Sài Gòn hoạt động trở lại phà biển, tàu cao tốc, tăng giá nước sạch từ 2022
Sài Gòn hoạt động trở lại phà biển, tàu cao tốc
Chiều 12/12, Công ty MTV Quốc Chánh cho biết, từ hôm nay, tuyến phà biển Cần Giờ đi Vũng Tàu, cự ly 15 km đã chạy trở lại, với 50% công suất do phía Vũng Tàu có dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao).
Theo đó, tuyến phà này đón khách trung bình 1 chuyến/giờ như trước, hoạt động từ 6-18h.
Giá vé đi phà vẫn là 70,000 đồng/lượt; khách đi xe đóng thêm phí nếu có phương tiện đi kèm, từ 50,000 đồng (với xe đạp) đến 1 triệu (với xe tải từ 8 tấn trở lên), xe chở người từ 26 chỗ trở lên có phí 800,000 đồng/xe. Phà không vận chuyển container.
Ngoài phà biển, từ ngày 16/12, Sài Gòn dự kiến cho tàu cao tốc từ khu trung tâm đi Tp Vũng Tàu chạy trở lại.
Trước đó, từ 20/6, Sài Gòn dừng hoạt động các tuyến phà biển, tàu cao tốc Sài Gòn – Cần Giờ – Vũng Tàu và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách, trừ một số trường hợp đặc biệt để phòng dịch bệnh.
Tăng giá nước sạch từ năm 2022
Sáng 12/12, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, từ đầu năm 2022, giá nước sạch sẽ được điều chỉnh theo lộ trình tăng, từ 400-1,200 đồng/m3.
Theo đó, với cá nhân, tùy khối lượng nước sử dụng, giá sẽ tăng từ 6,300 đồng/m3 lên tối đa 14,400 đồng/m3.
Với đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể, giá nước sẽ được điều chỉnh từ 12,300 đồng lên 13,000 đồng/m3. Với đơn vị sản xuất, giá nước sẽ được điều chỉnh từ 11,400 đồng lên 12,100 đồng/m3. Với đơn vị kinh doanh, dịch vụ, sẽ điều chỉnh từ 20,100 đồng lên 21,300 đồng/m3.
Ngoài ra, Sawaco sẽ thu phí thoát nước thông qua khối lượng tiêu thụ hàng tháng của người dân. Phí dịch vụ thoát nước từ năm 2021 ở mức 15% (thay phí bảo vệ môi trường 10%), từ đầu năm 2022 sẽ tăng 5%/năm và từ năm 2025 tăng 30%.
Theo nhận định của Sawaco, việc tăng giá nước không khiến người dân bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, việc bắt đầu thu hộ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải cộng với thuế giá trị gia tăng có thể sẽ khiến chi phí nước sinh hoạt tăng từ năm 2022.
Người dân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom
Cũng tại Sài Gòn, từ ngày 1/1/2022, luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới liên quan đến việc thu gom rác thải sinh hoạt gia đình. Trong đó, nội dung thu hút sự chú ý của nhiều người là gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 77 của Luật này quy định, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 1 Điều 75 của Luật này nêu, chất thải rắn sinh hoạt từ gia đình, cá nhân phải được phân loại như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Theo Khoản 4 Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi không phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 15-20 triệu đồng.
Khoản 1, Điều 79 Luật này quy định, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ gia đình, cá nhân được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Theo quy định hiện tại, tiền rác thải sinh hoạt được tính theo bình quân đầu người/tháng. Tuy nhiên, nếu theo quy định mới như trên, kể từ 1/1/2022, cá nhân, doanh nghiệp, gia đình nào xả càng nhiều rác thải, chất thải thì sẽ phải trả chi phí nhiều hơn.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm