về các tin tức của truyền thông nhà nước Trung Quốc về tình hình ở Ukraine, mà cô cho rằng thể hiện quan điểm của chính quyền Bắc Kinh.
“Tôi đọc tin tức Trung Quốc mỗi ngày. Các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc đều đưa tin về việc quân đội Nga đang làm tốt như thế nào ở Ukraine, quân đội Ukraine xấu xa như thế nào và quân đội Ukraine đã sử dụng du học sinh chúng tôi làm con tin như thế nào. … Tất cả đều là những lời dối trá,” cô nói.
Cô Mai cho biết cô tin rằng chế độ Trung Quốc muốn các học sinh trở thành những kẻ hiểm ác buông lời mỉa mai người dân Ukraine, chẳng hạn như những người nông dân đã giải cứu họ.
“Bạn có thể hiểu cảm giác của tôi không? Tôi giống như bị tâm thần phân liệt vậy,” cô nói.
Cô Mai cho biết cô muốn nói với thế giới rằng chính những người lính Ukraine đã di tản sinh viên Trung Quốc khỏi vùng chiến sự ở Sumy và các khu vực khác, rằng chính những người lính và cảnh sát Ukraine đã giải cứu công dân Trung Quốc khi quân đội Nga đang bắn vào họ, và rằng người dân Ukraine đang giúp đỡ các sinh viên Trung Quốc bên trong nước này.
“Lương tâm của tôi nói với tôi rằng tôi nên trả ơn đất nước này,” cô Mai nói. “Tôi là một con người. Nếu tôi [lặp lại những lời dối trá của các phương tiện truyền thông nhà nước để vu khống phương Tây và Ukraine], tôi thậm chí không có điểm căn bản để trở thành một con người. Vậy thì tôi còn sống trên thế giới này để làm gì?”
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: