Sau khi chạy trốn khỏi chủ nghĩa xã hội, một số người nhập cư lo sợ cho tương lai nước Mỹ
Một nhóm đa dạng những người ủng hộ đã tụ tập bên ngoài khách sạn của Tổng thống Donald Trump ở Doral, Florida, hy vọng có thể nhìn thấy ông trong một sự kiện bàn tròn của người Latinh mới đây. Nhiều người là những người lưu vong khỏi các chế độ xã hội chủ nghĩa hoặc cộng sản như Cuba và Venezuela.
Bối cảnh cá nhân này – nhiều người đã chạy trốn sang Mỹ – và quan điểm rằng Đảng Dân Chủ đã dịch chuyển hơn nữa sang cánh tả là những yếu tố chính đằng sau sự ủng hộ của họ cho ông Trump. Các biện pháp trừng phạt lặp đi lặp lại của chính phủ đối với các chế độ của Venezuela và Cuba đã giúp củng cố các quyết định của họ.
Jorde Lewis, một người Mỹ gốc Venezuela, cho biết anh không thể hiểu tại sao người nào đó ở quê nhà của anh lại bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, vì anh tin rằng họ đang “đề ra chủ nghĩa xã hội”. Phần lớn người dân Venezuela sống trong cảnh nghèo đói và hàng triệu người đã chạy trốn khỏi chế độ này.
“Chúng tôi rời bỏ chủ nghĩa xã hội để đến với một quốc gia tư bản. Tôi biết chính xác cuộc sống dưới chủ nghĩa xã hội là như thế nào, không có thức ăn, không có điện,” anh Lewis nói với The Epoch Times hôm 25/9.
“Mức lương tối thiểu ở đất nước tôi là một chuyện lố bịch. Nó là 5 USD — và một chai tương cà là 1 USD,” anh nói.
Hồi tháng 7, ứng cử viên tổng thống Joe Biden nói rằng ông sẽ là “tổng thống tiến bộ nhất trong lịch sử nước Mỹ.” Chương trình nghị sự của ông cũng được các phương tiện truyền thông cánh tả mô tả là tiến bộ.
Anh Lewis cho biết anh đã trốn sang Mỹ vì những cơ hội mà quốc gia này mang lại với tư cách là một xã hội tư bản. Anh không muốn một chính phủ lớn, anh muốn một chính phủ nhỏ, “để chúng ta có thể tự do được là con người.” Năm nay, anh Lewis sẽ không bỏ phiếu qua thư: “Tôi đến từ một quốc gia xã hội chủ nghĩa và họ luôn gian lận trong các cuộc bầu cử.”
“Chúng tôi không muốn đất nước này trở thành đất nước mà chúng tôi đã bỏ lại phía sau. Chúng tôi muốn các thể chế, chúng tôi muốn tự do, tự do tôn giáo, quyền mang vũ khí,” anh nói.
Hàng chục người trong đám đông đã tụ tập bên ngoài khách sạn của Tổng thống Trump cũng bày tỏ những ý kiến tương tự. Florida có 29 phiếu đại cử tri trong số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để được bầu làm tổng thống, đây là một bang chiến trường quan trọng.
Virginia Mancur, một người Mỹ gốc Nicaragua, cho biết sự ủng hộ từ cộng đồng của ông dành cho Tổng thống Trump mạnh mẽ hơn so với năm 2016.
“Họ muốn gì, một cái gì đó giống như Venezuela ở đây chăng? Hầu hết người dân Nicaragua và Ecuador đang ủng hộ Tổng thống Trump,” anh Mancur nói với The Epoch Times.
Việc đăng ký bỏ phiếu cũng vẽ nên một bức tranh. Theo thống kê đăng ký bỏ phiếu vào ngày 1/9 ở Miami, 301,317 người gốc Tây Ban Nha đã đăng ký cho Đảng Cộng Hòa của Florida, trong khi 273,129 người đăng ký cho Đảng Dân Chủ của Florida.
Chính phủ Trump đã thu hút những người Mỹ gốc Latinh và người Mỹ gốc Cuba ở Florida thông qua các quảng cáo và các phương tiện khác. Trong khi đó, các thành viên Đảng Dân Chủ bày tỏ lo ngại rằng ông Biden đang nhanh chóng mất vị thế đối với người dân Cuba.
Ông Alex Gubanos, một người Mỹ gốc Cuba, nói với The Epoch Times rằng ông bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vì khoản vay của Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) mà ông nhận được đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp với khoảng 600 nhân viên của ông. Ông Gubanos nói ông ủng hộ “100%” các lệnh trừng phạt của chính phủ đối với Cuba và nói thêm rằng ông có gia đình đang sống ở đó.
Ông nói rằng từ những gì ông thấy thì hầu hết người Mỹ gốc Cuba xung quanh ông đều bỏ phiếu cho Tổng thống Trump.
Theo Viện Chính sách Di cư, bốn quận hàng đầu ở Hoa Kỳ có sự tập trung đông đảo nhất của người Cuba đều ở bang Florida, đó là Miami-Dade, Broward, Hillsborough và Palm Beach.
Anh Renzo Lopez sinh ra ở Peru và chuyển đến Mỹ năm 8 tuổi cho biết anh biết cuộc sống ở một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba là như thế nào.
“Cha mẹ tôi [đã làm việc chăm chỉ] để đến được đất nước này để mang lại cho chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi không muốn đất nước này trở thành giống như đất nước của tôi,” anh nói với The Epoch Times.
Anh Lopez cũng cho biết trong năm nay anh đang thấy nhiều cá nhân hơn trong cộng đồng người Latinh chuyển từ Đảng Dân Chủ sang Tổng thống Trump.
“Rất nhiều thành viên trong gia đình tôi thực sự đã chuyển sang. Tôi thấy cộng đồng người Latinh có thêm nhiều sự ủng hộ hơn. Tôi có thể nói là hơn 50 phần trăm cộng đồng mà tôi đang tiếp xúc trên Facebook của mình và ở Miami,” anh nói.
“Chúng tôi mệt mỏi vì bạo loạn. Chúng tôi đứng về phía các giá trị gia đình. Tôi cảm thấy mệt mỏi với việc mọi người gọi chúng tôi là những kẻ phân biệt chủng tộc hoặc những kẻ phản bội,” anh Lopez nói thêm.
Cô Leyla Celly nói với The Epoch Times rằng cô thấy 90% đồng nghiệp người Mỹ gốc Li-băng của mình ở Miami bỏ phiếu cho Tổng thống Trump.
“Ngay cả những người Syria ở Mỹ, họ cũng đang bỏ phiếu cho Tổng thống Trump. Các dân tộc thiểu số cần một người chân thành và đem lại sự giúp đỡ,” cô Celly nói.
Vào ngày 23/9, Tổng thống Trump đã bổ sung các biện pháp trừng phạt mới chống lại chế độ ở Havana, bao gồm các hạn chế mới đối với hàng xuất khẩu của Cuba và cấm người Mỹ ở tại các bất động sản thuộc sở hữu của chế độ này. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt là một phần của “cuộc chiến không ngừng nghỉ của chúng tôi chống lại sự áp bức của cộng sản.”
Tổng thống Trump cho biết các biện pháp trừng phạt mới “sẽ đảm bảo các đồng tiền Mỹ không tài trợ cho chế độ Cuba.”
Tổng thống cũng đã nhiều lần trừng phạt Venezuela.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng nhiều người Latinh hơn đang bỏ phiếu cho Tổng thống Trump. Một cuộc thăm dò gần đây của NBC News/Marist cho thấy 50% cử tri Latino gốc Cuba ủng hộ Tổng thống Trump so với 46% ủng hộ ông Biden.