Samsung Heavy hợp tác với Seaborg Đan Mạch phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi
Tập đoàn Công nghiệp Nặng Samsung (Samsung Heavy Industries) – công ty đóng tàu của Nam Hàn đã ký một biên bản ghi nhớ với Seaborg – một nhà phát triển các lò phản ứng hạt nhân có trụ sở tại Đan Mạch – để phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi.
Hôm 12/04, Tập đoàn Công nghiệp Nặng Samsung cho biết các nhà máy điện hạt nhân nổi này sẽ được tích hợp công nghệ phản ứng muối nóng chảy nhỏ gọn (Compact Molten Salt Reactor, CMSR), một nguồn năng lượng phi carbon thế hệ kế tiếp.
Thỏa thuận này cũng bao gồm việc phát triển các nhà máy sản xuất hydrogen và các nhà máy amoniac.
Ông Jin-Taek Jung, chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Công nghiệp Nặng Samsung, nói rằng công ty của ông có kế hoạch dẫn đầu thị trường nhà máy điện hạt nhân nổi dựa trên công nghệ CMSR “như là một phần của việc tăng cường cơ hội kinh doanh mới trong tương lai của công ty,” Offshore Energy đưa tin.
“CMSR là một nguồn năng lượng phi carbon có thể ứng phó một cách hiệu quả trước các vấn đề biến đổi khí hậu và là một công nghệ thế hệ kế tiếp phù hợp với tầm nhìn của Tập đoàn Công nghiệp Nặng Samsung,” ông Jung nói trong một tuyên bố. “Ngoài ra, khi bên trong lò phản ứng báo hiệu có dấu hiệu bất thường, thì nhiên liệu hạt nhân dạng lỏng này, muối nóng chảy, sẽ hóa rắn để ngăn ngừa các tai nạn nghiêm trọng tại nguồn, sau đó cung cấp nguồn điện và sản xuất hydro có độ an toàn và hiệu suất cao cùng một lúc.”
Theo trang web của Seaborg, nhiên liệu của lò phản ứng muối nóng chảy này được phối trộn với muối lỏng vốn phản ứng như một chất làm nguội, bảo đảm rằng nhiên liệu sẽ không tan chảy hoặc phát nổ trong trường hợp khẩn cấp.
Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân nổi này dành cho các sà lan dùng năng lượng muối nóng chảy dạng mô-đun có năng lực sản xuất lên tới 800 megawatt điện với vòng đời hoạt động 24 năm.
Các công ty năng lượng của Nam Hàn đã bắt đầu mở rộng các nhà máy điện hạt nhân của họ sau khi Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cam kết tăng thêm nhà máy điện hạt nhân, ra tín hiệu về một sự chuyển hướng hoàn toàn từ chính sách loại bỏ dần điện hạt nhân của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in.
Hôm 12/04, SK Group cho biết công ty này đang cân nhắc đầu tư vào các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, với TerraPower, một dự án kinh doanh của Hoa Kỳ do Bill Gates sáng lập, như là một trong những ứng viên. Tuy nhiên, phát ngôn viên của công ty này nói rằng họ vẫn chưa hoàn thành xong các chi tiết trong gói đầu tư này.
Việc suy nghĩ lại về các nguồn năng lượng diễn ra vào thời điểm cuộc khủng hoảng ở Ukraine làm nổi bật lên các nguy cơ về việc phụ thuộc quá mức vào việc nhập cảng dầu khí đốt và việc Liên minh Âu Châu đưa năng lượng hạt nhân vào các mục tiêu trung lập carbon bền vững.
Hiện nay, năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 27% nguồn năng lượng kết hợp của Nam Hàn, với 35% đến từ than đá và 29% từ khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Ông Yoon đã cam kết đẩy mạnh sự đóng góp của năng lượng hạt nhân lên 30% và xuất cảng 10% nhà máy năng lượng hạt nhân trước năm 2030.
Nhưng tính bất định chính sách gây ra bởi giới hạn hiến pháp của nhiệm kỳ tổng thống năm năm duy nhất đã khiến cho những rủi ro kinh doanh trong một ngành công nghiệp phụ thuộc vào sự đầu tư và cam kết dài hạn trở nên lớn hơn.
Ông Cho Seung-eun, CEO của Moojing Keeyeon — một nhà thầu phụ về năng lượng hạt nhân với 50 công nhân, giảm xuống từ 100 công nhân năm năm trước — cho rằng công ty của ông “đã mất toàn bộ khả năng” trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong khi những công ty khác đã thiệt hại “80% doanh thu”.
“Các nhà máy điện hạt nhân mất [ba đến bốn] năm để lập kế hoạch trước, vì vậy năm năm nghĩa là có rất nhiều nhân sự sẽ rời bỏ [công việc này] để tìm những công việc khác có tương lai sáng rõ hơn,” và những công nhân đó đã rời đi cùng năng lực chuyên môn của họ, ông Cho nói.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: