Sản lượng sản xuất Hoa Kỳ vượt dự báo hồi tháng 11
Sản lượng sản xuất của Hoa Kỳ tăng cao hơn so với dự kiến trong tháng 11, với lực đẩy đến từ sản lượng xe có động cơ, mặc dù đà tăng có thể bị chậm lại do đợt bùng phát COVID-19 mới khiến công nhân phải ở nhà và các nhà máy phải đóng cửa tạm thời.
Các dữ liệu khác vào ngày 15/12 cho thấy môi trường lạm phát tích cực có thể vẫn được duy trì với giá hàng nhập cảng hầu như không tăng trong tháng trước, ngay cả khi đồng USD suy yếu so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ.
Hoạt động sản xuất mạnh mẽ tại các nhà máy đang bất chấp những dấu hiệu giảm tốc của sự phục hồi kinh tế do cuộc khủng hoảng virus Trung Cộng, với đặc trưng là gia tăng việc sa thải nhân viên. Doanh số bán lẻ có khả năng giảm trong tháng 11, lần đầu tiên kể từ tháng 4, theo khảo sát với các chuyên gia kinh tế do Reuters thực hiện. Báo cáo doanh số bán lẻ tháng 11 dự kiến sẽ được phát hành vào ngày 16/12.
Ông James Knightley, chuyên gia kinh tế trưởng quốc tế tại ING ở New York cho biết: “Các biện pháp ngăn chặn COVID-19 có thể gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề trong vài tháng tới và lĩnh vực sản xuất sẽ không phải là miễn nhiễm, nhưng nó sẽ ít bị tác động trực tiếp hơn so với lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng ở các thành phố lớn.”
Cục dự trữ liên bang cho biết sản lượng sản xuất tăng 0.8% trong tháng trước sau khi tăng 1.1% trong tháng 10. Sản lượng tại các nhà máy vẫn thấp hơn 3.8% so với mức trước đại dịch. Các nhà kinh tế đã dự báo sản lượng sản xuất tăng 0.3% trong tháng 11.
Sản lượng xe có động cơ tăng trở lại ở mức 5.3% sau khi giảm trong ba tháng liên tiếp. Không tính xe có động cơ, sản lượng sản xuất tăng 0.4% sau khi tăng 1.3% trong tháng 10.
Thay đổi nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa trong thời kỳ đại dịch đang hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành sản xuất. Nhưng cuộc khủng hoảng chưa dừng này cũng gây ra một nguy cơ. Hồi đầu tháng này, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã ghi nhận tâm lý kinh doanh đi xuống trong tháng 11, với việc các nhà sản xuất cho biết sự bùng phát trở lại của virus Trung Cộng đang gây lo lắng tới các nhà cung cấp và nhiều dây chuyền sản xuất đang bị tạm dừng do thiếu nhân viên.
ISM cảnh báo rằng tình trạng thiếu vắng nhân công tại các nhà máy và tại các nhà cung cấp, cũng như những khó khăn trong việc phục hồi sản xuất và thuê nhân công sẽ tiếp tục “làm suy yếu” hoạt động sản xuất cho đến khi đại dịch kết thúc.
Các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang đã bắt đầu cuộc họp 2 ngày để thảo luận về chính sách từ ngày 15/12, và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0 đồng thời sẽ đưa ra một tài liệu hướng dẫn (playbook) chỉ ra những gì có thể thúc đẩy Cục dự trữ liên bang bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Tăng trên diện rộng
Một báo cáo riêng từ Cục dự trữ liên bang New York vào ngày 15/12 cho thấy chỉ số của họ về điều kiện sản xuất ở tiểu bang New York đã giảm xuống mức 4.9 trong tháng 12 từ mức 6.3 trong tháng 11.
Nhưng các nhà sản xuất lại lạc quan về các điều kiện (sản xuất) trong sáu tháng tới, có lẽ phản ánh sự xuất hiện của một loại vaccine ngừa virus, căn bệnh đã khiến hơn 300,000 người tử vong ở Hoa Kỳ.
Ông Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại PNC Financial ở Pittsburgh, cho biết: “Sản xuất sẽ yếu nhẹ đi trong tương lai gần khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục và việc thiếu các gói kích thích tài khóa lớn cho nền kinh tế Hoa Kỳ vào đầu năm tới. Nhưng hoạt động [sản xuất] sẽ tăng lên vào giữa năm 2021 nhờ việc phân phối vaccine sẽ giúp đem lại kết quả tăng trưởng kinh tế tổng thể mạnh mẽ hơn.”
Tăng trưởng sản lượng sản xuất trong tháng trước diễn ra khá rộng khắp, với mức tăng lớn của các lĩnh vực sản xuất kim loại cơ bản, máy tính và điện tử, hàng không vũ trụ và thiết bị giao thông vận tải khác. Tuy nhiên, [sản lượng] sản xuất hàng tiêu dùng và vật tư kinh doanh lại giảm.
Hoạt động sản xuất đã kết hợp cùng sự gia tăng khai khoáng giúp nâng sản lượng công nghiệp lên 0.4% trong tháng 11. Sản lượng công nghiệp tăng 0.9% trong tháng 10. Sản lượng khai mỏ đã phục hồi 2.3% sau khi giảm 0.7% trong tháng 10. Hoạt động khai thác các giếng dầu khí tăng 8.3%, mức tăng tháng thứ ba liên tiếp.
Sản lượng dịch vụ tiện ích giảm 4.3% do nhiệt độ ấm hơn bình thường làm giảm nhu cầu sưởi. Dịch vụ tiện ích đã tăng 1.8% trong tháng 10.
Công suất sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, một thước đo về mức độ sử dụng hết các nguồn lực của các công ty, đã tăng 0.6 điểm phần trăm lên 72.6% trong tháng 11. Tổng thể, công suất sử dụng cho lĩnh vực công nghiệp đã tăng lên 73.3% từ 73% trong tháng 10. Con số này thấp hơn 6.5 điểm phần trăm so với mức trung bình năm giai đoạn 1972-2019.
Các quan chức tại ngân hàng trung ương Hoa Kỳ có xu hướng nhìn vào các chỉ số công suất sử dụng để nhận biết các tín hiệu về mức độ “trì trệ” của nền kinh tế — xem tăng trưởng còn bao nhiêu cơ hội để cải thiện trước khi nó trở thành nhân tố gây lạm phát.
Lạm phát yếu được nêu trong một báo cáo riêng từ Bộ Lao động hôm 15/12 cho thấy giá nhập cảng tăng 0.1% vào tháng trước sau khi giảm 0.1% vào tháng 10.
Giá nhập cảng, không bao gồm thuế quan, giảm 1.0% tính cho 12 tháng đến hết tháng 11 sau khi giảm cùng biên độ vào tháng 10. Giá nhập cảng tính theo năm đã giảm trong 10 tháng liên tiếp.
Giá xăng dầu tăng 2.1%. Không tính xăng dầu, giá nhập cảng không đổi sau khi giảm 0.1% trong tháng 10.
Giá nhập cảng vẫn giữ ngay cả khi đồng USD giảm giá khoảng 7.4% so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ kể từ hồi tháng 4.
Dữ liệu của chính phủ tuần trước cho thấy giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng nhẹ trong tháng 11. Mặc dù đại dịch đã làm tăng giá một số hàng hóa do hạn chế nguồn cung và sản xuất, nhưng nó bị đối trọng là mảng các dịch vụ, dẫn đến lạm phát tổng thể khá yếu.
Ông James Watson, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Oxford Economics ở New York, cho biết: “Giá nhập cảng dường như sẽ tiếp tục ngăn cản áp lực [tăng] giá chung, hỗ trợ thêm cho xu hướng ôn hòa của Cục dự trữ liên bang.”
Theo Lucia Mutikani
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: