Sau 20 năm, Trung Quốc vẫn bỏ qua các quy định của WTO
Để trở thành một nền kinh tế thị trường thực sự, Bắc Kinh phải chấm dứt chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và mục tiêu thương mại săn mồi và thống trị toàn cầu.
Mùa xuân năm 2000, Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tháng 12/2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Bill Clinton bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cùng hợp tác trong lĩnh vực thương mại. Niềm tin thường được giữ vững vào thời điểm đó là việc gia nhập các tổ chức quốc tế sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Trung Quốc sang dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Tổng thống George W. Bush từng nói rất hay rằng không quốc gia nào tìm ra cách nhập cảng hàng hóa từ phần còn lại của thế giới trong khi vẫn ngăn chặn những ý tưởng mới.
WTO khi đó còn tương đối mới và Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất chưa phải là thành viên. Do đó, việc thêm Trung Quốc đã hợp thức hóa WTO. Người tiêu dùng toàn cầu được hưởng lợi từ sự thăng tiến của Trung Quốc vì giờ đây họ có thể mua được các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Các tập đoàn cũng đã hoan nghênh sự đi lên của Trung Quốc vì họ hy vọng có thể tiếp cận nhiều hơn với các thị trường rộng lớn của đất nước này. Và Trung Quốc thì đã vui mừng vì xuất cảng của họ tăng mạnh. Đến năm 2009, Trung Quốc đã thay thế Đức trở thành nhà xuất cảng lớn nhất thế giới.
Không phải ai cũng hài lòng về việc Trung Quốc được đưa vào câu lạc bộ các quốc gia thương mại. Các liên đoàn lao động Hoa Kỳ rất lo ngại về số lượng công việc sản xuất sẽ bị mất khi các nhà máy chuyển đến Trung Quốc. Từ năm 1999 đến năm 2011, gần 6 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ, cũng như 2.4 triệu việc làm trong các lĩnh vực khác, đã bị mất vào tay Trung Quốc.
Sự thăng tiến của Trung Quốc đi kèm với lời hứa rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện nhiều thay đổi đối với các hoạt động thương mại của mình để phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế như: giảm thuế quan; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; cho phép các lực lượng thị trường xác định giá trị của đồng tiền; chấm dứt trợ cấp của nhà nước đối với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp được ưu đãi; kiềm chế không bán phá giá; chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ; và cấp quyền tiếp cận thị trường đối ứng cho các công ty ngoại quốc. Giờ đây, hơn 20 năm sau, thế giới vẫn đang chờ đợi Trung Quốc thực hiện những thay đổi này và tuân thủ các quy tắc quốc tế.
Một trong những lý do khiến Trung Quốc tránh khỏi bị trừng phạt vì các hành vi thương mại dường như không công bằng là do các cơ chế thực thi của WTO khá yếu. WTO đã phát triển từ một nền văn hóa hậu Đệ nhị Thế chiến của các quốc gia có cùng chí hướng, phần lớn bị ràng buộc bởi thỏa thuận đối xử công bằng giữa các quý ông với nhau. Tất nhiên, tranh chấp thương mại có thể và đã bùng phát, nhưng các quy tắc của WTO đã được thiết lập với giả định rằng hầu hết các quốc gia không tích cực tìm cách phá vỡ các quy tắc này.
Cơ chế thực thi của WTO hoạt động hiệu quả với các nước tư bản và dân chủ, nơi các công ty hoạt động vì lợi nhuận và phần lớn không bị kiểm soát bởi chính phủ. Chúng không được thiết kế cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một quốc gia lai tạp giữa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, và chủ nghĩa tư bản nhà nước. Truyền thông nhà nước China Daily đưa tin rằng 70% trong số 2 triệu công ty tư nhân của Trung Quốc có chi bộ nội bộ của Đảng Cộng sản, nhấn mạnh sự kiểm soát trực tiếp của Trung Cộng đối với khu vực tư nhân.
Trung Quốc đang sử dụng WTO để làm lợi thế của mình. Thay vì tuân thủ các quy tắc, Bắc Kinh đang chọn và lựa chọn những quy tắc phù hợp nhất với lợi ích của Trung Quốc và sau đó khai thác chúng. Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ đã khiếu nại Trung Quốc 23 lần. Khiếu nại phổ biến nhất là Trung Quốc được tự do tiếp cận thị trường ngoại quốc và Hoa Kỳ, trong khi tiếp tục hạn chế ngoại quốc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Chuyển giao công nghệ cưỡng bức là một trong những điểm gây tranh cãi lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu các công ty ngoại quốc, trong một số lĩnh vực nhất định, phải có đối tác liên doanh địa phương để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Sau đó, họ yêu cầu phía ngoại quốc chuyển giao công nghệ của mình cho đối tác liên doanh. Vì rất nhiều công ty Trung Quốc thuộc sở hữu của Trung Cộng, hoặc có Trung Cộng là cổ đông nắm tỷ lệ cổ phần chi phối, hoặc có chi bộ Trung Cộng và các thành viên hội đồng quản trị thuộc Trung Cộng, điều này giống như việc buộc các công ty ngoại quốc chia sẻ công nghệ của họ với Bắc Kinh để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Trong khi các công ty Hoa Kỳ phàn nàn về điều này, rất khó chứng minh rằng có sự vi phạm các quy định của WTO trên thực tế. Do đó, WTO nói chung không đưa ra phán quyết có lợi cho các công ty Hoa Kỳ khiếu nại liên quan đến việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ.
Thao túng tiền tệ là một vi phạm khác mà Trung Quốc đã từng mắc phải trong quá khứ. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã định giá đồng tiền của mình thấp hơn 30%, khiến hàng hóa xuất cảng của nước này rẻ hơn. Tuy nhiên, WTO không có quy định thực tế nào để bảo vệ chống lại việc thao túng tiền tệ.
Một trong những thỏa thuận mà Trung Quốc đưa ra khi gia nhập WTO là trở thành nền kinh tế thị trường (ME) vào năm 2015, và sau đó không còn được đối xử đặc biệt như một nền kinh tế mới, phi thị trường (NME). Trung Quốc giải thích thỏa thuận này có nghĩa là quy chế NME của Trung Quốc sẽ tự động chấm dứt vào năm 2015. Thế giới đã hiểu thỏa thuận này có nghĩa là việc loại bỏ quy chế NME sẽ phụ thuộc vào một số đánh giá, và rằng Trung Quốc đã được cho thời gian 15 năm để hoàn thành cải cách thị trường.
Trong suốt hai thập kỷ, Trung Cộng đã không cải cách nền kinh tế và các hoạt động thương mại của mình, tiếp tục thực hiện các khoản trợ cấp bị cấm. Ngoài ra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cáo buộc một cách đúng đắn rằng Bắc Kinh vẫn thực hiện quyền kiểm soát, một cách trực tiếp và gián tiếp, đối với nền kinh tế và các tác nhân kinh tế chủ chốt, bao gồm cả việc phân bổ các nguồn lực.
Bất chấp những lời hứa cải cách của Trung Quốc, nước này vẫn là một trong những quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ nhất trên Trái đất. Trung Quốc tiếp tục bán phá giá thép, khiến các công ty hợp pháp đóng cửa kinh doanh. Chế độ này sử dụng các khoản vay ưu đãi và trợ cấp trị giá hàng tỷ USD thông qua các chuỗi các tổ chức do chính phủ sở hữu hoặc do chính phủ kiểm soát. Và chế độ này tham gia vào hoạt động tấn công mạng cấp nhà nước, để lấy cắp dữ liệu từ các công ty Hoa Kỳ và các công ty ngoại quốc khác.
Để thực sự đủ tiêu chuẩn trở thành một nền kinh tế thị trường và trở thành một công dân toàn cầu giao dịch công bằng theo các chuẩn mực của WTO và phương Tây, Trung Quốc cần phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận của mình về thương mại và về nền kinh tế nói chung. Trung Quốc sẽ cần thực hiện các cam kết trong WTO về thao túng tiền tệ, bán phá giá và trợ cấp, ngừng tấn công mạng cấp nhà nước và cưỡng bức chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và cấp quyền tiếp cận thị trường đối ứng cho Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Vì Trung Cộng đã không cải cách trong 20 năm qua, có vẻ như chế độ này sẽ không thay đổi trong hai thập kỷ tới.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: