Sinh viên mắc kẹt ở Ukraine bác bỏ tuyên bố hoàn thành di tản của Trung Quốc
Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine, hôm 08/03 đại sứ quán Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Ukraine đã thông báo rằng tất cả công dân Trung Quốc đã được di tản khỏi các khu vực nguy hiểm ở Ukraine. Nhưng một sinh viên Trung Quốc bị mắc kẹt ở Glukhov đã nói với The Epoch Times rằng cả anh ta và ba người khác đều không nhận được sự giúp đỡ từ nhà cầm quyền Trung Quốc, và họ đã cố gắng nhưng không thể thoát ra khỏi vùng chiến sự này.
Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Trung Quốc dẫn lời đại sứ quán của ĐCSTQ tại Ukraine cho biết hôm 08/03 rằng tất cả công dân Trung Quốc ở Ukraine đã được di tản khỏi Sumy, trong đó có 115 sinh viên Trung Quốc là nhóm cuối cùng rời đi. Tuy nhiên, anh Lâm Vân Phi (Lin Yunfei, hóa danh), một sinh viên Trung Quốc mắc kẹt ở Glukhov đã tiết lộ hôm 09/03 rằng có tất cả 119 sinh viên Trung Quốc ở [thành phố] Sumy, vậy nghĩa là bốn người, bao gồm cả anh ấy, vẫn bị mắc kẹt ở Glukhov, vốn thuộc quyền quản lý của [thành phố] Sumy.
Anh Lâm Vân Phi nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, “Vào lúc tôi nhìn thấy bản tin này, trái tim tôi như thắt lại. Ban đầu có 119 người ở Sumy và bây giờ 115 người đã được di tản, nhưng vẫn còn bốn người ở đây. Chúng tôi cũng thuộc vùng Sumy. Bốn người chúng tôi đã bị bỏ lại phía sau.”
Glukhov nằm ở đông bắc Ukraine, gần với biên giới Nga. Giao tranh đã nổ ra tại Glukov vào ngày 24/02, ngày đầu tiên Nga xâm lược Ukraine.
“Đại sứ quán nói rằng chúng tôi có mỗi bốn người ở đây, quá ít và họ không thể làm gì [để giúp được]. Họ nói với chúng tôi rằng hãy tự mình vượt qua và tự tìm đường đi,” anh Lâm nói. Chúng tôi có thể làm gì cơ chứ? Chúng tôi đã tìm thấy một chiếc xe hơi nhưng họ không cho chúng tôi đi qua. Chúng tôi sẽ phải đi bộ 150 cây số (tức 93 dặm). “Ngày nào chúng tôi cũng sống trong lo sợ.”
Anh Lâm cho biết kể từ ngày 24/02, báo động phòng không địa phương đã vang lên, và siêu thị lớn hơn gần đó đã cháy hàng.
Mặc dù lúc đó họ muốn di tản, nhưng họ không có xe nên không thể rời đi. Vì vậy, anh Lâm đã liên hệ với đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine để được giúp đỡ.
Anh Lâm nói: “Tôi đã gọi cho đại sứ quán. Họ bảo tôi điền vào một mẫu đơn để đăng ký [di tản]. Chúng tôi nghĩ rằng đại sứ quán sẽ đến đón chúng tôi, vậy nên lúc đó chúng tôi đã không tự ý rời đi. Kết quả là chúng tôi đã bị bỏ rơi khỏi chuyến đi cuối cùng ấy.”
Vào ngày 08/03, anh Lâm đã thử tự đi nhờ xe đến điểm di tản. Anh nói: “Chúng tôi đã vượt qua trạm kiểm soát đầu tiên. Khi chúng tôi đến trạm kiểm soát thứ hai, chúng tôi đã bị dân quân chặn lại và họ nói với chúng tôi rằng phía trước rất nguy hiểm.” Họ đành phải quay về.
Anh Lâm cũng lo lắng về vấn đề lương thực. Anh cho biết: “Vào ngày 25 hoặc 26/02, nguồn cung cấp không còn nữa, và thực phẩm trong siêu thị ngày càng ít. Bây giờ [mọi thứ] đã hết sạch. Ngày nào chúng tôi cũng đi chợ gần đó vào sáng sớm, nhưng phiên chợ diễn ra rất chóng vánh. Tôi chỉ có một bao gạo, một chai dầu, và hai ổ bánh mì.
“Kiếm đồ ăn còn khó hơn, không có rau. Người Ukraine cho chúng tôi bánh mì mỗi ngày, và ban ngày họ thường gọi chúng tôi đến ăn cùng.”
Anh Lâm cho biết trải nghiệm đau đớn này đã thức tỉnh anh, “Chúng ta không thể tin vào các thông tin từ Trung Quốc đại lục, và từ những trải nghiệm của bản thân, tôi không tin tưởng những điều ấy nữa.”
“Tôi chỉ muốn rời đi ngay bây giờ,” anh Lâm cho biết.
Được di tản từ Ukraine đến Ba Lan, các sinh viên Trung Quốc tiết lộ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng họ bị tính phí 18,000 RMB (2,850 USD) cho mỗi vé trên chuyến bay trở về Trung Quốc vào ngày 10/03. Ngoài ra, họ được yêu cầu phải tập trung và hát tập thể ca khúc tuyên truyền của Trung Quốc cộng sản “Tôi và Tổ quốc tôi” tại phi trường khi họ rời đi.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Zhao Fenghua và Gu Xiaohua
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: