‘Rời khỏi California: Chuyện chưa kể’ khám phá lý do đằng sau cuộc di cư hàng loạt của tiểu bang này
“Mọi người đang rời [California] để đến những nơi từng được gọi là ‘Texas nóng như hỏa ngục’ hay ‘Nevada sa mạc’ mà nay trở thành những thiên đường trong tâm trí họ — và chúng ta đã chiếm lấy và biến thiên đường thành địa ngục,” một nhà nghiên cứu nói trong bộ phim tài liệu mới của EpochTV “Rời khỏi California: Chuyện chưa kể,” được công chiếu hôm 21/04.
Theo dữ liệu của Cục điều tra Dân số Hoa Kỳ, từ tháng 04/2020 đến tháng 07/2022, hơn 700,000 người đã rời khỏi California.
Thực tế là hàng trăm ngàn người đã rời đi, “trong khi California là một nơi tuyệt vời như vậy là … không thể tin được!” một nhà nghiên cứu khác nói trong bộ phim.
Nhận xét của ông Victor Davis Hanson, một sử gia tại Viện Hoover, và ông Jim Doti, chủ tịch danh dự và là giáo sư kinh tế tại Đại học Chapman, gói gọn nghi vấn lớn nhất, chưa từng có mà người dân California phải đối mặt: tại sao mọi người đang rời bỏ thiên đường này?
Trong bộ phim dài 70 phút này, anh Siyamak Khorrami — người chủ trì của chương trình Người trong cuộc tại California (California Insider) của EpochTV và là biên tập viên của ấn bản Nam California của The Epoch Times — đưa khán giả vào một hành trình trực tiếp để khám phá những lý do đằng sau cuộc di cư của mọi người khỏi tiểu bang Golden State, nơi từng là một điểm đến thu hút hấp dẫn bậc nhất đối với những người nhập cư và khách du lịch từ trong nội địa Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Được gọi là “bộ phim tài liệu quan trọng nhất về California,” bộ phim này đào sâu vào những thách thức mà những người gọi — hoặc đã gọi — California là quê nhà phải đối mặt, và trải nghiệm của họ khi chật vật với nhiều vấn đề cấp bách về tình trạng tội phạm, giáo dục, nhà ở, chi phí sinh hoạt, nạn cháy rừng, và tình trạng vô gia cư.
Tình trạng tội phạm
Tội phạm tài sản là một trong nhiều lý do khiến một số người chuyển đi.
Ông Derek Drake là một trong số 700,000 người rời khỏi California đó. Tiệm giặt nhỏ do gia đình ông sở hữu ở Oakland đã từng là mục tiêu của nhiều vụ đột nhập đập cửa sổ trong những năm gần đây. Ông cho biết một lần nọ, bọn trộm đã lấy 600 USD từ máy ATM nhưng gây thiệt hại tới 32,000 USD.
Ông Drake quy trách nhiệm cho làn sóng tội phạm trắng trợn này là do các chính sách của tiểu bang đã giảm bớt hình phạt đối với một số tội phạm trong những năm gần đây.
“Họ biết là họ sẽ không gặp phải rắc rối. Các hình phạt ở đây chẳng là gì cả. Tất cả đều là ‘tội phạm phi bạo lực.’ Nhiều người thậm chí sẽ không báo cáo tội phạm nữa,” ông Drake cho biết.
Chi phí sinh hoạt cao
Anh Kevin Schmidt, một diễn viên, nói trong bộ phim tài liệu này: “Một bữa ăn trưa bây giờ là 30 USD.”
Người từng là cư dân California này cho biết gần như mọi thứ ở Los Angeles trở nên đắt đỏ hơn, từ giá xăng lên tới 7 USD một gallon cho đến hơn 2,700 USD cho một căn hộ một phòng ngủ.
Theo ông Hanson, sử gia của Viện Hoover, thì chi phí sinh hoạt cao cũng liên quan nhiều đến các chính sách của chính phủ.
“Những người đã lập ra chính sách — cho dù đó là giá điện hay giá nhiên liệu — họ không bao giờ phải chịu hậu quả của ý thức hệ của chính họ,” vì các nhà hoạch định chính sách này có khả năng chi trả cho mức giá đó, ông Hanson cho biết.
Nhiều nhà tuyển dụng lớn — chẳng hạn như Uber và Tesla — đã chuyển trụ sở chính của họ đến các tiểu bang có mức thuế thấp hơn và luật lao động ít nghiêm ngặt hơn trong khi các doanh nghiệp nhỏ bị chèn ép do những vi phạm nhỏ có thể dẫn đến các khoản điều đình bồi thường nặng nề.
Bà Diana Bonnett, một chủ doanh nghiệp cũng đã rời California, cho biết do nhầm lẫn bà đã trả thiếu cho một nhân viên khoảng 34 USD. Bà nói rằng do không được thông báo trước về khoản lương bị thiếu này, nên nhân viên đó đã khởi kiện. Vụ kiện này được điều đình với số tiền 30,000 USD.
Với việc các chủ doanh nghiệp rời khỏi California, nơi mà thuế suất thuế thu nhập có thể lên tới 13.3%, mọi người đang tìm kiếm những cơ hội tốt hơn ở Florida, Washington, và Texas, nơi không có thuế thu nhập.
Giáo dục
Nhiều người cũng đang rời đi vì việc học hành của con em của họ.
Theo Viện Chính sách Công California, năm 2022, chỉ một phần ba học sinh lớp bốn ở California thông thạo toán.
Trong bộ phim tài liệu này, bà Gloria Romero, cựu lãnh đạo đa số Đảng Dân Chủ tại thượng viện tiểu bang California, cho thấy một mối tương quan giữa kết quả học tập kém và tình trạng bị bắt giam — nói rằng gần 70% tù nhân trong tiểu bang này không có bằng tốt nghiệp trung học.
Bà nói: “Nếu chúng ta không thay đổi các trường học đang thất bại, nơi mà trẻ em người Mỹ gốc Phi, gốc Latinh bị bế tắc trong tỷ lệ nghèo đói cao một cách không cân đối, … thì quý vị sẽ tìm thấy hoạt động bất hợp pháp, buôn bán ma túy, [và] tội phạm.”
Những quy định về môi trường
Theo nhà phát triển và cựu Thị trưởng của Costa Mesa Jim Righeimer, mặc dù Đạo luật Chất lượng Môi trường California — hay còn được gọi là CEQA — chủ định là để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và động vật hoang dã, nhưng đạo luật này đã trở thành một quy định chung để ai cũng có thể khởi kiện một đề xướng phát triển vì những bất đồng ý kiến thất thường, vốn có thể làm kéo dài quá trình phê chuẩn trong nhiều năm, khiến cho một dự án trở nên tốn kém và không còn khả thi.
“Ở các tiểu bang khác, nếu muốn khởi kiện, quý vị [cần] một số quyền khởi kiện nào đó,” ông nói trong bộ phim tài liệu này. “Ở đây, bất kỳ ai cũng có thể kiện để ngăn chặn một sự phát triển để không thể diễn ra.
Như vậy, nhiều luật với chủ ý tử tế lại khiến các nhà phát triển phải ngừng hoạt động hoặc rời khỏi California, nơi mà các chính trị gia đang kêu gọi xây dựng nhiều nhà ở giá rẻ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng vô gia cư ở đó.
Tình trạng vô gia cư
Thời tiết dễ chịu là điều an lành và cũng là tai họa lớn nhất cho California vì điều kiện như vậy đã tạo thuận lợi cho một nền văn hóa sôi động về cuộc sống ngoài trời và — mà gắn liền với các vấn đề khác — đó là tình trạng vô gia cư trên đường phố.
Theo số liệu tính đếm năm 2022 của Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ (pdf), khoảng 30% người vô gia cư của quốc gia này — hơn 170,000 người và đang gia tăng — cư trú tại California.
Cựu Cảnh sát trưởng Quận Los Angeles Alex Villanueva cho biết vấn đề này đã trở thành một ngành kinh doanh, với việc tiểu bang này đang đổ hàng tỷ dollar vào đó mà không thấy bất kỳ sự cải thiện nào.
“Có những người xây dựng sự nghiệp của họ bằng cách cấp dưỡng cho những người vô gia cư,” ông nói trong bộ phim tài liệu. “Quý vị hãy nhìn vào các tổ chức bất vụ lợi … Các giám đốc điều hành [của họ] đang kiếm được 800,000 USD một năm. Các nhà quản lý và giám đốc đang kiếm được hơn 200,000 USD.”
Ông Villanueva cho biết các chính trị gia đang cho rằng cuộc khủng hoảng vô gia cư này là do thiếu nhà ở giá rẻ, trong khi đó thực sự lại là vấn đề về ma túy và sức khỏe tâm thần.
“Nếu quý vị đang hút meth 24/7, thì tiền thuê nhà có thể là một đồng năm xu một tháng mà quý vị cũng không đủ khả năng chi trả.”
Có còn một tương lai nào không?
Trong bối cảnh cuộc di cư hàng loạt này, anh Khorrami nhìn thấy hy vọng trong những nỗ lực cơ sở của những người như ông Zach Southall — người sáng lập tổ chức tiếp cận người vô gia cư Charity on Wheels, đã giúp đỡ những người vô gia cư trong cộng đồng của ông trở lại cuộc sống bình thường của họ.
“Đa phần những người mà tôi làm việc cùng — những người vô gia cư — họ đang phải đối mặt với một loại chấn thương tâm lý, nỗi đau xé lòng nào đó,” ông Southall nói. “Đó là một vấn đề về lương tri.”
Nhóm của ông tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ của tình trạng vô gia cư bằng cách lắng nghe câu chuyện của từng người và xây dựng lòng tin, thông qua việc tiếp cận bền bỉ tại hiện trường — vốn “rất khó khăn” và “đòi hỏi những sự đầu tư vào con người mà chính phủ không sẵn sàng thực hiện,” ông cho biết.
“Chúng tôi sẽ có những cuộc trò chuyện thiết thực sẽ dẫn đến phát triển các mối quan hệ thực sự, và mọi người sẽ thực sự nói cho quý vị biết những gì đang xảy ra [trong cuộc đời của họ] … Và tuần tới, họ sẽ gặp lại quý vị … lần nữa … và lần nữa. Cuối cùng … khi họ sẵn sàng cho một sự thay đổi, thì hãy đoán xem họ sẽ gọi cho ai? … Quý vị đấy!” ông nói.
Qua hành trình điều tra cuộc di cư này, anh Khorrami nhận ra rằng thời điểm sụp đổ này có thể là một bước ngoặt đối với California.
“Có rất nhiều người khác đang làm điều tương tự [như ông Southall], nhưng câu chuyện của họ không được kể ra,” anh nói. “… Tương lai của California nằm trong tay những người này. Nếu tôi có thể giúp chia sẻ câu chuyện của họ, thì câu chuyện này có thể sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người dân California hơn làm điều tương tự.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times