SEC lựa chọn biện pháp mạnh tay
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vừa đệ đơn khiếu nại lên tòa án liên bang chống lại hai sàn giao dịch mã kim lớn nhất thế giới, Binance và Coinbase. Binance, sàn giao dịch lớn nhất toàn cầu với khối lượng giao dịch hàng ngày lên tới vài tỷ USD, được ghi danh ở ngoại quốc và về mặt kỹ thuật là không thể giao dịch đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Coinbase là một công ty niêm yết công khai, có trụ sở tại Hoa Kỳ, được ghi danh và quản lý bởi cùng một SEC vốn đã phê chuẩn hồ sơ cáo bạch và IPO năm 2021 của công ty và giờ đây thì đang kiện đúng công ty này.
Theo khiếu nại của SEC đối với Binance, tập đoàn này đang điều hành một sàn giao dịch chưa ghi danh, cung cấp và bán chứng khoán chưa ghi danh, cho phép khách hàng Hoa Kỳ giao dịch trên nền tảng này, và trộn lẫn các quỹ của khách hàng. Theo chủ tịch SEC Gary Gensler, “Thông qua 13 cáo buộc, chúng tôi cáo buộc rằng [người sáng lập và CEO Triệu Trường Bằng] và các công ty của Binance đã tham gia vào một mạng lưới lừa đảo rộng lớn, xung đột lợi ích, thiếu công bố thông tin, và né tránh luật pháp một cách có tính toán.” Các giám đốc điều hành của Binance khó có thể biện minh khi không ngừng liên tục thảo luận dưới dạng văn bản về việc làm thế nào tránh được hệ thống quản lý của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Binance đã bác bỏ các cáo buộc này và phản bác SEC, khẳng định rằng “việc SEC từ chối hợp tác một cách hiệu quả với chúng tôi chỉ là một ví dụ khác về sự khước từ sai lầm và cố ý của ủy ban này trong việc cung cấp sự rõ ràng rất cần thiết và hướng dẫn cho ngành tài sản kỹ thuật số … ủy ban này đã quyết định quản lý bằng các vũ khí thô bạo là sự cưỡng chế và kiện tụng thay vì cách tiếp cận chu đáo, cân bằng mà công nghệ năng động và phức tạp này cần.”
Khiếu nại hẹp hơn của SEC đối với Coinbase cũng có chủ đề tương tự. SEC cáo buộc rằng Coinbase vận hành nền tảng giao dịch của mình với tư cách là “một sàn giao dịch chứng khoán, nhà môi giới, và tổ chức thanh toán bù trừ quốc gia chưa ghi danh” và rằng Coinbase đã không “ghi danh việc cung cấp và bán chương trình đặt cược tài sản mã kim (staking as a service) của mình” một cách sai trái. Mặc dù số lượng cáo buộc là ít hơn, nhưng chúng rất nghiêm trọng. Sau thông báo của SEC, giá cổ phiếu của Coinbase đã giảm 20% trước khi phục hồi phần nào. Coinbase đã bác bỏ các cáo buộc này, chỉ ra cả hai nỗ lực của họ để làm việc với SEC và tuân thủ theo các yêu cầu mà thường là không tương thích hoặc mâu thuẫn của ủy ban, và rằng SEC đã là cơ quan quản lý chính của Coinbase trong suốt thời gian qua. Ông Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của Coinbase, đã lưu ý rằng Coinbase gần đây đã gặp SEC hơn 30 lần trong chín tháng với hy vọng nhận được hướng dẫn pháp lý rõ ràng từ ủy ban này.
Cách đây chưa đầy hai tháng, tôi đã viết một bài báo cho The Epoch Times với tiêu đề: “The SEC Has Declared War on Digital Assets” (SEC Đã Tuyên Chiến Với Tài Sản Kỹ Thuật Số). Nhận định này đã được chứng tỏ với hai đơn khiếu nại được nộp trong tuần này. Tôi đã than thở về việc “Tuyên bố chiến tranh chống lại mã kim của SEC đang tạo ra sự nản lòng lớn đối với ngành này, có khả năng gây tổn hại đến lợi ích cạnh tranh của Hoa Kỳ trong một trong những đổi mới công nghệ và tài chính hứa hẹn nhất của thế kỷ.”
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ, ông Patrick McHenry, đã đối chất với ông Gensler trong một phiên điều trần của ủy ban này về tài sản kỹ thuật số, nói rằng “cách tiếp cận của ông Gensler là thúc đẩy sự giám sát đối với việc đổi mới và gây nguy hiểm cho khả năng cạnh tranh của Mỹ.” Ông McHenry đã gợi ý rằng “Quốc hội phải đề ra các quy định rõ ràng về con đường cho hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số, bởi vì các cơ quan quản lý không thể đồng tình. Việc quản lý thông qua thực thi là không đủ hoặc không bền vững.”
Ông Gensler đã phớt lờ những lo ngại của ủy ban này, và thay vào đó chọn con đường hiếu chiến nhất có thể bằng cách mang các tuyên bố của SEC ra tòa khi không có hướng dẫn pháp lý và quy định phù hợp. Luật chứng khoán hiện hành không áp dụng được cho mã kim, và SEC biết thực tế này. SEC lẽ ra phải làm việc một cách hợp tác với ngành công nghiệp này, các cơ quan quản lý khác, và với các nhà lập pháp để phát triển một khung quy định hợp lý được xây dựng phù hợp với một công nghệ mà trông rất không giống với những gì SEC đã được thiết lập để quản lý khi cơ quan này được thành lập cách đây gần một thế kỷ. Tuy nhiên, vì những lý do không rõ, SEC đã lựa chọn từ bỏ cách giải quyết này.
Giờ đây, việc kiện các sàn giao dịch này có thể không gì khác hơn là một trò chơi quyền lực của Chủ tịch Gensler. Trong một “cuộc thâu tóm quyền lực” bằng quy định, có lẽ ông Gensler đang cố gắng áp đặt rập khuôn các quy định hiện hành để bảo đảm rằng ngành công nghiệp mã kim hoàn toàn nằm trong phạm vi quản lý của SEC và do đó chịu sự ảnh hưởng của ông.
Một cách giải thích khác là SEC chỉ đơn giản đóng vai trò là cánh tay thực thi nỗ lực rộng lớn hơn của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tiêu diệt ngành công nghiệp mã kim mới nổi trước khi ngành này đạt được khả năng tồn tại.
Không còn nghi ngờ gì nữa, hầu hết các chính phủ đều sợ hãi và ghét ý tưởng về mã kim. Bitcoin, Ethereum, và các giao thức khác đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với hoạt động của xưởng in tiền gây lạm phát của các chính phủ trên khắp thế giới, vốn dựa vào quyền lực độc quyền của họ đối với nguồn cung tiền để tiếp tục phát hành nợ nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt lớn mà nếu không làm như vậy thì sẽ không ổn định được.
Các loại mã kim như Bitcoin và Ethereum cũng làm đảo lộn sự kiểm soát của chính phủ đối với các quyền tự do tài chính. Mã kim vừa phi nhà nước vừa phi tập trung, ở chỗ mã kim không phụ thuộc vào chính phủ (hoặc bất kỳ quyền lực tập trung nào) để phát hành tiền mới, mà nguồn cung tiền được xác định trước theo thuật toán để ngăn chặn lạm phát. Mã kim không cần sự cho phép, nghĩa là không có chính phủ, ngân hàng hoặc bên trung gian nào khác có thể nói với quý vị rằng liệu quý vị có thể hay không thể giao dịch. Giống như tiền mặt, mã kim là ẩn danh, riêng tư, nằm dưới sự kiểm soát của chủ sở hữu, và vốn dĩ không tốt cũng chẳng xấu.
Do những đặc điểm này, mã kim không thể bị tấn công trực tiếp. Do đó, các cơ quan quản lý đang theo dõi các sàn giao dịch tập trung vốn cung cấp sự chuyển đổi giữa tiền pháp định và mã kim. Mặc dù không thực sự cần thiết, nhưng các sàn giao dịch giúp giao dịch dễ dàng hơn nhiều đối với những khách hàng không có bối cảnh xuất thân là chuyên gia công nghệ về mã kim. Nếu các sàn giao dịch bị đóng cửa, thì hàng triệu khách hàng và người dùng sẽ bị tước đoạt đi không chỉ sự thuận tiện mà còn cả quyền tự do và quyền lựa chọn.
Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến giằng co giữa các chính phủ và công dân của họ về tương lai tiền tệ. Các chính phủ muốn giả bộ rằng họ có một giải pháp thay thế tốt hơn cho mã kim dưới dạng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Như cái tên của CBDC ngụ ý, CBDC đại diện cho một hình thức số hóa của cùng một loại tiền tệ pháp định đang hoạt động ngày nay, vốn do chính phủ phát hành và dễ bị lạm phát. Bước ngoặt ở đây là CBDC sẽ trao cho chính phủ nhiều quyền giám sát và kiểm soát công dân hơn so với hiện nay. Mặc dù công nghệ để khai triển CBDC vẫn chưa sẵn sàng, nhưng không còn xa nữa.
Các khiếu nại chống lại Bitcoin và Coinbase chỉ đại diện cho một cuộc giao tranh nhỏ trong xung đột tiền tệ ngày càng mở rộng phát sinh giữa các chính phủ và công dân của họ. SEC chỉ là một vũ khí trong trận chiến rộng lớn hơn này. Cuộc tấn công bằng quy định đối với mã kim đang làm chậm lại sự đổi mới, đẩy cả người sáng tạo và người dùng ra ngoại quốc, làm suy yếu vị trí dẫn đầu về công nghệ của Hoa Kỳ trong khi cho phép các đối thủ cạnh tranh trên toàn cầu và kể cả các địch thủ của chúng ta vượt lên dẫn đầu. Cuộc tấn công này đang dẫn dắt con đường hướng tới sự giám sát và kiểm soát lớn hơn của chính phủ thông qua việc cuối cùng phát hành CBDC.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times