Sau Bill Gates, Bắc Kinh tìm kiếm quan hệ đối tác với các quan chức nông nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ
Một số quan chức chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã tham gia một sự kiện nông nghiệp trực tuyến được đồng tổ chức bởi một hiệp hội có tầm ảnh hưởng do Bắc Kinh hậu thuẫn có mối liên hệ với ông Bill Gates.
Hiệp hội Phúc Địa Mỹ Trung (United States Heartland China Association, USHCA), một tổ chức bất vụ lợi 501(c)3 được thành lập vào năm 2003, đã tổ chức trực tuyến Hội nghị bàn tròn Nông nghiệp Hoa Kỳ-Trung Quốc năm 2022 hồi đầu tháng. Sự kiện trực tuyến này do Hiệp hội Hữu nghị với Nước ngoài của Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC) đồng tổ chức.
Chính phủ ông Trump đã từng cảnh báo về CPAFFC. Hồi tháng 02/2020, Ngoại trưởng lúc bấy giờ là ông Mike Pompeo, đã gọi hiệp hội này là “bộ mặt trước công chúng của cơ quan gây ảnh hưởng ngoại quốc chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) để điều hành các hoạt động gây ảnh hưởng ở ngoại quốc. Tại Hoa Kỳ, ĐCSTQ cũng đã khai triển các nhóm “mặt trận thống nhất” cấp cơ sở như một phần trong nỗ lực thâm nhập vào các thể chế chính trị và dân sự của Hoa Kỳ.
CPAFFC “có nhiệm vụ thỏa hiệp các chính phủ địa phương” và “đã tìm cách gây ảnh hưởng trực tiếp và ác ý đến các nhà lãnh đạo địa phương và tiểu bang để thúc đẩy nghị trình toàn cầu của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa],” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo hồi tháng 10/2020, khi chỉ định một nhóm khác, một tổ chức của Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, là một phái bộ ngoại quốc.
Hội nghị bàn tròn này có sự góp mặt của một số quan chức tiểu bang Hoa Kỳ, bao gồm Bộ trưởng Nông nghiệp Oklahoma Blayne Arthur, Bộ trưởng Nông nghiệp Kansas Mike Beam, Giám đốc Nông nghiệp Missouri Chris Chinn, Bộ trưởng Nông nghiệp Iowa Mike Naig, và Dân biểu Darin LaHood (Cộng Hòa-Illinois)
Sự kiện bàn tròn năm 2022 này ban đầu được đưa tin bởi National Pulse. Hội nghị bàn tròn đầu tiên đã được tổ chức hồi tháng 04/2021.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) do nhà nước điều hành là một trong những đối tác của sự kiện này. Một số quan chức và học giả của CASS cũng tham gia vào hội nghị bàn tròn này, bao gồm ông Vương Vĩ (Wang Wei), tổng giám đốc văn phòng hợp tác quốc tế của viện.
Ông Bob Holden, cựu thống đốc Missouri thuộc Đảng Dân Chủ, đồng thời là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USHCA đương nhiệm, đã nói chuyện trong lễ khai mạc hội nghị bàn tròn rằng hợp tác Mỹ-Trung là “thiết yếu” để vượt qua những thách thức toàn cầu, bao gồm “sản xuất đủ thực phẩm dinh dưỡng để cung cấp cho dân số ngày càng tăng trên hành tinh” và “ngăn chặn các đại dịch bệnh tật ở người, động vật, và thực vật trong tương lai.”
Sự kiện trực tuyến này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc gia tăng mua đất nông nghiệp của Hoa Kỳ trong thập niên qua, gây lo ngại về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, ông Gates cũng là một người mua nhiều đất nông nghiệp ở Hoa Kỳ. Tạp chí Land Report của Hoa Kỳ tuyên bố rằng ông Gates là chủ sở hữu đất nông nghiệp tư nhân lớn nhất Mỹ quốc hồi tháng 01/2021, khi cho biết gia đình ông đã tích lũy được khoảng 242,000 mẫu đất canh tác.
Ông Bill Gates
Người sáng lập Microsoft, ông Bill Gates, đã làm việc với CPAFFC trong nhiều năm qua, đặc biệt là với chủ tịch tiền nhiệm của hiệp hội này, bà Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin), người đã giữ chức vụ này từ tháng 09/2011 đến tháng 04/2020.
Bà Lý không phải là công dân Trung Quốc bình thường. Bà là cựu thành viên của cơ quan cố vấn chính trị của nhà cầm quyền Trung Quốc, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Ngoài ra, bà là con gái của cựu lãnh đạo chính quyền Trung Quốc Lý Tiên Niệm (Li Xiannian) và chồng bà, ông Lưu Á Châu (Liu Yazhou), là một tướng về hưu của Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông Gates và bà Lý đã gặp mặt trực tiếp trong Hội nghị thượng đỉnh về Vaccine Toàn cầu năm 2013 ở Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Theo trang web của CPAFFC, Quỹ Bill và Melinda Gates đã mời bà Lý đến hội nghị thượng đỉnh này, trong đó bà đã tham gia một hội thảo nói về nỗ lực chích ngừa của Trung Quốc để loại bỏ căn bệnh bại liệt.
Tháng 08/2013, quỹ này đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 5 triệu USD để “hỗ trợ các nhà điều tra Trung Quốc thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, và sản xuất ‘nhà vệ sinh thế hệ tiếp theo,’” như một phần của cuộc “Thách thức Tái phát minh Toilet” (“Reinvent the Toilet Challenge”) toàn cầu. Theo Đại học Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh, một sự kiện ra mắt ở Trung Quốc đã có sự tham gia của bà Lý, một đại diện của quỹ này tại Trung Quốc, bí thư đảng ủy của trường đại học này, và các quan chức y tế Trung Quốc.
Ông Gates đã đến thăm trụ sở chính của CPAFFC tại Trung Quốc hồi tháng 06/2014, trong chuyến thăm đó ông đã có một bài diễn văn tiêu đề “Phát minh cho Người nghèo” (“Invent for the Poor”). Theo một video trên trang web của CPAFFC, ông Gates đã ca ngợi chế độ Trung Quốc và hiệp hội này trong bài diễn văn của mình.
Ông Gates nói: “Ở đây tại Trung Quốc, thật tuyệt vời khi chứng kiến sự đầu tư vào công nghệ kỹ thuật và y tế, tất cả những thứ mà Trung Quốc đang ở một vị thế rất, rất mạnh mẽ.”
Ông nói thêm, “Và vì vậy hy vọng của chúng tôi đối với Hiệp hội Hữu nghị là cùng nhau chúng ta có thể tìm thấy những ý tưởng tuyệt vời ở Trung Quốc và chúng ta có thể tìm thấy những đối tác phù hợp ở Phi Châu và các nơi khác, những người có thể tiếp nhận những công cụ mới này và sử dụng chúng thay mặt cho người dân.”
Ông Mark Suzman, Giám đốc điều hành của quỹ này, và bà Lý đều đã tham dự Diễn đàn Từ thiện Thế giới được tổ chức tại Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc hồi tháng 09/2016. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Suzman đã ca ngợi Trung Quốc vì “tiềm năng” của nước này trong các hoạt động từ thiện và “vai trò độc đáo” của họ trong sự phát triển của Phi Châu.
Bà Melinda French Gates, đồng chủ tịch của quỹ này, đã tổ chức một cuộc gặp với bà Lý tại Trung Quốc hồi tháng 07/2017. Theo trang web của CPAFFC, bà French Gates đã ca ngợi CPAFFC về các hoạt động từ thiện của tổ chức này. Bà cũng mời bà Lý tham gia Hội đồng Chấm dứt Bệnh sốt rét (EMC), một sáng kiến do ông Gates sáng lập vào năm 2017.
Sau đó, bà Lý đã tham gia một cuộc họp EMC được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 04/2019, theo CPAFFC.
Ông Gates và bà Lý cũng có mối liên hệ thông qua một cơ quan Mặt trận Thống nhất khác, Quỹ Giao lưu Hoa Kỳ-Trung Quốc (CUSEF) có trụ sở tại Hồng Kông, do CPAFFC quản lý. CUSEF nêu tên bà Lý là phó chủ tịch trên trang web của quỹ này và báo cáo năm 2013 của họ nêu tên ông Gates là một thành viên trong ban lãnh đạo của họ.
CUSEF được đứng đầu bởi quan chức chính quyền Trung Quốc Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa), một cựu lãnh đạo Hồng Kông và hiện là Phó chủ tịch CPPCC.
CPAFFC
CPAFFC được thành lập vào năm 1954 và có hơn 300 chi nhánh địa phương trên khắp Trung Quốc. Bên ngoài biên giới Trung Quốc, có các chi nhánh cấp khu vực như Hiệp hội Hữu nghị Trung Quốc-Ả Rập, cũng như các chi nhánh cấp quốc gia như Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Chủ tịch CPAFFC đương nhiệm là ông Lâm Tùng Thiêm (Lin Songtian), người đã đảm nhận vị trí này từ tháng 04/2020. Trước đó, ông là đại sứ của Trung Quốc tại Nam Phi từ năm 2017.
