Rupert Sheldrake: Gene không tạo nên sự phát triển tổng thể của sinh vật (P1)
Trong khi hàng loạt các nhà khoa học và nhà di truyền học đang trên con đường giải quyết những bí ẩn cuối cùng của DNA, một nhà sinh vật học người Anh là khởi nguồn của nhiều tranh cãi đã giải thích cách mà giải phẫu học và các suy nghĩ của chúng ta liên quan đến vũ trụ thông qua các nguồn lực thần bí và không thể nhận thấy như thế nào.
Trái ngược với sự hiểu biết cơ học về các quá trình sinh học, nhà sinh vật học và tác giả Rupert Sheldrake tin rằng trên thực tế, gene không đại diện cho yếu tố quyết định hình thức của sinh vật. Cũng giống như cách mà một hạt giống không chứa những cây cực nhỏ bên trong nó, tác giả của “A New Science of Life” (Khoa học mới về cuộc sống) khẳng định rằng các gene không có khả năng chứa đủ các thông tin cần thiết để tạo ra thực vật, động vật hoặc cơ thể con người.
Nhưng để hiểu được những ý tưởng độc đáo của Sheldrake, có thể chúng ta cần phải suy ngẫm lại về nguồn gốc của vũ trụ: Vụ nổ lớn.
Theo Sheldrake, từ khi được hình thành cho đến nay, vũ trụ có được một số thói quen trong khi đánh mất những thói quen khác. Theo thời gian, những thói quen đó phát triển giống như vô số trí nhớ được tích hợp, hoặc như một số người có thể nói, là “quy luật tự nhiên.”
Nhưng ý tưởng này không phải là tiên phong, cũng không thuộc về sinh vật học tổng quát; nó đã có từ rất lâu trước Sheldrake.
Trong cuốn “Life and Habit” (Cuộc sống và Thói quen), Samuel Butler đã đưa ra ý tưởng rằng bản năng của động vật, sự hình thành phôi thai, và thậm chí các nguyên tử, phân tử và tinh thể, có lẽ đến từ một dạng trí nhớ cố hữu. Ví dụ như, chuyển động của nguyên tử không phụ thuộc vào chủ ý của con người. Khi proton, neutron và electron quay xung quanh nó, ngay lập tức bộ nhớ cố hữu của vũ trụ sẽ thực hiện điều mà nó đã biết trong hàng thiên niên kỷ: tập hợp những thành phần này lại thành một nguyên tử. Các quy luật tự nhiên như lực hút hạt nhân mạnh, lực điện từ, v.v., chắc hẳn phải hiệp lực với nhau để hợp nhất nguyên tử này.
Tiếp tục dòng suy luận này, Sheldrake đã chuyển từ một ví dụ tương tự sang một trong những bí ẩn lớn nhất của sinh học đương đại, một bí ẩn mà nhiều nhà khoa học không mấy quan tâm: Các sinh vật đã sinh trưởng và phát triển trong trạng thái nguyên thủy như thế nào? Làm thế nào để cây phát triển từ hạt? Các phôi thai đã phát triển từ các tế bào thụ tinh ra sao?
Vào thế kỷ 17, lý thuyết cơ học cho rằng một cơ chế kế thừa vững chắc là một cơ chế mà trong đó một cây sồi nhỏ có thể được chứa đựng trong hạt giống của nó (quả sồi.)
Theo cách này, điều duy nhất mà cây sồi cần làm là tiếp nhận nước, ánh nắng mặt trời và các nguồn tài nguyên khác để lớn lên. Nhưng ý tưởng này lại đưa đến một vấn đề nan giải khác: Nếu một cây sồi nhỏ được chứa trong quả sồi, điều này có nghĩa là những quả sồi tương lai được định sẵn sẽ phát triển từ cây sồi đó cũng sẽ phải được tìm thấy đã hình thành. Và bên trong những quả sồi nhỏ đó, sẽ có những cây sồi nhỏ hơn, và trong những cây sồi nhỏ hơn đó… và mãi như thế.
Hãy nhớ rằng lịch sử khoa học đã được viết lại nhiều lần dựa trên những lý thuyết ít nhiều còn buồn cười hơn. Nó khiến chúng ta hồi tưởng về những con sâu bướm tự sinh từ thịt thối, hay “sự phát triển và tiến hóa của các sinh vật dựa theo nhu cầu cần thiết” của J.B. Lamarck. Ngày nay những ý tưởng này có vẻ như là rất ngây thơ và ngớ ngẩn; nhưng tại một thời điểm nhất định nó đã từng chi phối các chuẩn mực quy phạm thời bấy giờ.
Đối với Sheldrake, lý thuyết di truyền hiện nay chỉ đơn thuần là một cái mặt nạ mới cho ý tưởng cũ của thuyết tiền tạo thành; cây sồi không phải là một sản phẩm thu nhỏ bên trong quả sồi, nhưng nó lại được mã hóa bên trong các gene của quả sồi, mà quả sồi lại bắt nguồn từ gene của cây sồi, và cây sồi đó lại bắt nguồn từ một quả sồi… và mãi như thế.
Sheldrake viết trong cuốn “A New Science of Life” rằng, “Hầu hết các nhà sinh học coi là điều hiển nhiên rằng các sinh vật sống chỉ là những cỗ máy phức tạp, bị chi phối bởi các quy luật vật lý và hóa học đã được biết đến. Bản thân tôi cũng từng chia sẻ quan điểm này. Nhưng sau vài năm, tôi nhận thấy giả định đó rất khó để chứng minh là đúng, trong khi tri thức của chúng ta thực sự hữu hạn, thì có một khả năng mở rằng ít nhất một số hiện tượng của cuộc sống phụ thuộc vào các quy luật hoặc các yếu tố chưa được khoa học vật lý công nhận.”
Giữa DNA và linh hồn
Các lý thuyết gây tranh cãi của Sheldrake, như đã đề cập ở trên, không phải là mới. Những người tin theo thuyết Aristotle và Plato đã có trực giác về một thứ gì đó tương tự. Họ cho rằng tất cả các giống loài đều có loại linh hồn của riêng mình — hình thức thực sự của cơ thể. Ví dụ, linh hồn của một cây sồi có thể chứa một cây sồi, cũng giống như một cái khuôn đối với bánh pudding. Kết hợp với lý luận hiện đại, Sheldrake – người đã tốt nghiệp đại học Cambridge – cho rằng điều này có nghĩa là DNA sở hữu “sơ đồ ba chiều của sinh vật”, gán cho nó những đặc tính chưa được xác minh. “Chúng tôi biết DNA làm gì,” Sheldrake viết trong bài báo “Psychological Perspectives” (Những góc nhìn tâm lý). “Nó mã hóa cho các protein; nó mã hóa cho trình tự các axit amin tạo thành protein. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa việc mã hóa cấu trúc của protein – một thành phần hóa học của sinh vật – và việc lập trình tạo nên sự phát triển tổng thể của sinh vật. Đó là sự khác biệt giữa việc làm ra các viên gạch và xây một ngôi nhà từ những viên gạch.”
Các nhà khoa học di truyền đã biết từ nhiều năm trước rằng một phân tử DNA chỉ mã hóa những đơn vị cấu trúc căn bản nhất mà qua đó cơ thể tạo ra hình dáng và chức năng. Nhưng từ đây, để biết làm thế nào các tế bào chuyên biệt của mắt, tuyến tụy hoặc dây thần kinh “biết” nơi hình thành của chính nó vẫn còn là một trong những điều cực kỳ bí ẩn. “DNA chỉ mã hóa các chất liệu cấu tạo nên cơ thể như các enzym, các cấu trúc protein, v.v. Không có bằng chứng nào cho thấy nó cũng mã hóa sơ đồ cấu tạo, hình thức, và hình thái của cơ thể,” Sheldrake viết.
Các nhà sinh vật học đương đại cho rằng định vị giải phẫu học của phôi thai cho đến khi trưởng thành phụ thuộc vào các mô hình tương tác lý-hóa phức tạp, nhưng họ cũng thừa nhận quá trình này trong thực tế vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ. Tuy nhiên, theo Sheldrake, điều này cho thấy một giả thuyết chưa được chứng minh. Vậy nên, nó không thực sự là một lập luận khách quan; nó đơn thuần chỉ là một lời tuyên bố về đức tin.
Do đó, Giáo sư Sheldrake đã rất cẩn trọng khi thúc đẩy sự thay đổi đối với các khái niệm của chúng ta từ chủ nghĩa giản lược khoa học cổ điển sang một trạng thái tâm lý “toàn diện” hơn. Nếu may mắn đạt được được điều đó, chúng ta sẽ không tiếp tục giống như thế kỷ 17, cho rằng mỗi cây sồi ẩn trú bên trong nó một quả sồi nhỏ; hy vọng rằng, chúng ta sẽ không tiếp tục lặp lại các chu kỳ phủ nhận, các cuộc tranh luận không cần thiết, và sự thừa nhận muộn màng … và mãi như thế.
Do Leonardo Vintini thực hiện
Ngọc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: