SEC của ông Biden phản ứng tiêu cực với ‘Đạo luật Đổi mới Tài chính có Trách nhiệm’
Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), đã công khai bày tỏ lo ngại về luật lưỡng đảng mới do các Thượng Nghị sĩ (TNS) Cynthia Lummis (Cộng Hòa-Wyoming) và Kirsten Gillibrand (Dân Chủ-New York) soạn thảo sẽ cung cấp sự minh bạch về các luật liên quan đến việc sử dụng và giao dịch bitcoin, mã kim cố định giá (stablecoin) và các loại mã kim khác, cũng như quyền lực pháp lý đối với các loại hàng hóa đó.
Luật mới sẽ hạn chế khả năng của SEC trong việc kiểm soát các tài sản mã kim và sẽ chuyển trách nhiệm cho cơ quan thực thi dân sự của ủy ban này, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), giúp thúc đẩy một môi trường kinh doanh tương đối thông thoáng và chuyên nghiệp cho các nhà giao dịch chuỗi khối (blockchain).
Một số người cho rằng những biểu hiện lo ngại gần đây của ông Gensler là “quá trễ”, do các loại tiền điện toán đã tồn tại từ lâu và sự thiếu kiên quyết của SEC trong quá khứ xung quanh việc ban hành hướng dẫn rõ ràng và nhất quán.
Một giám đốc phát triển kinh doanh trong không gian blockchain và mã kim, người yêu cầu ẩn danh đã nói với The Epoch Times rằng đối với ông và một số khách hàng của ông cảm thấy như thể SEC và CFTC đang “tranh đấu” về quyền tài phán trong không gian mã kim, ngay cả khi khách hàng ngày càng tìm kiếm sự minh bạch xung quanh các quy tắc và muốn biết liệu họ có được yêu cầu đăng ký với SEC hay CFTC hay không.
Các nhà quan sát cho biết, ông Gensler đã phản ứng tiêu cực với dự luật mới mặc dù đã có nhiều thời gian trong quá khứ để cố gắng đạt được sự rõ ràng xung quanh các vấn đề liên quan đến quy định mã kim diễn ra hàng ngày.
Trong một tuyên bố đi kèm với thông báo hôm 07/06 về dự luật mới, Đạo luật Đổi mới Tài chính Có trách nhiệm, TNS. Gillibrand mô tả dự luật này là “luật lưỡng đảng mang tính bước ngoặt” sẽ cho thấy “một khuôn khổ quy định hoàn chỉnh cho các tài sản kỹ thuật số khuyến khích đổi mới tài chính có trách nhiệm, tính linh hoạt, minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ trong khi tích hợp tài sản kỹ thuật số vào luật hiện hành.”
Tăng trưởng mạnh mẽ
Trong bản giới thiệu dự luật của mình, TNS. Gillibrand tiếp tục mô tả các tài sản kỹ thuật số và mã kim đã có “sự tăng trưởng vượt bậc trong vài năm qua” và đưa ra triển vọng về “những lợi ích tiềm năng đáng kể nếu được khai thác đúng cách.”
Trong tuyên bố đó, thượng nghị sĩ ám chỉ đến sự tăng trưởng nhanh chóng giúp thị trường blockchain toàn cầu đạt giá trị 5.92 tỷ USD vào năm 2021, với mức tăng trưởng ổn định hơn nữa dự kiến từ năm 2022 đến năm 2030, theo số liệu của Grand View Research.
Dự luật Lummis-Gillibrand tìm cách cung cấp “sự khai thác chính xác” các sản phẩm bằng cách thiết lập, bằng ngôn ngữ rõ ràng được tìm thấy trong Đề mục 3 Phần 301, tình trạng pháp lý của tài sản kỹ thuật số là hàng hóa hoặc chứng khoán.
Để làm được điều này, dự luật áp dụng tiêu chuẩn quy định trong Phép Kiểm tra Howey năm 1946, thiết lập sự tồn tại của một hợp đồng đầu tư như một trong những điều kiện của chứng khoán.
Theo Phép Kiểm tra Howey, những tài sản được xác định đó là những tài sản phụ trợ sẽ phải công bố thông tin một cách khiêm tốn (hai lần mỗi năm) với SEC nhưng nhìn chung, sẽ được hưởng tư cách hàng hóa hơn là chứng khoán.
Những loại tài sản nào thuộc loại này?
Như một bản tóm tắt từng phần của dự luật nêu rõ: “Tài sản kỹ thuật số không được phân cấp hoàn toàn, và được hưởng lợi từ các nỗ lực kinh doanh và quản lý nhằm xác định giá trị của những tài sản này, nhưng không đại diện cho chứng khoán vì chúng không phải là nợ hoặc vốn chủ sở hữu hoặc không tạo ra các quyền đối với lợi nhuận, ưu đãi thanh lý hoặc các lợi ích tài chính khác trong một tổ chức kinh doanh (‘tài sản phụ trợ’), sẽ được yêu cầu công bố thông tin với SEC hai lần một năm. Các tài sản phụ trợ tuân thủ các yêu cầu công bố thông tin này được coi là hàng hóa.”
Mô tả này bao hàm một số lượng lớn tài sản kỹ thuật số có giá trị phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực quản lý và kinh doanh trong giao dịch hàng ngày. Ở hình thức hiện tại, dự luật sẽ chính thức giành quyền kiểm soát một phần lớn thị trường kỹ thuật số từ SEC và chuyển nó cho CFTC, được biết là có ít yêu cầu công bố thông tin và báo cáo hơn cũng như linh hoạt hơn so với SEC.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chỉ vài ngày sau khi thông báo, Chủ tịch SEC Gensler đã lên tiếng chỉ trích công khai dự luật lưỡng đảng nói trên.
Một bài báo hôm 15/06 trên Wall Street Journal dẫn lời ông Gensler nói với những người tham gia tại một Hội nghị thượng đỉnh Mạng lưới Giám đốc tài chính, “Chúng tôi không muốn làm suy yếu các biện pháp bảo vệ mà chúng ta có trong thị trường vốn 100 ngàn tỷ USD.”
Có vẻ như không quan tâm đến các sắc thái mang tính kỹ thuật hơn của Phép Kiểm tra Howey khi được áp dụng cho các tài sản kỹ thuật số, ông Gensler cũng cho biết, “Chúng tôi không muốn mở rộng quyền tài phán của mình. Nhưng những mã kim này đang được cung cấp cho công chúng, và công chúng đang hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Đó là đặc điểm của một hợp đồng đầu tư.”
Một cuộc tranh chấp gay gắt quyền tài phán?
Nhận xét của ông Gensler được đưa ra sau những lời kêu gọi công khai từ người đứng đầu CFTC Rostin Behnam về một lập trường mạnh mẽ hơn từ chính cơ quan của ông trước nguy cơ lừa đảo và thao túng tài sản kỹ thuật số đang gia tăng.
Hôm 18/05, tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Behnam nói rằng khoảng 2/3 số hành động thực thi gian lận liên quan đến mã kim diễn ra trong hai năm rưỡi qua. Bài báo tương tự đã ghi nhận sự sụp đổ vào tháng Năm của mã kim TerraUSD và mã kim cố định (stablecoin) liên kết với nó, Luna.
Đối với một số nhà quan sát, sự cạnh tranh giữa các ngành ngày càng tăng có thể xuất phát một phần từ việc SEC trong quá khứ đã thất bại trong việc cung cấp sự minh bạch xung quanh một vấn đề mà nhiều người tham gia thị trường đã kiên nhẫn chờ đợi hướng dẫn.
Ông Wayne Davis, một đối tác của Tannenbaum Helpern Syracuse & Hirschtritt ở New York, nói với The Epoch Times: “Từ một quan điểm pháp lý, các nhà tài trợ và nhà tài trợ tiềm năng của các sản phẩm đầu tư liên quan đến mã kim muốn biết các quy định. Nhiều người ngạc nhiên về khoảng thời gian việc này kéo dài mà vẫn chưa có một tuyên bố chính thức nào của SEC. Sự không chắc chắn kéo dài đã trở thành vấn đề và một lần nữa, có chút đáng ngạc nhiên.”
Ông Davis nói, có những người cho rằng, vào thời điểm này trong trò chơi, SEC đáng lẽ đã phải có một cách tiếp cận chủ động để thiết lập phạm vi kiểm soát của mình đối với tất cả những thứ liên quan đến mã kim.
Đối với một số nhà quan sát, cơ quan quản lý này đã theo đuổi một cách tiếp cận nặng về quy định, không thuận lợi cho các nhà đổi mới và doanh nhân, những người đóng vai trò quan trọng trong thị trường 5.92 tỷ USD này.
Ông Davis nói thêm, “Rõ ràng, có những ủy viên, ngoài chủ tịch, những người rất quen thuộc với mã kim và các sắc thái thị trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, SEC đã chọn không đưa ra lập trường chủ động, mà thay vào đó là quản lý từng bước và phản ứng, thông qua hành động thực thi.”
Nếu dự luật mới không thành công và quy định của thị trường mã kim nằm trong tầm ngắm của SEC, điều đó có thể có nghĩa là sẽ có nhiều thủ tục hành chính hơn cho các người chơi trong không gian mã kim.
Ông Davis nói: “Nói chung, liên quan đến CFTC, SEC có xu hướng có nhiều yêu cầu về báo cáo và công bố hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao SEC vẫn chưa tiếp tục với các đề nghị của riêng mình, cho phép các bình luận trong ngành, nhằm hướng tới việc đưa các quy định của SEC vào hiệu lực.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).