SCOTUS có khả năng sẽ thụ lý vụ kiện công nhận quyền điều hành các cuộc bầu cử của tiểu bang
‘Học thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập’ từ lâu đã rất phổ biến trong các nhà tư tưởng pháp lý theo phái bảo tồn truyền thống.
Tối cao Pháp viện (SCOTUS) dường như có khả năng sẽ thụ lý một vụ kiện bầu cử mới mà Đảng Cộng Hòa hy vọng rằng sẽ công nhận những gì họ nói là thẩm quyền hiến định ưu việt của các cơ quan lập pháp tiểu bang trong việc đề ra các quy tắc cho việc vẽ lại bản đồ phân chia lại các địa hạt và cho các cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống, cũng như hạn chế quyền can thiệp của các tòa án tiểu bang vào các cuộc tranh luận về các vấn đề này.
Hồi tháng Ba, khi đưa ra bản kháng cáo chống lại lệnh của Tòa án Tối cao tiểu bang về việc vẽ lại bản đồ bầu cử của tiểu bang không theo ý nguyện của cơ quan lập pháp tiểu bang do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, ông Tim Moore, thành viên Đảng Cộng Hòa là Chủ tịch Hạ viện North Carolina, cho biết, “Hiến Pháp Hoa Kỳ rất rõ ràng: các cơ quan lập pháp tiểu bang chịu trách nhiệm vẽ bản đồ Quốc hội, chứ không phải thẩm phán tòa án tiểu bang, và chắc chắn không cần sự hỗ trợ của các nhân viên chính trị đảng phái.”
“Chúng tôi hy vọng rằng Tối cao Pháp viện sẽ tái khẳng định nguyên tắc căn bản này và sẽ hủy bỏ bản đồ bất hợp pháp mà Tòa án Tối cao đã áp đặt đối với người dân North Carolina. Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết nghi vấn về điều khoản bầu cử một lần cho dứt khoát.”
Vụ án đang được đề cập là vụ Moore kiện Harper, hồ sơ tòa án số 21-1271; đơn kiện được nộp hôm 17/03 theo sau một lá đơn kiến nghị khẩn cấp nhằm tìm cách tạm hoãn thi hành phán quyết ngày 14/02 của Tòa án Tối cao North Carolina yêu cầu tiểu bang sửa đổi các khu vực bầu cử Quốc hội hiện hữu cho các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2022 và các cuộc tổng tuyển cử. Bị đơn Rebecca Harper là một thành viên của nhóm 25 cử tri North Carolina.
Hôm 07/03, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ (pdf) đơn kiến nghị tạm hoãn thi hành phán quyết này. Trong một bản ý kiến đồng thuận bác bỏ kiến nghị tạm hoãn, Thẩm phán Brett Kavanaugh tuyên bố rằng Pháp viện “đã nhiều lần ra phán quyết rằng các tòa án liên bang thông thường không được thay đổi luật bầu cử của tiểu bang trong thời gian gần sát một cuộc bầu cử.”
Các thẩm phán dự định xem xét đơn kiện này (pdf) hôm 16/06. Tiếp theo, Pháp viện dự kiến sẽ công bố các phán quyết về các kiến nghị đang chờ giải quyết vào ngày 21/06. Để đơn kiện này được thông qua, ít nhất bốn trong số chín thẩm phán phải đồng ý.
Đảng Cộng Hòa cho rằng Hiến Pháp trực tiếp trao quyền cho các cơ quan lập pháp của tiểu bang đề ra các quy tắc tiến hành các cuộc bầu cử, bao gồm các cuộc bầu cử tổng thống, tuy nhiên Tối cao Pháp viện được cho là chưa bao giờ viện dẫn cái gọi là Học thuyết Cơ quan Lập pháp Tiểu bang Độc lập. Học thuyết này rất phổ biến trong các nhà tư tưởng pháp lý theo phái bảo tồn truyền thống, trong đó có phát thanh viên Mark Levin, người hay đưa vấn đề này ra bàn luận. Trong suốt cuộc tổng tuyển cử năm 2020 mà họ cho rằng đã bị đánh cắp khỏi tổng thống đương nhiệm Donald Trump, các thành viên Đảng Cộng Hòa thường thúc đẩy học thuyết này.
Điều khoản bầu cử trong Điều 1 nêu rõ: “Thời gian, Địa điểm và Cách thức tổ chức Bầu cử cho các vị trí Thượng nghị sĩ và Dân biểu, sẽ do Cơ quan Lập pháp tương ứng quy định ở mỗi Tiểu bang.”
Điều khoản đại cử tri bầu cử tổng thống tại Điều 2 quy định: “Mỗi Tiểu bang sẽ chỉ định, theo Cách thức như Cơ quan Lập pháp có thể chỉ thị, một Số lượng Đại cử tri, bằng toàn bộ Số Thượng nghị sĩ và Dân biểu mà tiểu bang được phép có trong Quốc hội.”
Bốn thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống của Tối cao Pháp viện đã thông báo công khai bày tỏ quan tâm đến việc ra phán quyết về học thuyết này. Ba thẩm phán khác cho biết học thuyết này từng có hiệu lực trong án lệ Bush kiện Gore nhằm giải quyết cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 gây tranh cãi.
Mặc dù Thẩm phán Kavanaugh đã bác đơn kiến nghị tạm hoãn thi hành phán quyết, nhưng ông lưu ý rằng vấn đề này “gần như chắc chắn sẽ tiếp tục phát sinh cho đến khi nào Pháp viện giải quyết triệt để.” Trong một bản ý kiến bất đồng đối với chính lệnh bác bỏ đó, Thẩm phán Samuel Alito đã viết rằng nếu điều khoản bầu cử nói rằng các quy tắc được “mỗi Tiểu bang” quy định thì cách diễn đạt đó là “sẽ để cho mỗi Tiểu bang quyết định nhánh, thành phần, hoặc viên chức nào của chính phủ tiểu bang nên thực thi quyền lực đó bởi vì các Tiểu bang nói chung được tự do phân bổ quyền lực của tiểu bang theo lựa chọn của họ.”
“Nhưng đó không phải là những gì Điều khoản Bầu cử nói. Cách diễn đạt của điều khoản này là chỉ định một cơ quan cụ thể của một chính phủ tiểu bang, và chúng ta phải xem xét cách diễn đạt đó một cách nghiêm túc,” ông Alito viết trong bản ý kiến bất đồng có sự tham gia của hai Thẩm phán Clarence Thomas và Neil Gorsuch.
Các luật sư bầu cử cánh tả không hài lòng về việc Tối cao Pháp viện có thể ra phán quyết về học thuyết này.
Giáo sư luật Irvine Rick Hasen thuộc Đại học California nói với The Associated Press, “Một phán quyết tán thành một cách diễn giải mạnh mẽ về lý thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập sẽ có khả năng cung cấp cho các cơ quan lập pháp tiểu bang nhiều quyền lực hơn nữa trong việc cắt giảm quyền bầu cử và dọn đường cho việc kiện tụng nhằm lật đổ kết quả bầu cử vốn thể hiện ý chí của người dân.”
Trong khi đó, các nhà quan sát pháp lý đang chờ ý kiến của Tối cao Pháp viện khi các thẩm phán thảo luận về một vụ kiện khác cũng từ tiểu bang Tar Heel (biệt hiệu của tiểu bang North Carolina) có tên là Berger kiện Hội nghị NAACP của tiểu bang North Carolina, hồ sơ tòa án số 21-248. Ông Phil Berger, một thành viên Đảng Cộng Hòa, là chủ tịch Thượng viện tạm quyền của tiểu bang North Carolina. Còn NAACP (National Association for the Advancement of Colored People) là Hiệp hội Quốc gia vì Sự Tiến bộ của Người Da màu.
Pháp viện đã nghe các cuộc tranh luận trong vụ án trên vào hôm 21/03 như The Epoch Times đã đưa tin.
Ông Berger lập luận rằng cơ quan lập pháp tiểu bang do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số nên được phép tham gia vận động cho luật nhận dạng cử tri tại tòa án vì ông Josh Stein, Tổng chưởng lý thuộc Đảng Dân Chủ của tiểu bang, bị cáo buộc là không có hành động cần thiết để bảo vệ quy chế.
The Epoch Times chưa xác thực được thời điểm khi nào bản ý kiến sẽ được ban hành. Các thẩm phán đang cố gắng giải quyết 18 bản ý kiến tồn đọng khỏi nhiệm kỳ hiện tại — bao gồm các vụ kiện khác liên quan đến phá thai, cầu nguyện ở trường học, quyền sử dụng súng, và biến đổi khí hậu — trước khi họ nghỉ hè.
Pháp viện dự kiến đưa ra thêm nhiều bản ý kiến khác vào ngày 21 và 23 tháng Sáu.
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.