Rời xa tổ ấm sau đại dịch COVID
Những chuẩn mực xã hội hậu COVID sẽ khiến cho lứa tuổi thanh niên dễ bị tổn thương hơn hay giúp cho nhiều thế hệ sống cùng nhau gắn bó với nhau hơn vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi mối quan hệ của chúng ta với mọi người và với các con theo nhiều cách vừa có lợi vừa có những nguy hại tiềm ẩn. Những nghiên cứu trước đại dịch cho thấy rằng, cha mẹ đã dành trung bình 90 phút mỗi ngày bên các con của họ ở độ tuổi nhỏ và tuổi vị thành niên. Thời gian này là không đủ để tạo ra sự gắn kết an toàn và bền chặt. Nhưng COVID-19 rõ ràng đã khiến cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn theo nghĩa tích cực, từ chuyện chia sẻ những bữa ăn cùng nhau cho tới việc dành thời gian chơi chung với con hơn là gọi video, còn các em thì xem phim hoặc đi dạo với cha mẹ nhiều hơn.
Nhưng ‘luôn có một vầng trăng sáng và một đám mây đen cùng tồn tại.’ Đám mây đen trong trường hợp này là nỗi xa cách khi cha mẹ và con cái quay trở lại với công việc và trường học, hoặc con trẻ bắt đầu vào đại học, khiến cho trình trạng khủng hoảng sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên và thanh niên thêm trầm trọng. Các em đã không quen sống tự lập và luôn gần gũi với cha mẹ khi cả gia đình sống quây quần bên nhau nên khi chuyển ra sống riêng, các em đã rơi vào trạng thái lo lắng và trầm cảm. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong khuôn viên trường đại học bị quá tải trước danh sách dài chờ đợi và cũng không có gì lạ khi những sinh viên phải vật vã chờ đợi hàng tuần để có thể trò chuyện cùng nhà trị liệu.
Theo [kinh nghiệm] thực tế của tôi, với những bạn trẻ rời gia đình vào đại học sẽ trải nghiệm một giai đoạn chuyển tiếp ban đầu của nỗi nhớ nhà trong đoạn thời gian mà họ gọi điện về nhà mỗi ngày. Tuy nhiên, sau một hoặc hai tuần, nỗi nhớ sẽ nguôi ngoay. Từ khi đại dịch xảy ra, các gia đình mà tôi điều trị đang tiếp xúc nhiều hơn với các con, không chỉ là một cuộc gọi điện thoại mà là nhiều cuộc gọi mỗi ngày hầu khỏa lấp nỗi nhớ nhung. Điều này cũng trở nên rõ ràng hơn và dường như đang kéo dài hơn. Sự đau khổ của trẻ em và cha mẹ trong suốt quá trình này càng nặng nề hơn.
Thêm vào đó, giờ đây các bậc cha mẹ đang cảm thấy tổ ấm trống trải, đang phải gắng sức hơn bình thường khi để cho các con rời xa. Khi vẫn còn sống chung nhà, thực hành tách rời con trẻ sẽ diễn ra được tự nhiên hơn và bình thường hơn với cha mẹ — khả năng buông tay tất nhiên sẽ nhẹ nhõm cho cả hai phía. Nhiều bậc cha mẹ có hội chứng “chiếc tổ trống” đến gặp tôi trong tình trạng vật lộn với sự trầm cảm và lo âu quá mức vì các con ra ngoài học đại học. Tôi chưa từng chứng kiến chuyện này trong nhiều năm qua.
Nỗi nhớ nhung về sự đoàn tụ êm ái và gần gũi với các con trong thời gian COVID-19 đã khiến cho việc xa cách đột ngột và nhanh chóng trở nên thử thách hơn với các bậc cha mẹ. Trong một bài báo của AARP được xuất bản năm ngoái, bác sĩ tâm thần của Trung tâm Y tế Đại học Toledo, Victoria Kelly lưu ý rằng hội chứng “chiếc tổ trống” phần lớn là về nỗi buồn bã. Những cảm xúc này do con cái rời khỏi nhà, kết hợp với những trải nghiệm buồn từng bỏ lỡ suốt giai đoạn COVID-19, khiến cho cảm giác mất mát lớn hơn.
Còn phía mặt tích cực, với cha mẹ, việc thay đổi để gắn bó nhau hơn suốt COVID-19 giúp hồi phục lại những năm tháng sao nhãng và quá bận rộn không thể dành nhiều thời gian chất lượng bên các con. Đối với nhiều người, điều này đã nhen nhóm lại mối thâm tình nồng ấm mà họ hiếm khi cảm thấy trước đây do sự xa cách sớm với con trẻ khi còn nhỏ. Từ đó, họ cảm thấy khó khăn hơn để có thể từ bỏ mối quan hệ thân thiết với con trẻ.
Kết quả của hiện tượng quay trở lại sự gắn kết và gần gũi như hồi đầu, tôi đã chứng kiến ngày càng nhiều thanh niên trẻ về nhà, hoặc chuyển đến các trường gần nhà hơn hoặc hủy khóa học và để dành vài năm trống để có thể tiếp tục ở gần cha mẹ hoặc những người thân yêu. Theo một cuộc khảo sát quốc gia về những sinh viên đại học trong năm 2020-21, cứ bốn em thì có một em quyết định chuyển trường về gần nhà hơn.
Tuy nhiên, kết quả của lần thí nghiệm xã hội này vẫn chưa thể hiện đầy đủ, chúng ta thật sự biết rằng COVID-19 đã làm lung lay các tiêu chuẩn xã hội hoặc tiêu chí hiện đại về quá trình ra riêng và sống tự lập ở lứa tuổi thanh niên và vị thành niên. Điều này sẽ tạo ra thế hệ kế tiếp gồm những thanh niên yếu đuối hơn, hay thực sự giúp chuyển đổi gia đình hai thế hệ sang gia đình tứ đại đồng đường với nhiều thế hệ sống cùng với nhau trong những tổ ấm khiến người ta không còn mong muốn đi đâu xa nữa. Dù chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi, đại dịch có lẽ đã khiến quá trình chia ly khó khăn hơn và hội chứng ‘chiếc tổ trống’ đau buồn hơn, từ đó tất nhiên giúp điều chỉnh lại hệ thống xã hội hiện đại vốn dĩ coi trọng tính độc lập khắc kỷ hơn là tình cảm thân thiết và gắn bó của gia đình.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.