Sáu trận động đất liên tiếp ở Lai Châu trong vòng nửa tháng
Các chuyên gia cho rằng, chấn động mạnh hơn có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai gần tại Lai Châu.
Trong vòng nửa tháng qua, tại huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu liên tiếp xảy ra 6 trận động đất và gần chục đợt dư chấn nhỏ, gây thiệt hại về tài sản và làm bị thương về người. Trước hiện tượng bất thường trên, người dân địa phương khá hoang mang lo lắng.
Theo thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu, trong 15 ngày qua, tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu xảy ra 6 trận động đất như sau:
- Ngày 15/6: xảy ra một trận động đất có độ lớn 3.3 với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
- Ngày 16/6: xuất hiện trận động đất có độ lớn 4.9 với độ sâu chấn tiêu khoảng 12.6 km.
- Ngày 17/6: xảy ra một trận động đất có độ lớn 2.5 với độ sâu chấn tiêu khoảng 12.8 km.
- Ngày 19/6: có một trận động đất có độ lớn 3.1 với độ sâu chấn tiêu khoảng 12.1 km.
- Ngày 22/6: xảy ra một trận động đất có độ lớn 3.2 với độ sâu chấn tiêu khoảng 15.6 km.
- Ngày 29/6: xuất hiện một trận động đất có độ lớn 2.9 với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km.
Trong đó, trận động đất 4,9 độ richter ngày 16/6 được cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận.
Trận động đất này làm hai trẻ em trường mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè, huyện Mường Tè bị thương nhẹ do rơi tấm trần thạch cao. Ngoài ra, 34 nhà ở, 8 công trình vệ sinh bị nứt tường, 2 trường học rơi tấm trần thạch cao và 2 trường học bị nứt tường.
Liên quan đến thủy điện Lai Châu?
Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, tại địa phương này có đứt gãy Mường Tè chạy qua (còn được gọi là đứt gãy Thượng Sông Đà). Đứt gãy này chạy từ phía Trung Quốc sang, theo báo Tiền phong.
Nhóm nghiên cứu của PGS Cao Đình Triều cho rằng, Mường Tè cùng với 4 khu vực khác là Lai Châu, Tuần Giáo, Yên Châu, Mai Châu có nguy cơ phát sinh động đất mạnh trên khu vực bậc thang thủy điện sông Đà. Trong đó, tại Mường Tè, động đất tự nhiên cao nhất có thể xảy ra lên tới 6,5-6,9 độ richter. Hiện khu vực này mới có động đất cực đại 4,9 độ richter. Vì vậy nguy cơ xảy ra động đất mạnh trong tương lai gần là rất lớn.
Tuy nhiên, theo PGS Triều, cũng có khả năng, các trận động đất gần đây là động đất kích thích do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện Lai Châu từ năm 2015. Trường hợp xảy ra động đất kích thích, chấn động chính sẽ không vượt quá 5,1 độ richter. Tuy nhiên, dư chấn sẽ xảy ra thường xuyên
Gần như toàn bộ nguồn Mường Tè và một đoạn nguồn Nậm Nhé liên thông với lòng hồ sâu nhất của thủy điện Lai Châu, theo nghiên cứu về địa chất thủy điện Sông Đà.
Động đất kích thích xảy ra ở nhiều hồ thủy điện ở Việt Nam
Động đất kích thích xảy ra do hoạt động của con người như hoạt động tích nước của các hồ chứa thủy điện, các vụ nổ xảy ra trong lòng đất.
Tại Việt Nam, một số hồ chứa thủy điện từng xảy ra động đất kích thích như hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sông Tranh 2 và hồ thủy điện Sơn La.
Trong đó động đất kích thích xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 từng gây nhiều bất an, xáo trộn cho cuộc sống người dân vùng xung quanh. Thủy điện Sông Tranh đã ghi nhận hơn 70 trận động đất trong vòng 6 năm kể từ khi đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, đứt gãy Sông Mã – Tuần Giáo – Lai Châu. Nơi đây từng ghi nhận nhiều trận động đất có cường độ mạnh trong lịch sử như: