Rượu có thực sự đem lại lợi ích cho sức khỏe?
Nghiên cứu mới cho thấy có khả năng các nghiên cứu trước đây đưa ra kết luận không chính xác do vấn đề lựa chọn dữ liệu.
Trong nhiều năm, hầu như mọi người đều chấp nhận rằng uống rượu ở mức vừa phải là một phần của cách ăn uống và lối sống lành mạnh, có lợi ích bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy niềm tin bấy lâu nay về vấn đề này có thể không còn chính xác nữa.
Những nghiên cứu trước đây đã bỏ qua những dữ liệu quan trọng
Trước đây, nghiên cứu chỉ ra rằng những người uống một lượng rượu vừa phải có xu hướng sống lâu hơn và có nguy cơ bị bệnh tim thấp hơn những người không uống chút nào.
Tuy nhiên, một bài tổng quan gần đây về các nghiên cứu trước đây đã làm dấy lên lo ngại về tính hợp lệ của mối liên quan này. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Sử dụng chất kích thích Canada (Canadian Institute for Substance Use Research) đã tiến hành một tổng quan hệ thống trên hơn 100 nghiên cứu nhóm với gần 5 triệu người tham gia để điều tra xem liệu lợi ích về sức khỏe khi sử dụng rượu có thực sự bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như lối sống và tình trạng kinh tế xã hội hay không.
Phát hiện của họ đã được công bố trên tập san y khoa JAMA Network Open với gợi ý rằng: những sai lệch trong các nghiên cứu trước đây là do việc không loại trừ các yếu tố sức khỏe không liên quan đến việc uống rượu như cách ăn uống, sức khỏe răng miệng, thu nhập, và cân nặng có thể làm ảnh hưởng đến kết quả.
Các tác giả của nghiên cứu viết: “So với những người không uống rượu, việc có sức khỏe tốt hơn một cách hệ thống ở một loạt các chỉ số của những người uống rượu nhẹ và vừa phải không hẳn có mối liên hệ với việc sử dụng rượu.”
Hơn nữa, các nghiên cứu trước đây có thể đã thất bại trong việc tính đến những sai lệch trong nhóm kiêng khem, đặc biệt là do không loại bỏ những yếu tố như “những người bỏ thuốc lá,” những người từng uống rượu đã ngừng hoặc giảm uống rượu vì lý do sức khỏe.
Tiến sĩ Timothy B. Sullivan, chủ tịch Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi của Northwell Health tại Bệnh viện Đại học Staten Island nói với Thời báo The Epoch Times rằng: “Bây giờ khi xem xét lại những nghiên cứu đó, chúng tôi nhận ra rằng những nghiên cứu này có thiết kế kém dẫn đến kết quả bị sai lệch.”
Việc đánh giá các nghiên cứu trước đây cho thấy rượu không có lợi ích về sức khỏe
Trong phân tích này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một tổng quan hệ thống bao gồm các nghiên cứu được công bố từ tháng 01/1980 đến tháng 07/2021 để xem xét về mối liên quan giữa nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và việc sử dụng rượu. Bài tổng quan có tính đến độ tuổi trung bình và phân bổ giới tính của đối tượng nghiên cứu.
Phân tích bao gồm cả những người chỉ uống dưới một ly rượu mỗi tuần để chỉ ra sự chênh lệch của tình trạng sức khỏe kém trong số những người không uống rượu trong các nghiên cứu trước đây. Các nhà nghiên cứu cũng điều chỉnh độ lệch tuổi bằng cách chỉ quan sát những người tham gia nghiên cứu với độ tuổi trung bình nhỏ hơn 51 và tiếp tục tham gia nghiên cứu cho đến khi độ tuổi trung bình ít nhất là 60.
Theo nghiên cứu, một phân tích gộp từ 107 nghiên cứu này cho thấy “không có mối liên hệ đáng kể nào giữa việc uống rượu không thường xuyên hoặc uống một lượng ít (uống vừa phải) với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.”
Tuy nhiên, họ đã nhận thấy nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân gia tăng đối với những người tiêu thụ 25g (0.9 ounce) cồn trở lên mỗi ngày và “nguy cơ gia tăng đáng kể” đối với những người uống 45g (1.6 ounce) cồn trở lên mỗi ngày. Trong khi một ly rượu tiêu chuẩn của Hoa Kỳ chứa 14g cồn nguyên chất. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy nguy cơ tử vong cao hơn đối với phụ nữ. Các tác giả viết: “Nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng đáng kể ở những phụ nữ uống từ 25g trở lên mỗi ngày và ở những nam giới uống từ 45g trở lên mỗi ngày.”
Tiến sĩ Jarid Pachter, một chuyên gia về y học gia đình làm việc tại nhiều chi nhánh bệnh viện, bao gồm cả Bệnh viện Đại học Stony Brook đã chỉ ra rằng phân tích gộp nói trên không nói rõ rằng uống bất kỳ lượng rượu nào cũng không tốt cho sức khỏe. Do đó, kết luận của phân tích gộp trên là: “các nghiên cứu trước đây nói rằng uống rượu với lượng vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe là không có giá trị,” ông nói thêm.
Việc tiêu thụ đồ uống có cồn có liên quan đến nguy cơ ung thư cao hơn
Điều này không có nghĩa là uống rượu không liên quan đến những hậu quả sức khỏe tiềm ẩn.
Theo Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới quốc tế (World Cancer Research Fund International) – một tổ chức bất vụ lợi chuyên nghiên cứu về phòng chống ung thư thì tiêu thụ đồ uống có cồn nhìn chung là sẽ làm tăng nguy cơ bị một số loại ung thư như:
– Ung thư miệng, hầu, thanh quản
– Ung thư thực quản (ung thư biểu mô tế bào vảy)
– Ung thư vú
Cụ thể hơn, việc tiêu thụ hai hoặc nhiều ly đồ uống có cồn mỗi ngày – tương đương 30g cồn trở lên – có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, nếu từ ba ly trở lên mỗi ngày – từ 45g cồn trở lên – sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và gan .
Năm 2021, nghiên cứu được công bố trên tập san Dịch tễ học ung thư (Cancer Epidemiology) đã kết luận rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn gây ra một “tỷ lệ đáng kể” tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ. Các tác giả nghiên cứu viết: “Việc thực hiện các chính sách cấp nhà nước và các cố gắng kiểm soát ung thư nhằm giảm việc tiêu thụ đồ uống có cồn có thể làm giảm gánh nặng ung thư này.”
Theo kết quả của một nghiên cứu gần đây được công bố trên tập san Dịch tễ học ung thư, Dấu ấn sinh học và Cách phòng ngừa (Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention) thì hầu hết người Mỹ không biết về mối liên hệ giữa uống rượu với nguy cơ ung thư hoặc nguy cơ đáng kể bị các loại ung thư khác nhau tương ứng với các loại đồ uống có cồn khác nhau. “Tất cả các loại đồ uống có cồn, kể cả rượu vang, đều làm tăng nguy cơ ung thư,” người dẫn đầu nhóm tác giả, ông William M.P. Klein, tiến sĩ về tâm lý xã hội và là Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Hành vi của Viện Ung thư Quốc gia, cho biết trong một tuyên bố. Ông nói thêm rằng những phát hiện của nghiên cứu này nhấn mạnh đến nhu cầu phát triển các giải pháp can thiệp để giáo dục mọi người về nguy cơ ung thư và việc sử dụng rượu, “đặc biệt là khi lợi ích sức khỏe tim mạch của rượu vang đang phổ biến trong cuộc đối thoại quốc gia.”
Theo Tiến sĩ Sullivan thì rủi ro về sức khỏe của mọi người là khác nhau và mỗi người cần phải đưa ra những lựa chọn sáng suốt về việc sử dụng đồ uống có cồn với sự trợ giúp của bác sĩ. Ông nói: “Tất nhiên, những người sống trong gia đình có nguy cơ nghiện rượu cao luôn được khuyên là nên tránh hoặc ít nhất là nên được giám sát chặt chẽ việc sử dụng rượu. Dựa trên những gì chúng ta biết về tác động của rượu đối với mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả hệ miễn dịch thì cũng có một giả định công bằng rằng những người có nguy cơ cao về sức khỏe dưới bất kỳ hình thức nào tốt nhất là nên tránh uống rượu.”
Xem xét những lý do đằng sau việc uống rượu
Tiến sĩ Pachter nói: “Những gì chúng tôi biết về việc uống rượu là sự khác nhau giữa mọi người. Một lượng rượu nhất định có thể là ít đối với người này lại là quá nhiều đối với người khác.” Ông gợi ý rằng mọi người nên tự đặt câu hỏi về động cơ uống rượu của mình, đặc biệt nếu họ đang sử dụng rượu để giúp làm giảm lo âu hoặc để giúp ngủ ngon. Đó đều là những cảnh báo nguy hiểm thực sự,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Pachter cũng chỉ ra rằng những người có hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau có thể có mức độ rủi ro khác nhau liên quan đến việc uống rượu. Ông nói: “Nghiên cứu của JAMA đã chỉ ra rằng những người khá giả hơn một chút có thể là những người tích lũy được một số lợi ích sức khỏe tiềm ẩn từ việc uống một chút rượu. Vì vậy, bạn không thể so sánh giữa người này với người kia mà nên so sánh trong cùng một điều kiện kinh tế xã hội.”
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.