Sách giáo khoa Trung Quốc thay đổi Kinh thánh, nói Chúa Giê-su ném đá người phụ nữ đến chết
Một cuốn sách giáo khoa đạo đức của Trung Quốc đã thay đổi một câu chuyện từ Kinh thánh, xuyên tạc đoạn kết của nó thành Chúa Giê-su ném đá một người phụ nữ đến chết trong khi tuyên bố rằng ngài là một “tội nhân”.
Sự xuyên tạc, biện pháp mới nhất trong một chuỗi các biện pháp của Trung Quốc nhằm kiểm soát và đàn áp tôn giáo trong nước, đã gây ra sự phẫn nộ trong các tín đồ Cơ đốc giáo, nhiều người còn kêu gọi Vatican xem xét lại quan hệ đối tác với Bắc Kinh.
Cuốn sách được đề cập đến có tựa đề “Đạo đức Nghề nghiệp và Pháp luật” và đang được sử dụng trong các trường đào tạo nghề trên khắp Trung Quốc. Theo ChinaAid, một nhóm ủng hộ những người Cơ đốc giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ, nó được phê chuẩn vào năm 2018 bởi ủy ban đánh giá biên tập thuộc sự giám sát của Bộ giáo dục của Trung Quốc.
Nó trích dẫn một câu chuyện nổi tiếng trong Tân Ước, “Chúa Giê-su và thiếu phụ bị bắt quả tang ngoại tình”, nhưng thay vì trích dẫn nó một cách trung thực, sách giáo khoa lại lật ngược kết cục câu chuyện, cho Chúa Giê-su trở thành một kẻ sát nhân.
Trong phân đoạn gốc trong Phúc âm thánh Gioăng, một nhóm đàn ông làm gián đoạn buổi giảng của Chúa Giê-su khi đưa vào một phụ nữ bị buộc tội ngoại tình. Họ hỏi Chúa Giê-su rằng liệu có nên ném đá đến chết người này theo quy định của Luật pháp Mosaic hay không. Trước tiên, Chúa Giesu bỏ qua việc họ gây gián đoạn, rồi nói rằng ai là người vô tội thì nên ném viên đá đầu tiên. Những người tố cáo sau đó rời đi nhận ra rằng không ai là không có tội. Sau đó, Chúa Giê-su quay sang người phụ nữ và hỏi không ai kết án cô ư, và cô trả lời là không. Sau đó, Chúa Giê-su nói, “Ta cũng không kết án cô; hãy đi đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Thay vào đó, sách giáo khoa chuyển đoạn kết thành: “Khi mọi người ra về, chính Chúa Giê-su ném đá đến chết người phụ nữ và nói, ‘Ta cũng là một tội nhân. Nhưng nếu luật pháp chỉ có thể được thực thi bởi những người không chút tì vết, thì luật pháp sẽ chết.”
Phần câu hỏi dưới đoạn văn hỏi người đọc, “Qua câu chuyện này, bạn nhìn nhận như thế nào về luật pháp?”
Việc xuyên tạc được đưa ra ánh sáng sau khi một giáo dân đăng hình ảnh của đoạn văn lên mạng xã hội hồi đầu tháng này. Một giáo viên Cơ đốc giáo tại một trường dạy nghề sau đó đã xác nhận nội dung này và nói thêm rằng nội dung sách giáo khoa ở các vùng miền trên khắp Trung Quốc là khác nhau, theo hãng thông tấn Công giáo UCA News có trụ sở tại Hồng Kông.
Cư dân mạng đã phẫn nộ trước cuốn sách giáo khoa, nhiều người chỉ trích đoạn văn là “báng bổ”. Một số bình luận trên mạng xã hội viết: “ĐCSTQ là ác quỷ”, “Tội báng bổ Thánh thần là không thể tha thứ được”, “Thế này không phải là ma quỷ sao?!”.
Hiệp hội ChinaAid, một nhóm ủng hộ những người Cơ đốc giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã lên án “sự xuyên tạc ác ý”, nói rằng nó “bóp méo và làm xấu hình ảnh của Chúa Giê-su trong Cơ đốc giáo một cách nghiêm trọng”.
Nhóm cho biết câu chuyện được bóp méo là để thể hiện một quan điểm phục vụ cho triết lý cai trị của Đảng.
ChinaAid cho biết trong một tuyên bố rằng, “sách giáo khoa của Trung Quốc cho rằng nếu chỉ những người không có tội mới có thể thực thi pháp luật, thì luật pháp sẽ trở nên bất lực. Câu chuyện ngụ ý rằng các quan chức tư pháp Trung Quốc cũng không thể tránh khỏi những hành vi bất hợp pháp trong việc thực thi pháp luật, vì thế họ nên được dung thứ.”
Họ nói rằng, trong nhiều năm qua, ĐCSTQ đã “cố gắng diễn giải lại giáo lý và thần học kinh thánh để phù hợp với các giá trị xã hội chủ nghĩa mà [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình chủ trương.”
ĐCSTQ đã chỉ đạo một cuộc đàn áp thắt chặt đối với các nhóm tín đồ Cơ đốc ngầm và các nhóm tôn giáo khác, phá dỡ các nhà thờ và giam giữ các thành viên và những người đứng đầu nhà thờ.
Theo Bitter Winter, một tạp chí trực tuyến đưa tin về các vấn đề tự do tôn giáo ở Trung Quốc, vào tháng 9/2019, các quan chức Trung Quốc đã buộc một nhà thờ Công giáo ở tỉnh Giang Tây, miền Đông nước này, thay thế bức ảnh Đức mẹ đồng trinh và Chúa hài đồng bằng bức ảnh của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Các quan chức cũng ra lệnh cho nhà thờ treo quốc kỳ ở lối vào và thay thế tên nhà thờ bằng một biểu ngữ có nội dung “Đi theo Đảng, cảm ơn Đảng và phục tùng Đảng”.
Nhiều người cũng đang thúc giục Vatican xem xét lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Vào tháng 9/2018, Tòa Thánh đã ký một thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục trong nước. Trước đó, Công giáo Trung Quốc bị chia rẽ giữa những con chiên tại các nhà thờ ngầm không chính thức trung thành với Vatican và nhà thờ Công giáo được ĐCSTQ hậu thuẫn do các giám mục được ĐCSTQ bổ nhiệm. Sau thỏa thuận, Giáo hoàng Francis ngay lập tức tiến tới công nhận 7 giám mục đã được Bắc Kinh bổ nhiệm mà không có sự chuẩn thuận của Vatican.
Thỏa thuận này, với các chi tiết không được công khai, đã làm dấy lên sự chỉ trích gay gắt từ các giáo hữu Công giáo ở nước ngoài và những người vận động nhân quyền. Họ gọi hành động này vào thời điểm đó là “đầu hàng” trước chế độ cộng sản, viện dẫn đến cuộc đàn áp có hệ thống của ĐCSTQ đối với các tín đồ Cơ đốc ngầm.
Hãng thông tấn Reuters trích dẫn một nguồn tin cao cấp của Vatican cho biết hai bên dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận sắp hết hạn trong một thời gian ngắn nữa.
Gần đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã thúc giục Vatican có lập trường mạnh mẽ hơn đối với những hành vi vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng của ĐCSTQ.
“Rõ ràng là thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã không bảo vệ người Công giáo khỏi sự tàn phá của Đảng, không đả động đến việc Đảng đối xử tàn tệ với những giáo hữu Cơ đốc, Phật tử Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công và các tín đồ tôn giáo khác”, ông Pompeo viết trong một bài báo đăng trên tạp chí tôn giáo Hoa Kỳ First Things vào ngày 18/9.
Ông nói thêm trên Twitter rằng, “Vatican gây nguy hiểm cho thẩm quyền đạo đức của mình, nếu họ gia hạn thỏa thuận.”
Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ gặp Giáo hoàng Francis khi ông công du tới Rome vào cuối tháng này.