Khi ông Lâm còn ở Nam Phi, ông Lâm từng là một nhà phê bình thẳng thắn về Hoa Kỳ trên Twitter. Tháng 03/2020, ông đã khuếch đại một thuyết âm mưu vô căn cứ cho rằng đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ quân đội Hoa Kỳ, khi ông cho đăng lại một bài đăng hiện đã trở nên tai tiếng của ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trước những cáo buộc của ông Triệu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc lúc bấy giờ tại Hoa Kỳ là ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai).
Tháng 06/2020, Thượng nghị sĩ Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) đã phát hành một báo cáo tạm thời (pdf) về nguồn gốc của dịch COVID-19. Báo cáo này đã chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc, nói rằng đại dịch này “lẽ ra đã có thể ngăn chặn được” nếu các quan chức Trung Quốc ứng phó với các đợt bùng phát ban đầu một cách “minh bạch và có trách nhiệm.”
Một tháng sau, ông Lâm đã viết trong một bài đăng trên Twitter rằng báo cáo tạm thời này nhằm mục đích “đổ lỗi và che đậy cho hành vi phạm pháp của chính phủ ông Trump.”
Ông Lâm cũng nhiều lần lên Twitter để bảo vệ các chính sách nhắm vào các dân tộc thiểu số ở vùng Tân Cương xa xôi phía tây của chế độ cộng sản này. Trong một bài đăng trên Twitter hồi tháng 12/2019, ông cho biết “các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” của Trung Quốc, nơi mà các quan chức phương Tây đã mô tả là “các trại tập trung,” đã có hiệu quả trong việc chấm dứt “chủ nghĩa cực đoan” ở Tân Cương.
Trung Quốc đã lấy cớ “chống lại chủ nghĩa cực đoan” để nhốt hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đồng thời bắt họ phải triệt sản, lao động cưỡng bức, và chịu đựng các cách đối xử vô nhân đạo khác. Cả chính phủ của ông Trump và ông Biden đều xác định rằng Trung Quốc đã phạm “tội ác diệt chủng” và “tội ác phản nhân loại” chống lại người Duy Ngô Nhĩ.
Tại lễ khai mạc hội nghị bàn tròn tháng Tư, ông Lâm nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên làm việc cùng nhau vì hai bên “bổ trợ cho nhau.” Theo ông Lâm, Hoa Kỳ đang có lợi thế về công nghệ tân tiến, tài chính, và nhân tài, trong khi Trung Quốc đang sở hữu một thị trường rộng lớn và nhu cầu nội địa cao.
The Epoch Times đã liên lạc với USHCA cùng Quỹ Bill và Melinda Gates để yêu cầu bình luận.
Hoạt động của các nhóm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ý, bao gồm cả CPAFFC, là trọng tâm của một báo cáo năm 2021 của các nhà nghiên cứu tại Sinopsis, một dự án của tổ chức bất vụ lợi AcaMedia z.u., phối hợp với Khoa Hán học của Đại học Charles ở Praha.
Báo cáo này yêu cầu các cơ quan chính phủ, chính trị gia, và đảng phái chính trị “tránh tương tác” với CPAFFC cũng như các cơ quan có ảnh hưởng khác của ĐCSTQ.
Báo cáo này nêu rõ, “Hoạt động của các cơ quan này và các tổ chức bình phong trực thuộc đã né tránh các quy tắc thông thường về trách nhiệm giải trình các mối liên hệ giữa nhà nước-với-nhà nước, ngụy tạo các hoạt động của đảng-với-nhà nước thông qua các hoạt động ‘giao lưu giữa các nhân dân,’ ‘văn hóa,’ ‘phi chính phủ’ hoặc các tên gọi khác.”
Báo cáo này cũng cho biết thêm: “Các nhà lập pháp nên hiểu bản chất của các sự kiện tuyên truyền và vận động mà họ được mời để làm công cụ tạo ảnh hưởng hơn là đối tác ‘đối thoại.’”
“Ngay cả việc họ tham dự để bày tỏ quan điểm phê bình cũng cho phép ĐCSTQ trình bày công khai những người đối thoại với tư cách là người tán thành các nền tảng và tuyên bố của họ.”
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: