Sẽ tăng cường cho NATO khi thế giới đối mặt với sự phản công của chế độ độc tài chống lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ
Để giải quyết những thách thức đang nổi lên đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ từ các cường quốc độc tài như Trung Quốc và Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm 04/06 rằng liên minh không chỉ phải cải thiện hợp tác nội bộ, mà còn phải mở rộng phạm vi hoạt động sang các khu vực như Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu Latin.
Ông Stoltenberg nói trong bài diễn văn quan trọng trình bày tầm nhìn của ông về NATO 2030 tại một sự kiện do Viện Brookings tổ chức rằng, “Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu một sự phản công độc tài chống lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Ông Stoltenberg cho biết những thách thức mà Nga đặt ra bao gồm tăng cường quân sự từ Bắc Cực đến Phi Châu, đe dọa các nước láng giềng, trấn áp phe đối lập trong nước, cũng như các cuộc tấn công mạng và tấn công hỗn hợp (hybrid attack: sử dụng một loạt các phương pháp khác nhau để tấn công địch thủ, chẳng hạn như phát tán thông tin sai lệch hoặc tấn công các hệ thống máy điện toán quan trọng, cũng như các hành động quân sự truyền thống) nhằm vào các đồng minh của NATO.
Ông Stoltenberg nói rằng, “NATO không coi Trung Quốc là đối thủ. Có những cơ hội để tham gia với Bắc Kinh về các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu, và kiểm soát vũ khí.”
Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc cũng đặt ra những thách thức mà NATO phải công nhận. “Bắc Kinh không chia sẻ các giá trị của chúng tôi.”
Ông Stoltenberg nói tiếp rằng, Bắc Kinh có mong muốn kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp thế giới, kể cả các nước thành viên của NATO. Ông cho biết trong số những thách thức khác mà nhà cầm quyền Trung Quốc đặt ra là hệ thống giám sát và kiểm soát chưa từng có mà Trung Quốc thực hiện đối với người dân của mình, đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo và [những người] bất đồng chính kiến ôn hòa, đe dọa Đài Loan, ép buộc các nước láng giềng của Trung Quốc và cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông.
Những thách thức mới đối với NATO
Khi nêu bật những điểm then chốt trong kế hoạch của NATO nhằm giải quyết những thách thức mới vào năm 2030, ông Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ bền chặt giữa các đồng minh của NATO ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Theo cuộc thăm dò của NATO, hơn 80% công dân của liên minh “coi mối quan hệ giữa Bắc Mỹ và Âu Châu là quan trọng trong việc ứng phó với các thách thức an ninh.”
Ông Stoltenberg giải thích rằng, NATO không chỉ là một liên minh quân sự mà tổ chức này còn là một liên minh chính trị. Có những sự khác biệt giữa các đồng minh nhưng NATO nên là một diễn đàn để “tạo ra sự hiểu biết chung” và phối hợp các phản ứng quân sự, kinh tế và ngoại giao của các thành viên đối với các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh xuyên Đại Tây Dương như Syria, Iran hoặc Biển Đông.
Tổng thư ký NATO cho biết, để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và bảo vệ các giá trị và lợi ích của các đồng minh, liên minh phải có chung một tiếng nói.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường thế trận quân sự của NATO không chỉ trên bộ, trên biển, trên không mà cả trên không gian mạng và vũ trụ để có thể bảo vệ tất cả các đồng minh trên cơ sở nguyên tắc phòng thủ tập thể.
Ông nói thêm rằng điều này sẽ đòi hỏi phải hiện đại hóa các khả năng của liên minh và đầu tư nhiều hơn vào phòng thủ tập thể.
Quy tắc phòng thủ tập thể quy định rằng một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của liên minh. Điều này đã được định nghĩa trong Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO.
Ông Stoltenberg cho biết để giải quyết những thách thức mới, NATO “phải thúc đẩy đổi mới xuyên Đại Tây Dương để nâng cao lợi thế công nghệ của chúng tôi và ngăn ngừa khoảng cách đổi mới giữa các đồng minh,” điều này sẽ đòi hỏi “sự hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà nghiên cứu, các ngành công nghiệp và các công ty khởi nghiệp của chúng tôi [cũng như] thêm kinh phí từ các quốc gia thành viên.”
Một khía cạnh quan trọng khác trong các kế hoạch của NATO cho năm 2030 là phát triển khả năng phục hồi của toàn liên minh để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO và làm cho các quốc gia của khối ít bị biến động bởi sự tấn công và ép buộc hơn, ông Stoltenberg cho biết.
Ông Stoltenberg nói tiếp rằng duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là cần thiết để bảo đảm tự do hàng hải, không gian mạng an toàn và bảo mật, cũng như thiết lập các tiêu chuẩn mới cho các công nghệ mới nổi.
Theo ông, điều này sẽ đòi hỏi sự tham gia sâu hơn trong mối quan hệ đối tác với Liên minh Âu Châu và để “tạo ra những cam kết mới với các quốc gia cùng chí hướng trên thế giới, bao gồm cả ở Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu Latin.”
Theo ông Stoltenberg, NATO đã thiết lập không gian mạng như một lĩnh vực quân sự, cùng với các lĩnh vực trên không, trên biển và trên đất liền.
“Chúng tôi cũng đã quyết định rằng một cuộc tấn công mạng có thể kích hoạt Điều 5, điều này chứng tỏ rằng chúng tôi coi các cuộc tấn công mạng có khả năng nghiêm trọng như một cuộc tấn công bằng vũ lực.”
Gần đây, Hoa Kỳ đã là mục tiêu của ba cuộc tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng quan trọng của họ: các cuộc tấn công vào SolarWinds, một công ty nhu liệu mạng, Colonial Pipeline, một nhà điều hành đường ống nhiên liệu, và JBS, một nhà cung cấp thịt.
Tổng thư ký cho biết, để giải quyết xung đột và bất ổn trong khu vực lân cận của NATO, liên minh có kế hoạch tăng cường “hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các đối tác của mình, từ Iraq đến Jordan và Georgia đến Ukraine.”
Ông nói thêm rằng, liên minh cũng có kế hoạch giảm đáng kể lượng khí thải quân sự, “góp phần tạo ra net-zero (mục tiêu khí nhà kính bằng 0),” để giải quyết tình trạng ấm lên toàn cầu.
Ông Stoltenberg giải thích rằng, để đạt được tất cả những mục tiêu này, liên minh cần phải đầu tư nhiều hơn nữa.
Ông nói: “Chúng ta đang đi đúng hướng, với 7 năm liên tiếp tăng chi tiêu quốc phòng ở Âu Châu và Canada. Chúng ta phải duy trì đà này.”
“Chúng ta cũng nên đầu tư tốt hơn,” ông Stoltenberg nói và giải thích rằng NATO nên tăng ngân sách được tài trợ chung, “để giúp tài trợ nhiều hơn cho các cuộc tập trận và huấn luyện chung, tăng cường khả năng phòng thủ mạng, nâng cao lĩnh vực mũi nhọn và tăng cường năng lực hơn cho các đối tác của chúng ta.”
Cựu Tổng thống Donald Trump tán thành mạnh mẽ rằng mỗi thành viên NATO nên dành 2% GDP của mình cho quốc phòng như mọi thành viên đã cam kết vào năm 2014, tuy nhiên không phải tất cả các đồng minh đều tuân thủ yêu cầu này.
Hoa Kỳ đã chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn các đồng minh khác, chiếm 4% đến 4.3% GDP. Ngược lại, “Đức đang trả 1 đến 1.2% … của một quy mô GDP nhỏ hơn nhiều,” ông Trump đã nói trong cuộc họp báo được tổ chức trong Hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm 2019.
Ông Stoltenberg đã không đề cập đến cam kết chi 2% và không cung cấp thêm chi tiết về việc tăng ngân sách được tài trợ chung.
Phòng thủ của EU so với phòng thủ của NATO
“EU không thể bảo vệ Âu Châu. EU không thể thay thế NATO làm nền tảng cho an ninh Âu Châu,” ông Stoltenberg cho biết khi nêu mối lo ngại trong cuộc thảo luận rằng Liên minh Âu Châu (EU), với tư cách là một tổ chức, cũng đã phát triển khả năng quốc phòng của mình và NATO nên hợp tác với EU trong lĩnh vực quốc phòng hơn là cạnh tranh.
Ông Stoltenberg trích dẫn hai lý do tại sao EU cần NATO để phòng thủ: 80% chi tiêu quốc phòng của NATO đến từ các thành viên NATO không thuộc EU và các đồng minh không thuộc EU đều ở hai bên sườn của Âu Châu.
“Ở phía bắc, quý vị có Na Uy, ở phía nam, quý vị có Thổ Nhĩ Kỳ. Và sau đó ở phía tây, quý vị có Hoa Kỳ, Canada và Anh Quốc, và tất nhiên, tất cả các quốc gia này, theo những cách khác nhau đều quan trọng đối với việc bảo vệ Âu Châu,” ông nói thêm.
Vị tổng thư ký này giải thích rằng, “Tôi hoan nghênh các nỗ lực quốc phòng của EU, nhưng đó không phải [như là] thứ có thể thay thế, sao chép hoặc bảo vệ Âu Châu, bởi vì đó là điều chúng ta phải làm cùng với nhau trong [nội bộ] NATO, Âu Châu và Bắc Mỹ, cùng với Vương quốc Anh.”
Do Ella Kietlinska thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: