Sau chiến tranh, cuộc hành trình trở về nhà là cả cuộc đời
Thủy thủ Lawrence Markworth đã háo hức nhảy xuống con thuyền đánh cá voi để giúp tìm kiếm một phi công Mỹ bị bắn rơi xuống biển gần Việt Nam vào năm 1964. Lúc ấy, chiến tranh đang diễn ra gay gắt.
“Chúng tôi phát hiện một chiếc mũ bay đang nhấp nhô trên mặt nước, và có vẻ như anh ấy còn sống. Tất cả chúng tôi đều vui mừng: ‘Chúng ta sẽ giải cứu một phi công. Điều này thật tuyệt,’” ông nhớ lại.
“Chúng tôi tới được chỗ anh… nhưng anh ấy đã mất. Tôi nhớ mọi người đã nâng anh lên tàu, và con tàu chìm trong im lặng. Đó là… Tôi không biết nữa, vẫn thật khó khăn để nói về những điều này.”
Sự ra đi của viên phi công đã khiến ông nhớ lại cái chết của cha mình, điều mà ông vẫn tự trách bản thân. Một tuần trước khi ông nhận được lệnh điều động, ông Markworth đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho cha mình tại nhà. Cha của ông đã không qua khỏi, và ông Markworth đã mang theo nỗi đau và sự tự trách bản thân khi vào quân đội. Ông đã trở lại tiểu bang hai năm sau đó ở tuổi 20 với chấn thương thời chiến chồng chất.
“Chúng tôi không được dạy cách giải quyết những vấn đề đó ở đất nước này. Vì vậy, cuộc hành trình về nhà là cả cuộc đời,” ông Markworth nói với The Epoch Times hôm 07/11.
Ông Markworth gia nhập Hải quân vào tháng 11/1962 ở tuổi 18 và phục vụ trên tàu USS Castor với tư cách là người phụ việc của một thợ điện trong hai năm, đóng quân tại Nhật Bản.
Năm nay 77 tuổi, ông đã trải qua hàng thập niên chiến đấu với sự nghiện ngập và những vết thương sâu hơn về tổn thương tinh thần và cảm giác bị tổ quốc phản bội. Ông cũng đã đấu tranh với Bộ Cựu Chiến Binh (VA) trong nhiều năm vì phơi nhiễm chất độc màu da cam và những căn bệnh mà ông đã mắc sau đó.
“Trở về còn khó hơn nhiều so với khi ra trận,” ông nói. “Ngày xuất ngũ, tôi vui lắm. Thế nhưng tôi không nhận ra rằng đó sẽ là một trong những khoảng thời gian đen tối nhất của cuộc đời mình.”
Nhà trị liệu tâm lý Ed Tick, người đã làm việc với các cựu chiến binh trong 45 năm, cho biết cách đối đãi của VA đối với các cựu chiến binh ở Hoa Kỳ là “không thích hợp một cách tệ hại và chủ yếu phụ thuộc vào thuốc men – điều mà các cựu chiến binh không muốn.”
Ông đã dành nhiều thập niên để nghiên cứu cách các nền văn hóa khác nhau giúp chữa lành cho các chiến binh trở về của họ, bao gồm cả việc học nghề 11 năm với một pháp sư người Mỹ bản địa.
“Nghĩa vụ quân sự và chiến tranh là những trải nghiệm có sức thẩm thấu và biến đổi phi thường đến mức chúng sống trong tâm trí và trái tim của các cựu chiến binh với tư cách là điều quan trọng và mãnh liệt nhất mà họ từng trải qua. Vì vậy, đối với những người như chúng ta thì vâng, cuộc chiến đã kết thúc. Nhưng đối với họ thì không, nó chưa bao giờ kết thúc,” ông Tick nói.
Do đó việc trở về quê nhà đối với một cựu chiến binh là “một thử thách rất đáng sợ, đòi hỏi nhiều về mặt tinh thần, tâm lý, tín ngưỡng, và văn hóa.”
Các cựu chiến binh Việt Nam phải chịu đựng một cách đặc biệt khắc nghiệt sau khi trở về từ chiến tranh vì họ bị đối xử tàn nhẫn. Một số người bị gọi là “kẻ sát hại trẻ em”. Số khác thì bị nhổ vào mặt. Thêm vào đó, nhiều người đã bị kéo vào cuộc chiến này và phải làm điều trái với ý muốn của họ.
“Đây là một lý do tại sao không có PTSD ở Việt Nam, giống như ở đây,” ông Tick nói, đề cập đến chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
“Ở Việt Nam, họ không đổ lỗi cho quân đội, và thậm chí họ không trách người Mỹ. Người Việt nói, ‘Cựu chiến binh Mỹ cũng là nạn nhân của chiến tranh. Chúng ta đều là những người anh em, bởi vì chúng ta cùng từ địa ngục trở về.”
Ông Tick đã đưa các cựu chiến binh đến Việt Nam mỗi năm kể từ năm 2000 (cho đến khi đại dịch bắt đầu) trên một cuộc hành hương đã cung cấp cho họ một kinh nghiệm chữa lành sâu sắc, đặc biệt là khi nói đến những gánh nặng của sự tổn thương tinh thần và sự phản bội.
Tổn thương tinh thần được định nghĩa là một vết thương trong tâm hồn do từng tham gia vào các sự kiện trái với lương tâm sâu thẳm của mình.
Ông Tick cho biết, “Vì lẽ đó, chúng ta có thể tham chiến bởi vì chúng ta được lệnh phải làm, rồi thì chúng ta có thể là một nhân viên y tế hay một nhân viên tiếp tế, nhưng chúng ta vẫn đang ủng hộ cho cuộc chiến này. Và nếu như chúng ta không tin vào nó, thì chúng ta vẫn đang giúp đỡ và ủng hộ cho cuộc chiến đó, và điều đó sẽ gây ra tổn thương về mặt tinh thần. Dù chỉ là chứng kiến những hành vi đáng nghi vấn về mặt đạo đức thôi thì cũng sẽ gây ra tổn thương về mặt tinh thần rồi.”
Các triệu chứng tổn thương tinh thần bao gồm xấu hổ, cảm giác tội lỗi, bị phản bội, đau buồn sâu sắc, và sự chán ghét.
Ông Tick nói rằng, “Tổn thương tinh thần là trọng tâm của PTSD. Hầu như không bao giờ có trường hợp nào chúng tôi phát hiện ra là có PTSD mà không bị tổn thương về mặt tinh thần.”
“Chúng ta thực sự phải làm cho các chiến binh tại ngũ mà về sau sẽ trở thành các cựu chiến binh của chúng ta cảm thấy an toàn và được bảo vệ để họ có thể khám phá sâu sắc lương tâm và hệ thống giá trị của chính họ cũng như khám phá cảm nhận của họ về những gì họ đã làm. Và sau đó cho họ cơ hội để khôi phục và phục hồi những khía cạnh đạo đức ẩn sâu hơn trong con người họ.”
Ông Markworth vào đại học sau khi rời Hải Quân vào tháng 08/1966 và đã mất bảy năm để có thể lấy được một bằng cử nhân.
“Tôi đã thực sự phải đấu tranh [với chính mình] bởi vì tôi không biết mình là ai và tôi đã đánh mất một phần linh hồn của mình.” Ông nói ông đã phải “tham gia hết mình” vào phong trào phản chiến ở San Francisco để giúp làm nguôi ngoai nỗi tức giận và xấu hổ vì ông từng phục vụ ở Việt Nam và từng là một phần của vấn đề này.
“Tôi đã trở thành một người cấp tiến. Tôi đã từng là một hippie. Tôi đã từng là một người theo chủ nghĩa Marx cấp tiến. Đó là một con đường khác giúp tôi xoa dịu nỗi đau.”
