Sievierodonetsk thất thủ hoàn toàn vào tay Nga sau những trận giao tranh khốc liệt nhất của cuộc chiến
KYIV/POKROVSK, Ukraine — Hôm thứ Bảy (25/06), thị trưởng Sievierodonetsk cho biết các lực lượng Nga đã chiếm hoàn toàn thành phố miền đông Ukraine này, đồng thời xác nhận về thất bại lớn nhất của Kyiv trên chiến trường trong hơn một tháng qua, sau nhiều tuần diễn ra một số cuộc giao tranh đẫm máu nhất của cuộc chiến.
Ukraine gọi cuộc rút quân khỏi thành phố là một “cuộc rút quân chiến thuật” để chiến đấu từ vùng đất cao hơn ở Lysychansk trên bờ đối diện của sông Siverskyi Donets. Những người ly khai thân Nga cho biết quân đội của Moscow hiện đang tấn công Lysychansk.
Sự thất thủ của Sievierodonetsk là chiến thắng lớn nhất của Nga kể từ khi chiếm được cảng Mariupol hồi tháng trước (05/2022). Tình hình này làm thay đổi cục diện chiến trường ở phía đông sau nhiều tuần, trong đó lợi thế hỏa lực khổng lồ của Moscow chỉ mang lại hiệu quả chậm chạp.
Giờ đây, Nga hy vọng sẽ gây sức ép và chiếm thêm đất ở bờ đối diện, trong khi Ukraine hy vọng rằng cái giá mà Moscow phải trả để chiếm được đống đổ nát của thành phố nhỏ này sẽ khiến các lực lượng của Nga dễ bị phản công hơn trong những tuần tới.
Thị trưởng Oleksandr Stryuk nói trên truyền hình quốc gia rằng, “Thành phố hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng hoàn toàn của Nga. Họ đang cố gắng thiết lập trật tự của riêng mình, theo như tôi biết thì họ đã chỉ định một chỉ huy nào đó.”
Ông Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân đội Ukraine, nói với Reuters rằng Ukraine đang thực hiện “một cuộc tập hợp chiến thuật” bằng cách rút lui lực lượng của mình ra khỏi Sievierodonetsk đến vùng đất cao hơn bên kia sông.
“Nga đang sử dụng chiến thuật… mà họ đã sử dụng ở Mariupol: xóa sổ thành phố khỏi mặt đất,” ông cho biết. “Với các điều kiện này, việc tổ chức phòng thủ trong đống đổ nát và các bãi đất trống là không thể thực hiện được nữa. Vì vậy, quân đội Ukraine đang lên đường đến vùng đất cao hơn để tiếp tục các hoạt động phòng thủ.”
Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời một đại diện của các chiến binh ly khai thân Nga cho biết các lực lượng Nga và thân Nga đã tiến vào Lysychansk bên kia sông và giao tranh đang diễn ra tại các khu vực đô thị ở đó.
Hỏa tiễn của Nga đã dội xuống các vùng phía tây, bắc, và nam của quốc gia này.
Những ngày gần đây, quân Nga đã vượt sông bằng vũ lực và đang tiến về phía Lysychansk, đe dọa bao vây người Ukraine trong khu vực này.
Moscow khẳng định Luhansk và Donetsk, nơi Nga đã hậu thuẫn các cuộc nổi dậy từ năm 2014, là các quốc gia độc lập. Moscow yêu cầu Ukraine nhượng toàn bộ lãnh thổ của hai tỉnh này cho các chính quyền ly khai.
Ông Valeriy Zaluzhnyi, tướng hàng đầu của Ukraine đã viết trên ứng dụng Telegram vào hôm thứ Bảy rằng, các hệ thống tên lửa HIMARS tân tiến do Hoa Kỳ cung cấp hiện đã được khai triển và đang đánh trúng các mục tiêu ở các vùng do Nga chiếm đóng ở Ukraine.
Khi được hỏi về một cuộc phản công tiềm năng ở phía nam, ông Budanov, giám đốc tình báo quân đội Ukraine, tuyên bố Ukraine sẽ bắt đầu thấy kết quả “từ tháng Tám.”
“Hãy đợi một chút và chúng ta sẽ thấy những gì nó mang lại,” ông nói với Reuters.
Hỏa tiễn của Nga cũng đã tấn công các nơi khác trên khắp Ukraine trong đêm với hỏa lực lớn bất thường.
Thống đốc vùng Lviv ở miền tây Ukraine cho biết có sáu hỏa tiễn đã được bắn từ Biển Đen vào một căn cứ gần biên giới giáp Ba Lan. Bốn hỏa tiễn đã trúng mục tiêu nhưng hai quả đã bị phá hủy.
Ở phía bắc, thống đốc vùng Zhytomyr cho biết các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu quân sự đã khiến ít nhất một binh sĩ thiệt mạng. Ở phía nam, thị trưởng của thành phố Mykolaiv gần Biển Đen, cho biết năm hỏa tiễn hành trình đã bắn trúng thành phố và các khu vực lân cận hôm thứ Bảy (25/06).
Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường. Kyiv và phương Tây cho rằng các lực lượng Nga đã phạm tội ác chiến tranh chống lại dân thường.
Sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine
Bất chấp những thất bại trên chiến trường, Kyiv đã giành được sự ủng hộ từ phương Tây, vốn đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và đang tiếp viện khí tài cho Ukraine.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy nền dân chủ giàu có (G-7) dự kiến sẽ thể hiện sự ủng hộ lâu dài đối với Ukraine và thảo luận về cách thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Đức bắt đầu vào Chủ Nhật (26/06).
Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tham gia, nói rằng ông lo ngại Ukraine có thể phải đối mặt với áp lực để đồng ý một thỏa thuận hòa bình, và hậu quả của việc ông Putin đạt được mục đích ở Ukraine sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc tế.
Trong một dấu hiệu bày tỏ sự ủng hộ quan trọng, các nhà lãnh đạo Liên minh Âu châu trong tuần này đã chính thức chấp thuận tư cách ứng cử viên gia nhập khối EU của Ukraine — một quyết định mà Nga cho biết hôm thứ Sáu (24/06) có nghĩa là EU sẽ “nô dịch” các quốc gia láng giềng.