SCOTUS đảo ngược phán quyết, yêu cầu Đại học Yeshiva phải công nhận câu lạc bộ LGBT
Đại học Yeshiva ở New York sẽ phải công nhận câu lạc bộ sinh viên LGBT trong khuôn viên trường — ít nhất là trong khi vụ kiện được tiến hành ở các tòa án cấp thấp hơn — sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS) đột ngột đảo ngược phán quyết của chính mình hôm 14/09, dỡ bỏ một lệnh tạm hoãn mà Pháp viện đã ban hành năm ngày trước đó.
Trong khi bốn thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống không đồng ý, hai thành viên thuộc phái bảo tồn truyền thống, Chánh án John Roberts và Thẩm phán Brett Kavanaugh, đã bỏ phiếu cùng phe đa số vì thấy rằng đơn xin ngăn chặn phán quyết của một tòa án cấp dưới đã được đưa ra quá sớm.
Được thành lập vào năm 1897, trường đại học Chính Thống Giáo Do Thái này tự mô tả trong các tài liệu tòa án là “tổ chức giáo dục bậc cao dựa trên kinh Torah hàng đầu thế giới.”
Bản thân từ “yeshiva” dùng để chỉ một trường phái tôn giáo truyền thống của người Do Thái.
Nhà trường lập luận rằng việc thừa nhận tổ chức của sinh viên LGBT sẽ vi phạm các giáo lý tôn giáo của mình.
Bà Katie Rosenfeld đến từ công ty luật Emery Celli Brinckerhoff Abady Ward & Maazel, luật sư của nhóm LGBT YU Pride Alliance, đã ca ngợi phán quyết mới của Tối cao Pháp viện.
“Quyết định này của Tối cao Pháp viện là một chiến thắng cho các sinh viên Đại học Yeshiva, những người chỉ đơn giản là mong muốn có được các quyền căn bản vốn không bị thách thức ở các trường đại học đồng cấp,” bà Rosenfeld nói với The Epoch Times qua thư điện tử.
“Đa số thẩm phán của Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng vụ án này phải được thực hiện theo quy trình bình thường của tiểu bang, bác bỏ việc ban giám hiệu trường đại học đưa vụ việc lên tòa án liên bang cao nhất đất nước một cách vội vàng, quá sớm, và gây hại.”
Bà Rosenfeld viết: “Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua các chiến lược kiện tụng tích cực của ban giám hiệu đối với các sinh viên LGBT của chính họ, những người chọn theo học tại Đại học Yeshiva vì họ cảm thấy cam kết với sứ mệnh của trường.”
“Cuối cùng thì, sinh viên Đại học Yeshiva cũng sẽ có một câu lạc bộ để hỗ trợ bạn đồng trang lứa trong năm nay, và sẽ không có việc tồi tệ nào xảy ra. Sinh viên sẽ không còn bị từ chối một không gian an toàn và khích lệ trong khuôn viên trường để trải nghiệm cùng nhau.”
Các quan chức trường đại học đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times trước thời điểm phát hành bản tin này.
Hồi tháng Sáu, Thẩm phán Lynn Kotler của Địa hạt Tư pháp số 1 của Tòa án Tối cao New York xác định rằng trường đại học này không phải là một đoàn thể tôn giáo thực sự, do đó, trường không có quyền được miễn trừ các điều khoản về việc tạo điều kiện thực hành tôn giáo công cộng thuộc Luật Nhân quyền Thành phố New York. Luật này vốn cấm phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tính dục và bản dạng giới.
Bà Kotler, một thành viên Đảng Dân Chủ, đã phán quyết rằng mặc dù trường Yeshiva “mang tính tôn giáo” và “thoạt nhìn” dường như được miễn trừ khỏi luật nhân quyền nói trên, nhưng “văn bản sáng lập” của nhà trường không “chỉ rõ rằng Yeshiva mang mục đích tôn giáo.”
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Sonia Sotomayor, người giám sát các đơn khẩn cấp từ New York và hai tiểu bang khác, đã hoãn phán quyết của thẩm phán Kotler hôm 09/09. Bà không đưa ra lý do nào cho quyết định của mình trong hồ sơ vụ án được biết đến với tên là Đại học Yeshiva kiện YU Pride Alliance (hồ sơ tòa án số 22A184).
Nhưng khi yêu cầu khẩn cấp này được đưa ra trước toàn thể Tối cao Pháp viện vào ngày 14/09, Pháp viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 trong một lệnh không cần chữ ký để rút lại lệnh tạm hoãn thi hành “mà không gây ảnh hưởng đến việc các nguyên đơn một lần nữa yêu cầu sự cứu trợ từ Pháp viện này nếu, sau khi yêu cầu xem xét nhanh và cứu trợ tạm thời một cách hợp lý từ các tòa án New York, các nguyên đơn không nhận được sự cứu trợ nào.”
Lệnh mới tiếp tục cho biết, “Đơn yêu cầu bị từ chối vì có vẻ như các nguyên đơn có ít nhất hai con đường nữa để được tòa án tiểu bang giải quyết khẩn cấp hoặc tạm thời cứu trợ.”
Phe đa số của Pháp viện gồm các Thẩm phán Roberts, Kavanaugh, Sotomayor, cùng các Thẩm phán Elena Kagan và Ketanji Brown Jackson.
Bản ý kiến bất đồng do Thẩm phán Samuel Alito soạn với sự tham gia của các Thẩm phán Clarence Thomas, Neil Gorsuch, và Amy Coney Barrett.
“Tu chính án thứ Nhất có cho phép một tiểu bang buộc một trường học Do Thái hướng dẫn sinh viên của mình theo một cách giải thích kinh Torah mà nhà trường, sau khi nghiên cứu cẩn thận, đã kết luận là không chính xác không?” ông Alito viết.
“Câu trả lời cho câu hỏi đó chắc chắn là ‘không.’”
“Tu chính án thứ Nhất bảo đảm quyền tự do thực hành tôn giáo, và nếu điều khoản đó có bất kỳ ý nghĩa nào, thì nó sẽ cấm một tiểu bang thực thi cách giải thích ưa thích của mình về Ngũ Thư.”
“Tuy nhiên, đó chính xác là những gì New York đã làm trong vụ kiện này, và thật đáng thất vọng khi đa số Pháp viện này từ chối cung cấp cứu trợ.”
Trường đại học có một lập luận mạnh mẽ, ông Alito cho biết thêm.
“Ít nhất bốn người trong số chúng tôi có khả năng bỏ phiếu để cấp một lệnh xem xét lại phán quyết của tòa án cấp dưới (writ of certiorari) nếu các lập luận về Tu chính án thứ Nhất của Yeshiva bị bác bỏ trong lúc kháng cáo, và Yeshiva có khả năng sẽ thắng nếu vụ kiện của họ được đưa ra xét xử trước chúng tôi.”
“Việc một Tiểu bang áp đặt cách giải thích bắt buộc về Ngũ Thư của chính mình là một diễn biến kinh ngạc đòi hỏi phải xem xét lại,” vị thẩm phán này viết.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo gốc từ The Epoch Times