Đầu tiên ông tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua một nhà trị liệu là vào năm 1969 sau khi nói với bạn gái mình vào thời điểm đó rằng ông đang lên kế hoạch tự tử. Ông Markworth cho biết buổi trị liệu này đã cứu mạng ông, và ông đã tham gia nhiều đợt điều trị kể từ khi ấy.
Tuy nhiên, ông cho biết chuyến đi đến Việt Nam vào năm 2017 với ông Tick là “điều [đạt hiệu quả] chữa lành nhất mà tôi đã làm trong những năm phục vụ của mình.”
Lúc đầu, ông còn e ngại về chuyến đi, vì nghĩ rằng người Việt sẽ bảo ông rằng ông sẽ không được chào đón và phải trở về nhà.
Ông Markworth nói, “Nhưng mọi thứ hoàn toàn trái ngược. Chúng tôi đã đi bộ xuống phố, và họ bước lại gần – và những cựu chiến binh này, một số người trong số họ bị tàn tật, đã bắt tay chúng tôi.”
“Và sau đó khi chúng tôi gặp họ – những người thuộc Quân đội Bắc Việt Nam, hoặc Việt Cộng – họ đều nói: ‘Lúc ấy chúng ta đều đang làm những gì mà chúng ta cho là đúng. Chúng ta là những chiến binh. Và giờ thì các ông đều là bạn của chúng tôi.’”
“Họ thật tuyệt vời. Đón nhận như thế, tha thứ như thế. Đã có rất nhiều nước mắt. Và sau đó họ đã kể những câu chuyện chiến tranh. Có bốn người trong Lục Quân và tôi, và những người đàn ông này phát hiện ra là họ từng ở cùng một nơi trong khi chiến đấu cùng một lúc trên cùng một trận chiến, nhưng ở hai chiến tuyến khác nhau.”
6 bước cho sự trở về của một chiến binh
Ông Tick đã phát triển một lộ trình sáu bước để chữa lành khi các cựu chiến binh trở về nhà, dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của ông từ các nền văn hóa khác. Ông làm theo các bước này trong các đợt nghỉ dưỡng của mình ở Hoa Kỳ, cũng như các chuyến đi ra hải ngoại, và mô tả đầy đủ những kinh nghiệm này trong cuốn sách “Warrior’s Return” (“Chiến Binh Trở Về”) của mình. Ông Tick cũng đã cho xuất bản một cuốn sách mới trong tháng này, có nhan đề “Coming Home In Viet Nam” (“Về Nhà Ở Việt Nam”).
Bước đầu tiên là để cho [các chiến binh được] ở một mình và quan tâm [tới họ], ở bước này chiến binh được chăm sóc và có thể nghỉ ngơi.
Ông Tick nói, “Thật sai lầm khi đưa các chiến binh về nhà và đưa họ quay trở lại ngay với gia đình trong cộng đồng của họ, vì chiến tranh vẫn còn bên trong họ. Nhiệm vụ đầu tiên của cộng đồng hoặc bộ tộc là đưa chiến tranh ra khỏi người chiến binh đó.”
Bước thứ hai được gọi là sự thừa nhận định mệnh và yêu cầu người cựu chiến binh thừa nhận những gì họ đã làm và những gì đã xảy đến với họ. “Đây là thực tế mà tôi đã trải qua và đây là những gì mà tôi phải sống tiếp với,” ông nói.
Bước thứ ba là giai đoạn thanh lọc và làm sạch một cách mạnh mẽ. Ông Tick cho biết người Mỹ Bản địa sử dụng các căn nhà đổ mồ hôi (sweat lodge) và tìm kiếm những trải nghiệm tâm linh với một vị thần hộ mệnh, trong khi truyền thống Do Thái-Kitô Giáo ban đầu sử dụng lửa và nước để tẩy rửa bản thân và vũ khí của họ, và các linh mục để giúp thanh tẩy họ. “Và họ không được phép về nhà cho đến khi họ đã trải qua quá trình đó,” ông Tick cho biết.
Bước thứ tư là kể chuyện, thông qua trò chuyện, sáng tác văn học, vẽ tranh, hoặc bất kỳ hình thức nghệ thuật nào.
Ông Tick nói, “Các samurai Nhật Bản đã đem đến cho chúng ta một số họa sĩ phong cảnh và thi sĩ Haiku vĩ đại nhất. Truyền thống chiến binh Celtic quy định rằng quý vị không thể có được thanh kiếm của mình trừ khi quý vị học chơi trống hoặc kèn fife hoặc tẩu. Quý vị phải có một loại hình nghệ thuật để cân bằng các kỹ năng sát nhân.”
Bước thứ năm là phục hồi, bao gồm sự tha thứ và chuộc tội, đồng thời liên quan đến cả cộng đồng và [bản thân] người chiến binh. Ông nói, cộng đồng phải chia sẻ gánh nặng trách nhiệm.
Ông nói, “Quý vị đã hành động nhân danh tôi, tôi đã thanh toán các hóa đơn, tôi đã cử quý vị đi. Quý vị đã không làm điều này một mình. Và đó không phải là quyết định của quý vị, quý vị đã làm điều đó đại diện cho tôi và đất nước của chúng ta, và quý vị đã nghĩ rằng quý vị đang bảo vệ tôi. Vì vậy, tôi nhận trách nhiệm cho quý vị. Và cho bất cứ điều gì mà quý vị đã làm, và tôi sẽ gánh trách nhiệm đó cùng quý vị, và tôi sẽ giúp quý vị trở về nhà.”
“Và các chiến binh cần chịu trách nhiệm cho những gì mà họ đã làm, và thực hành một số hình thức chuộc tội. Sự chuộc tội là một bước được thực hiện bằng hành động để hàn gắn lại thế giới từ thời điểm mà chúng ta đã làm hại nó.”
Trong các chuyến đi đến Việt Nam, các cựu chiến binh đã giúp xây dựng trường học và nhà ở, giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam, trao tiền mặt và quà tặng cho các gia đình ở những nơi mà họ đã từng tham chiến.
“Bất cứ khi nào chúng tôi làm điều này… 40 hoặc 50 năm dùng thuốc và liệu pháp của Bộ Cựu Chiến Binh để chữa PTSD và nó vẫn chưa biến mất. Với những hoạt động này cùng hai tuần ở Việt Nam, các cựu chiến binh của chúng tôi biến thành những con người an nhiên, vui vẻ, hạnh phúc, hay cười và chứng PTSD của họ cũng tan biến,” ông Tick nói. “Phương pháp này không phải lúc nào cũng có tác dụng, nhưng thường thì nó hữu hiệu.”
Bước thứ sáu và cũng là cuối cùng là nhận thụ phong với tư cách là một chiến binh, thường là thông qua một buổi lễ.
Ông Tick nói, “Các nền văn hóa truyền thống không gọi ai đó là một chiến binh cho đến khi họ có thể mang theo trải nghiệm này mà không bị suy sụp. Bởi vì các chiến binh phải trở thành các bậc huynh trưởng trong cộng đồng và các nhà lãnh đạo cũng như những người thầy sau khi phục vụ. Do vậy, tôi không giúp các cựu binh của mình trở thành thường dân.”
“Một lần nữa, tôi nói với họ, ‘Quý vị không thể, quý vị sẽ không trở thành thường dân. Quý vị có thể sống chung với dân thường, quý vị có thể phục vụ trong xã hội dân sự, với tư cách là một giáo viên hay một huynh trưởng, nhưng quý vị luôn luôn là một chiến binh.’”
Các nguồn lực dành cho cựu chiến binh
- Đường dây dành cho cựu chiến binh trong khủng hoảng : 1-800-273-8255, bấm số 1
- Mentor the Soul: mentorthesoul.guide
Minh Ngọc, Thanh Tâm, và An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: