Sau khi ông Michael Sussmann được tuyên trắng án, ai sẽ buộc FBI phải chịu trách nhiệm?
Câu chuyện Russiagate bắt đầu hồi đầu năm 2016 là một kế hoạch của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton nhằm vu khống đối thủ của bà, ông Donald Trump, là một đặc vụ của Điện Kremlin. Kế hoạch của bà Clinton bao gồm hai mũi nhọn: hồ sơ hư cấu của cựu điệp viên người Anh Christopher Steele và dữ liệu giả về Alfa-Bank của luật sư vận động tranh cử của bà Clinton, ông Michael Sussmann.
Trong khi cuộc điều tra Russiagate của Biện lý Đặc biệt John Durham, vốn tập trung vào hai mũi nhọn đó, hiện đang rơi vào tình thế rất nguy hiểm với việc ông Sussmann được tuyên trắng án, thì rất ít người chú ý đến cách thức mà FBI vũ khí hóa kế hoạch của bà Clinton nhằm gây áp lực lên ông Trump.
Các tài liệu được công bố tại phiên xét xử ông Sussmann bổ sung thêm một lượng ngày càng nhiều các bằng chứng cho thấy kế hoạch của bà Clinton dần dần hội tụ với kế hoạch riêng của lãnh đạo FBI. Khởi đầu là một chiến dịch bôi nhọ chính trị do một ứng cử viên chính trị thực hiện, kế hoạch này đã được cơ quan chấp pháp hàng đầu của quốc gia phối hợp nhằm không chỉ gây tổn hại cho một vị tổng thống đương nhiệm, mà còn cố gắng loại bỏ chức vị của ông.
Kế hoạch của chiến dịch tranh cử của bà Clinton bất chính như thế, song hành vi của FBI còn tồi tệ hơn nhiều.
Vào thời điểm FBI mở cuộc điều tra Crossfire Hurricane về chiến dịch tranh cử của ông Trump vào ngày 31/07/2016 — được cho là nhờ một thông tin mà họ đã nhận được ba ngày trước đó từ một nhà ngoại giao Úc – kế hoạch của chiến dịch của bà Clinton nhằm vu khống ông Trump là một đặc vụ Nga và những nỗ lực của FBI chống lại ông Trump đã bắt đầu hợp nhất.
Ông Steele, từng được các nhân viên của bà Clinton tại Fusion GPS thuê hồi tháng 05/2016, đã chuyển một báo cáo hồ sơ ban đầu cho đặc vụ cao cấp của FBI hôm 05/07/2016. Báo cáo hồ sơ đó đã dựng lên câu chuyện rằng Điện Kremlin đã thỏa hiệp với ông Trump.
Ông Michael Gaeta, đặc vụ cao cấp FBI của ông Steele, đã chuyển báo cáo hồ sơ của ông Steele cho một đồng nghiệp FBI tại văn phòng New York, người này sau đó chuyển tiếp lên cho đội phản gián của FBI. Sau đó, hồi tháng 07/2016, ông Gaeta nhận được hai báo cáo bổ sung từ ông Steele mà ông này cũng đã gửi lên cho cấp trên của mình.
Một cách chính thức, hồ sơ đó đã không tới tay nhóm Crossfire Hurricane của FBI vốn đang điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump cho đến ngày 19/09/2016, tức hai tháng sau.
Một cách không chính thức, các thuyết âm mưu của ông Steele đã lọt vào tay các cấp chỉ huy của FBI trong vòng vài tuần sau khi ông Gaeta nhận được báo cáo đầu tiên. Theo báo cáo của tổng thanh tra về cuộc điều tra Crossfire Hurricane, các quan chức cao cấp của FBI đã biết về sự tồn tại của hồ sơ này, trong đó có cả các viên chức tại trụ sở FBI.
Có thêm bằng chứng cho thấy một cuộc điều tra không chính thức của FBI đã được thực hiện một thời gian khá lâu trước khi thông tin của nhà ngoại giao Úc được đưa ra dưới dạng các tin nhắn văn bản giữa ông Peter Strzok và bà Lisa Page, cố vấn cho phó giám đốc FBI Andrew McCabe. Trong một cuộc trao đổi vào ngày 27/07/2016, ông Strzok và bà Page nói tới việc mở một cuộc điều tra về ông Trump.
Ngày 28/07/2016, các cơ quan tình báo đã chia sẻ các cuộc liên lạc bị chặn với tổng thống đương thời Barack Obama, trong đó tuyên bố rằng bà Clinton đã bật đèn xanh cho một âm mưu vu khống ông Trump với cáo buộc sai sự thật về việc thông đồng với Nga. Trong phiên xét xử ông Sussmann, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông Robby Mook đã xác nhận rằng bà Clinton đã bật đèn xanh cho một vụ rò rỉ những cáo buộc sai sự thật đó cho giới truyền thông. Nhưng FBI đã bỏ qua thông tin tình báo này.
Một ngày sau, ngày 29/07/2016, hai mũi nhọn trong kế hoạch của bà Clinton hội tụ khi các nhân vật chính gặp nhau tại văn phòng luật của Perkins Coie ở Hoa Thịnh Đốn. Những người tham dự bao gồm ông Sussmann, ông Steele, người đứng đầu Fusion GPS, và ông Marc Elias, luật sư dẫn đầu chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Theo lời khai của ông Steele trước một tòa án Anh quốc, chính tại cuộc họp đó, ông ta được cho biết về kế hoạch Alfa. Những cáo buộc này sau đó được ông Steele đưa vào một bản ghi nhớ ngày 14/09/2016, chỉ vài ngày trước khi ông Sussmann cung cấp dữ liệu về Alfa-Bank cho FBI.
Ông Steele đã làm chứng tại một tòa án Anh quốc rằng ông Sussmann đã cung cấp cho ông này những tuyên bố khác về mối liên hệ giả định giữa Alfa-Bank và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp cuối tháng 07/2016.
Khi hai mũi nhọn trong thủ đoạn bẩn thỉu của chiến dịch của bà Clinton nhằm vào ông Trump được hợp nhất, chúng vẫn chưa được tích hợp hoàn toàn vào kế hoạch truy kích ông Trump của riêng lãnh đạo FBI.
Điều đó sẽ xảy ra hai tháng sau, hôm 19/09/2016, ngày mà ông Sussmann đưa dữ liệu giả về Alfa-Bank cho FBI. Đó cũng là ngày FBI chính thức nhận được hồ sơ Steele.
Dữ liệu của ông Sussmann bị các nhà phân tích mạng của FBI bác bỏ gần như ngay lập tức. Một ngày sau cuộc gặp với ông Sussmann, đặc vụ mạng Scott Hellman đã chế giễu dữ liệu của ông Sussmann trong các tin nhắn văn bản được gửi tới lãnh đạo đơn vị của ông ta, Nate Batty.
Trong một tin nhắn, ông Hellman đã mỉa mai viết rằng nếu ông ấy muốn mở một kênh liên lạc bí mật, ông ấy sẽ đặt tên là “Scott.Hellmann-email.com,” chế nhạo việc dữ liệu Alfa của ông Sussmann đã sử dụng địa chỉ “mail1.Trump-email.com,” một địa chỉ đã không được sử dụng kể từ năm 2009, nhưng đột nhiên có một loạt hoạt động ngay trước khi ông Sussmann đưa dữ liệu của mình cho FBI.
Bất chấp sự thật rằng câu chuyện về Alfa-Bank của ông Sussmann rõ ràng là bịa đặt, lãnh đạo FBI đã bỏ qua các chuyên gia mạng của mình và ra lệnh cho văn phòng Chicago — cách xa nhóm mạng của họ – mở một cuộc điều tra toàn diện.
Ngay sau đó, hồi tháng 10/2016, FBI đã nhận được một lệnh FISA cho phép do thám chiến dịch của ông Trump thông qua cố vấn chính sách đối ngoại Carter Page. Lệnh đó có được trên cơ sở hồ sơ Steele giả mạo.
Vào thời điểm này, rõ ràng là chiến dịch tranh cử của bà Clinton và FBI đang theo đuổi cùng một mục tiêu. Tất cả các kế hoạch khác nhau đã hợp nhất thành một kế hoạch rất lớn nhằm hạ gục ông Trump.
Khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 bất chấp những lời bôi nhọ, hành động của FBI đã trở nên quá đà. Ông Trump rất có thể đã chiến thắng bởi vì các hãng thông tấn lớn – vào thời điểm đó vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn báo chí—chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận các thủ đoạn bẩn thỉu của chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Hầu hết các hãng thông tấn từ chối đưa tin tức về hồ sơ Steele vì họ không thể xác nhận bất kỳ câu chuyện nào trong đó. Tờ New York Times từ chối tán thành câu chuyện Alfa-Bank vì lý do tương tự, thậm chí thừa nhận rằng “có thể có một lời giải thích vô thưởng vô phạt, như thư điện tử tiếp thị hoặc thư rác, cho các liên hệ máy điện toán.”
Lãnh đạo FBI hiểu rằng để đạt được thành công trong bất kỳ kế hoạch nào, giới truyền thông cần một phương kế mới, và phó giám đốc McCabe, sau này thừa nhận đã nói dối về các liên lạc của mình với giới truyền thông, biết cách cung cấp phương kế đó.
Khi cộng đồng tình báo viết đánh giá của cộng đồng tình báo sau cuộc bầu cử về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, ông McCabe nhất quyết đưa vào hồ sơ Steele. Các nhà phân tích đã không đồng ý vì không có gì trong hồ sơ này được xác nhận. Một thỏa hiệp đã đạt được theo đó bản tóm tắt hồ sơ Steele được đưa vào đánh giá. Điểm nhấn của bản tóm tắt là ông Trump đã thỏa hiệp với ông Putin. Điều này đủ thuận lợi cho FBI. Bằng cách đưa thông tin này vào một báo cáo chính thức của cộng đồng tình báo, FBI bảo đảm rằng hồ sơ có được tính hợp pháp. Sau đó, giám đốc FBI James Comey đã báo cáo cho ông Trump về hồ sơ này vào ngày 06/01/2017.
Sau đó, sự kiện ông Trump đã được báo cáo [về hồ sơ đó] đã bị rò rỉ cho CNN, hãng thông tấn này đã đưa tin về việc này. Kể từ đó, các hãng thông tấn chỉ có một chủ đề duy nhất và đó là hồ sơ [Steele], bao gồm tất cả những lời nói dối tục tĩu trong đó.
FBI đã vũ khí hóa thành công thủ đoạn bẩn thỉu của chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Ngay cả câu chuyện Alfa-Bank sai sự thật cũng đã quay trở lại trên các hãng thông tấn. Trên thực tế, FBI biết rằng cả hai mũi nhọn trong thủ đoạn bẩn thỉu của bà Clinton đều không có thật. Vụ việc của Alfa đã khép lại hồi tháng 01/2017. Đồng thời, hồ sơ Steele bị ông Igor Danchenko, nguồn tin phụ chủ chốt của ông Steele, phơi bày là một vụ lừa đảo. Tuy nhiên, lãnh đạo FBI vẫn kiên trì điều tra ông Trump.
Hôm 04/03/2017, ông Trump viết trên Twitter rằng ông biết mình đã bị theo dõi. Hai ngày sau, FBI hoảng loạn và các sếp của họ bên Bộ Tư pháp (DOJ) đã triệu tập một cuộc họp để thảo luận về bài đăng trên Twitter của ông Trump. Chính tại cuộc họp này, các lãnh đạo FBI như ông McCabe đã trao cho những người đồng cấp DOJ của họ một báo cáo thực trạng có vẻ tươi sáng về cuộc điều tra của họ, đồng thời che giấu sự thật rằng tất cả các đầu mối điều tra đều đã sụp đổ. Thông qua sự gian dối của họ, lãnh đạo FBI đã có thể thuyết phục cấp trên DOJ của mình chấp thuận một thông báo công khai rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump đang bị điều tra về sự thông đồng với Nga. Thông báo gây xôn xao đó được giám đốc FBI James Comey đưa ra hôm 20/03/2017.
Hồi tháng 05/2017, những nỗ lực của FBI đã lên đến đỉnh điểm với việc bổ nhiệm ông Robert Mueller làm biện lý đặc biệt.
Cuối cùng, ông Trump đã thắng, nhưng thiệt hại do cuộc tấn công của FBI đối với ông là rất lớn. Những năm đầu cầm quyền của ông đã bị tiêu hao bởi ông Mueller và vụ bê bối giả mạo này. Điều quan trọng là ông Trump đã không thể thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là tìm kiếm mối bang giao tốt hơn với Nga. Mỗi khi ông Trump cố gắng hợp tác với Nga, giới truyền thông và Hoa Thịnh Đốn đều đả kích.
Hồi tháng 05/2017, khi ông Trump gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Tòa Bạch Ốc, ngay lập tức ông bị buộc tội chuyển giao bí mật quốc gia. Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster thậm chí đã phải tổ chức một cuộc họp báo để phủ nhận câu chuyện này.
Khi ông Trump gặp ông Putin ở Helsinki, Phần Lan hồi năm 2018, báo chí đưa tin một cách cuồng loạn, đến mức các hãng thông tấn còn cân nhắc liệu một quả bóng mà ông Putin tặng ông Trump làm quà có thể đã bị cài thiết bị nghe trộm hay không. Trong nhiệm kỳ tổng thống bốn năm của mình, ông Trump không có cơ hội nào để có một cuộc hội đàm có ý nghĩa với Nga. Hệ quả trực tiếp của điều đó là tình trạng mà chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine hiện nay.
Câu chuyện chưa kể về Russiagate là FBI, bằng cách vũ khí hóa các thủ đoạn bẩn thỉu của chiến dịch tranh cử của bà Clinton, đã thay đổi tiến trình của một nhiệm kỳ tổng thống.
Chưa hết, ngoài một luật sư có chức vị thấp của FBI chịu mức phạt nhẹ vì đã thay đổi chứng cứ, không ai thuộc FBI bị buộc bất kỳ tội danh nào.
Ông Hans Mahncke là người đồng dẫn chương trình Truth Over News trên Epoch TV. Quý vị có thể liên lạc với ông qua tài khoản Twitter: @hansmahncke