Rome, thành phố trường tồn bất diệt
Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến với Rome bởi lịch sử chinh phục thế giới và tận hiến vì thế giới của vùng đất này bất kể là trong lĩnh vực quân sự, tôn giáo, hay văn hóa. Rome cho chúng ta thấy ta có thể sống dân dã trong khi đang sống ở một thủ đô hàng đầu thế giới như thế nào, một cuộc sống bình dị phản ánh một cuộc sống vĩ đại hơn ra sao, và chúng ta gần với tổ tiên của mình đến thế nào.
Khám phá Rome cũng chính là để khám phá rằng chúng ta là những người La Mã, bởi vì thực tế là phần lớn di sản của chúng ta bắt nguồn từ thành phố này. Nếu không có thành phố này, nước Mỹ đã là một xứ sở khác. Mọi thứ đều sẽ khác biệt nếu không có Rome.
Đôi khi, Rome được biết đến với cái tên Latin “Urbs Aeterna”, nghĩa là “thành phố trường tồn bất diệt.” Thành phố sở dĩ tồn tại lâu dài là nhờ tất cả những gì nó chứa đựng và khơi gợi lên. Đó là lý do tại sao một người La Mã chân chính không bao giờ muốn rời khỏi thành phố của anh ta. Lòng nhiệt thành của anh ta là sự say mê nồng nàn dành cho thành phố [ấy], [trong đó] chứa đầy cả những câu tục ngữ lên bổng xuống trầm, hạnh phúc và khổ đau.
Một địa điểm tuyệt vời để có thể quan sát cuộc sống thực tế [của thành phố] trường cửu này là quán Bistro Coronari trên đường Via dei Coronari, đằng sau quảng trường Piazza Navona. Các nhân viên pha chế địa phương [ở đây] luôn cởi mở trò chuyện và sẽ phục vụ bạn một loại cocktail rượu vang đỏ khó quên có tên là “winter spritz.”
Vợ tôi và tôi mới ngồi đó và lắng nghe Chamelia mô tả những thay đổi mà cô ấy chứng kiến ở Rome trong những thập niên trở lại đây. Điều đặc biệt nhất là những đợt trùng tu trước Năm Thánh 2000, bao gồm việc dọn dẹp và chiếu sáng cho những công trình kỷ niệm quan trọng nhất.
Du lịch đã phát triển kể từ khi đó. Khoảng thời gian cao điểm nhất không còn chỉ cố định vào Lễ Phục Sinh và những tháng mùa hạ, mà bắt đầu vào tháng Hai và kết thúc vào tháng Mười Một. Việc này liên quan đến những thay đổi trong [bộ máy] tổ chức của thành phố. Đáng chú ý là, lượng giao thông dày đặc bị buộc phải rời khỏi những khu vực đông đúc nhất của trung tâm thành phố. Để thấy hiện tượng này một cách rõ nét nhất, [bạn] hãy tản bộ vào một buổi tối, không dùng xe, từ đấu trường Colosseum được chiếu sáng rực rỡ, dọc theo đại lộ Via Fori dei Imperiali, đến quảng trường Piazza Venezia, nơi đài tưởng niệm Victor Emmanuel II đồ sộ kỷ niệm sự hợp nhất của nước Ý thống lĩnh quảng trường. Từ nơi đó, đi bộ xuống đường Via del Corso nổi tiếng cho đến khi bạn bắt gặp những [tấm biển] chỉ dẫn đến đài phun nước Trevi. Ở đó, bạn sẽ được tận mắt trông thấy đài phun nước – kỷ niệm của sự sáng tạo, đã được khôi phục lại và được chiếu sáng. [Hãy] dùng bữa tối tại một trong những chiếc bàn ở quán Ristorante Trevi, và tìm hỏi Enzo, anh ấy sẽ chia sẻ với bạn về tình yêu anh dành cho thành phố này.
Số chỗ ngồi ngoài trời đã nhiều lên ở khắp nơi. Một quán cà phê trước đây [chỉ] có 5 bàn ngoài trời, thì giờ đã có 5 dãy bàn. Một quầy bar từng đóng cửa suốt tháng Một hiện đã mở cửa. Những cửa hàng quần áo mới, những khu chợ nhỏ kiểu Trung Quốc, những quầy rượu kiểu Anh, và những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, tất cả đều nhiều lên, thậm chí cả bên ngoài những khu phố sầm uất nhất. Các khu vực mới trong thành phố bắt đầu chứng kiến một làn sóng khách du lịch [ồ ạt kéo đến], [và] chỉ ngưng lại do tình trạng phong tỏa hiện tại.
Vào những năm 1990, người ta vẫn giữ [thói quen] ngủ trưa một cách nghiêm túc.
“Nó giống như một quy luật tự nhiên,” một trong những người pha chế cho tôi nói.
Mọi cửa hiệu kinh doanh sẽ đóng cửa vào bữa trưa. Họ cũng đóng cửa vào các buổi sáng thứ Hai và vài cửa hàng thực phẩm không mở cửa sau giấc ngủ trưa các ngày thứ Năm, bởi vì thứ Sáu là ngày ăn chay của người Công giáo. Vậy nên, theo truyền thống, các nhà hàng sẽ phục vụ món gnocchi – pasta khoai tây – cho thực khách vào các buổi tối thứ Năm, để làm hài lòng những khách hàng quen của họ, những người sẽ ăn chay vào ngày hôm sau. Trong thực đơn các ngày thứ Sáu luôn có món cá. (Và người ta chỉ được ăn pizza ở tiệm pizza vào buổi tối, bởi vì không có tiệm pizza nào sẽ đốt lò nướng bằng củi của họ hai lần trong một ngày.) Đó là một phong tục Cơ Đốc Giáo lâu đời. Sau năm 2000, những người La Mã đột nhiên thấy một bức bích chương trên cửa sổ một tiệm pizza ghi rằng: “Aperto anche a pranzo!” (“Mở cửa phục vụ cả bữa trưa!”) Đây là một đề tài tranh luận quan trọng đối với người La Mã, vì họ hiểu rằng thời thế [đã] thay đổi cùng với sự toàn cầu hóa – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tuy nhiên, những quán cà phê và cửa hàng kinh doanh gia đình vẫn nhiều hơn các siêu thị. Rome vẫn giữ gìn những phong tục tập quán của nó. Người La Mã vẫn chào hỏi nhau bằng từ Latin “Salve” (Xin chào/Tạm biệt) trên xe bus, bên tách cà phê espresso, [hay] trong bưu điện. Tiếng Ý bản thân nó chính là một truyền thống, mà trong đó những từ ngữ vẫn có mối liên hệ với thực tế cuộc sống chung.
“Không có từ ngữ nào thực sự là một từ ngữ nếu nó không mang ý nghĩa gì cả,” Thánh Jerome từng nói. Và ngay cả trong một cuộc trò chuyện phổ biến, [từ ngữ luôn là] hiện thân của nhận thức rằng loài người được tạo thành bởi cả thể xác và tinh thần.
Rất lâu trước khi khái niệm về một ngôi làng toàn cầu [xuất hiện], Rome đã dạy cho người phương Tây biết rằng có một sự kết nối giữa thành phố này và thế giới; giữa những nỗi lo toan thường nhật và những sự kiện [diễn ra] trên thế giới; giữa pháp luật, tôn giáo, chính trị, và giải trí – cả những đại dịch. Thành phố [này] dạy chúng ta cách nhìn sự vật, sự việc cụ thể, hay một cá nhân ở tầm vĩ mô. Đây là cách thành phố này được xây dựng nên. Nó bất biến trước những đổi thay bên ngoài, dù cho đó là chiến tranh hay ôn dịch. Hằng ngày, các Thánh lễ sẽ được tổ chức cho cả những người đang sống và những người đã qua đời, còn các nhà khảo cổ học sẽ chia sẻ những thông tin mới nhất về [những] di tích cổ xưa. Bất chấp những sự kiện [đang diễn ra] hiện tại, các du khách và những người hành hương vẫn tiếp tục đến [Rome] trong năm nay (2021).
Tục ngữ có câu, nhập gia tùy tục (When in Rome, we do as the Romans do). Chúng ta đến [với Rome] để tìm lại chính mình, tương tự nhau bước trên những con đường sỏi đá, với khao khát [đi tìm câu trả lời] cho tất cả những câu hỏi mà thành phố trường tồn bất diệt này được an bài để giải đáp, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Wilhelm Höjer là một ký giả người Thụy Điển đã từng học ngành triết học và báo chí tại trường đại học Angelicum ở Rome. Vào năm 2020, ông bắt đầu giảng dạy tại trường Công giáo cổ điển Lindisfarne Hall trên đảo Amelia Island, nơi ông và vợ mình Sally cùng với con trai họ Crispin đang sinh sống.
Wilhelm Höjer biên tập
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: