Sáng kiến Vành đai và Con đường được ngợi ca của Trung Quốc không diễn ra như kế hoạch
Các vấn đề về nợ của các quốc gia tham gia [Sáng kiến] đang tăng.
Giới lãnh đạo của Trung Quốc ở Bắc Kinh chắc phải cảm thấy như thể thế giới tài chính đang tập hợp chống lại họ. Đặc biệt khi mà họ đã trải qua rất nhiều năm ở trên đỉnh cao của một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với nền tài chính quốc gia vững mạnh, thì những thất bại gần đây chắc hẳn đã khiến họ choáng ngợp.
Đầu tiên là thông tin về nhà phát triển bất động sản Evergrande không thể quản lý được các nghĩa vụ nợ của mình. Và với việc rõ ràng rằng vấn đề này sẽ không tự tháo gỡ được và có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Evergrande không phải đơn lẻ, thì hệ thống tài chính của Trung Quốc đột nhiên bị đe dọa. Bây giờ có vẻ như mọi thứ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang diễn ra không suôn sẻ như mong đợi. Đặc biệt là vì các quốc gia khách hàng đang hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ không đáp ứng được các nghĩa vụ nợ của họ, theo đó dự án này làm gia tăng các khó khăn tài chính cho Bắc Kinh hơn nữa.
BRI được cho là sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng và địa vị trên toàn cầu của Trung Quốc. Thông qua dự án này, Bắc Kinh đã tiếp cận các nước nghèo hơn với lời đề nghị giúp họ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết—đường xá, cầu, cảng, v.v. Bắc Kinh cung cấp các khoản vay để trả cho các hạng mục và ràng buộc số tiền này với việc phải sử dụng các công ty Trung Quốc, phần lớn là thuộc sở hữu nhà nước, để xây dựng và cả quản lý sau khi dự án khi đã hoàn thành. Đôi khi Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng đóng một vai trò nào đó. Nếu vì lý do nào đó mà quốc gia được cho vay không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của họ, các công ty Trung Quốc tham gia vào dự án sẽ có quyền sở hữu. Ngoại trưởng Bắc Kinh mô tả sáng kiến này là “nền tảng hợp tác quốc tế lớn nhất trên thế giới hiện nay”. Sáng kiến này chắc chắn có lợi cho Trung Quốc, đem lại tầm ảnh hưởng cho Trung Quốc ở đâu đó trên thế giới cũng như các mối làm ăn có nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong khi buộc các quốc gia khách hàng phải trả giá.
Các thoả thuận đã tăng lên nhanh chóng sau khi BRI khởi động vào năm 2013. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm có tên AidData tại Đại học William và Mary, ngày nay, có khoảng 13,427 dự án. Gần một nửa trong số này là ở Phi Châu, nhưng chúng cũng mở rộng qua Đông Á, Trung Á, và Trung Đông. Những nỗ lực này được hỗ trợ bởi khoản vay tương đương 813 tỷ USD. Khoảng 400 dự án trong số này, trị giá 8.3 tỷ USD, có sự tham gia của quân đội Trung Quốc. Trong một thời gian ngắn, đã có vẻ như sáng kiến này phục vụ đúng mục đích của nó. Sáng kiến này có thể vẫn thế, nhưng các vấn đề đã phát sinh.
Càng ngày nhiều, các quốc gia được Bắc Kinh mời tham gia đang ngần ngại trước các khoản nợ liên quan. Malaysia là một trường hợp nổi bật, đơn giản vì Bắc Kinh đã phản đối các thỏa thuận thương mại quốc gia [song phương] có lẽ như một hình phạt do [Malaysia] đã từ chối Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong khi đó, khoảng 35% các dự án ghi nhận chi phí bị đội vốn hoặc bị chậm trễ, cả hai loại này đều làm tăng số nợ liên quan. Đáng nói nhất và có lẽ đáng ngại nhất là sự gia tăng của khoản nợ đó. Nó đã mở rộng đến mức ngày nay có khoảng 42 quốc gia liên quan đến BRI hiện nợ Trung Quốc hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ. Nói cách khác, nhiều nước trong số các con nợ không có khả năng trả nợ. Trung Quốc đã phải tạm ngừng các khoản thanh toán cho 19 quốc gia châu Phi.
Cho đến nay, Bắc Kinh đang tránh xoá nợ đối với khoản nợ BRI này, như họ đã làm với phần nợ trong nước của quốc gia này. Sự do dự đó có thể phục vụ một mục đích chính trị, nhưng khoản nợ đã không trả và không thể trả vẫn đang đè nặng lên hệ thống tài chính của Trung Quốc cho dù được thừa nhận hay không. Và điều này sẽ tiếp tục tạo gánh nặng cho hệ thống này. Để làm rõ, các khoản nợ BRI là nợ phải trả Trung Quốc chứ không phải Trung Quốc nợ, như trường hợp của Evergrande và các công ty giống như Evegrande. Nhưng gánh nặng này hiện hữu do việc không thể trả nợ, bất kể [ai là con nợ], làm xói mòn lòng tin của mọi người đối với các thỏa thuận tài chính. Giới tài chính kỳ cựu đã nắm bắt chính xác bản chất của vấn đề: “Nếu quý vị nợ ngân hàng 10,000 USD và không thể trả, thì quý vị có vấn đề; Nếu quý vị nợ ngân hàng 10 triệu USD và không thể trả được, thì ngân hàng có vấn đề.”
Không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh đã rút lại một số hoạt động thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường. Một số người đã đổ lỗi cho sự thiếu nhiệt tình của Bắc Kinh là do đại dịch, nhưng việc xem xét lại của Bắc Kinh đã bắt đầu ngay trước cả khi phần lớn thế giới biết đến COVID-19. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã báo hiệu về sự thay đổi trong năm 2019 khi nói với các nguyên thủ quốc gia của các đối tác BRI lớn nhất rằng, Trung Quốc sẽ ngày càng nhấn mạnh đến sự ổn định và minh bạch về tài chính. Theo các nhà nghiên cứu tại William và Mary, có lẽ ông Tập đã gặp rắc rối với số tiền vay mà các bên nhận đã để ngoài tài khoản quốc gia của họ, một con số gần tương đương 385 tỷ USD, theo các nhà nghiên cứu tại William và Mary, chiếm gần một nửa tổng số. Và rõ ràng là ông Tập đã hành động. Các khoản chi tiêu ở Phi Châu đã giảm 30% trong năm 2019. Mặc dù dữ liệu gần đây hơn chưa có sẵn, các chỉ số cho thấy việc cắt giảm đã tiếp tục. Một số quan chức ở Trung Quốc hứa hẹn rằng các khoản tài trợ sẽ sớm vận hành tự do trở lại, nhưng điều đó dường như rất khó xảy ra khi rất nhiều khoản nợ chưa được thanh toán đang đe dọa rất nhiều các mối quan hệ như vậy.
Các nhu cầu ngoại giao cuối cùng sẽ hướng tới Bắc Kinh, ngay cả khi nợ nần chồng chất thêm và phần lớn trong số đó phá sản. Nhưng rõ ràng là số nợ chồng chất chưa được giải quyết, đặc biệt là kết hợp với các vấn đề nợ trong nước, đã cho giới lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh một bài học quan trọng về tài chính. Đó là một bài học mà, cho dù ông Tập tỏ vẻ bình tĩnh trái ngược lại, sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách và sẽ vẫn có tác động mạnh hơn nữa khi quy mô đầy đủ của các khoản vỡ nợ—ở trong nước và trong BRI—trở nên rõ ràng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: