Rò rỉ tài liệu tiết lộ lệnh của Trung Cộng về đánh cắp công nghệ nước ngoài
Một loạt tài liệu Chính phủ bị rò rỉ mà thời báo The Epoch Times thu được gần đây cho thấy chính quyền Trung Cộng đã tài trợ cho các dự án nhằm thu được các công nghệ tiên tiến của nước ngoài thông qua quan hệ đối tác với các tổ chức nghiên cứu quốc tế. Hồ sơ công khai cho thấy Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đứng sau những nỗ lực này.
Ngân sách dành cho ‘Chuyển giao’ Công nghệ Nước ngoài
Hiệp hội trao đổi nhân tài quốc tế Hồ Bắc (hay còn gọi là Trung tâm chuyển giao công nghệ quốc tế) được thành lập năm 1988 tại tỉnh Hồ Bắc. Nó có hơn 200 dự án kỹ thuật quốc tế và hơn 300 chuyên gia nước ngoài, bao phủ hơn 10 lĩnh vực, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông thông tin, sinh học, y tế, và sức khỏe.
Tổ chức đã ban hành một báo cáo, “Mẫu đánh giá hiệu quả hoạt động dự án ngân sách tỉnh Hồ Bắc” vào ngày 17 tháng 11, trong đó nêu rõ rằng nhóm nhằm “giới thiệu công nghệ tiên tiến của nước ngoài… và thực hiện chuyển giao công nghệ [sang Trung Quốc].”
Để đạt được mục tiêu đó, văn kiện chỉ rõ tổ chức sẽ mở rộng các kênh hợp tác với ít nhất 50 tổ chức quốc tế; thiết lập tối thiểu bốn hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế; duy trì ít nhất 50 dự án công nghệ nước ngoài; đạt được ít nhất năm thỏa thuận ý định hợp tác; và nhắm mục tiêu tuyển dụng từ 60 đến 80 chuyên gia kỹ thuật nước ngoài.
Báo cáo đưa ra ngân sách 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 153 ngàn USD) cho hiệp hội để tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài và tài trợ cho các dự án mà họ sẽ thiết lập ở Hồ Bắc. Nó cũng dự kiến đạt lợi nhuận 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.53 triệu USD) có thể đạt được bằng cách “chuyển giao” công nghệ tiên tiến của nước ngoài cho các công ty Trung Quốc ở Hồ Bắc.
Mục đích của việc chuyển giao công nghệ nước ngoài đã được đề cập trong một báo cáo khác được phát hành cùng thời điểm, có tiêu đề, “Kế hoạch sử dụng quỹ trợ cấp đặc biệt để xây dựng cơ sở hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế Hồ Bắc”. Báo cáo cho biết, công nghệ nước ngoài sẽ nâng cấp công nghệ của Hồ Bắc, cải tiến sản phẩm, và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế.
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Li Linyi, nói với The Epoch Times rằng sáng kiến này là một kế hoạch béo bở và là một kế hoạch trắng trợn nhằm đánh cắp công nghệ tiên tiến và tài sản trí tuệ từ các nước khác để mang lại lợi ích cho chế độ Trung Cộng.
Theo hồ sơ công khai, Hiệp hội Trao đổi Nhân tài Quốc tế Hồ Bắc hoạt động dưới sự điều hành của Hiệp hội Trao đổi Nhân sự Quốc tế Trung Quốc (CAIEP). CAIEP được quản lý trực tiếp bởi Cục Quản lý Nhà nước về Các vấn đề Chuyên gia Nước ngoài, một cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ của chính quyền Trung Cộng.
Các Học viện Giáo dục được yêu cầu ‘chuyển giao’ công nghệ nước ngoài
Các quan chức quản lý giáo dục Hồ Bắc cũng đã đặt ra các yêu cầu và mục tiêu để có được các công nghệ nước ngoài thông qua “Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Quốc tế thuộc Đại học Công nghệ Hồ Bắc,” ban hành vào năm 2019. Thời báo The Epoch Times đã có được bản sao của tài liệu này.
Một số hướng dẫn bao gồm thiết lập trang web của trung tâm chuyển giao công nghệ quốc tế; “Giới thiệu mạnh mẽ” các tài năng công nghệ cao quốc tế, đội ngũ quản lý cấp cao và các nguồn lực công nghệ tiên tiến; Tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ “toàn diện”; và “cải tiến các hệ thống làm việc khác nhau trong công tác chuyển giao công nghệ quốc tế.”
Ví dụ, Đại học Kỹ thuật Hồ Bắc đã thiết lập quan hệ đối tác với các trường quốc tế để phát triển các dự án khoa học và công nghệ cao cấp, như được nêu trong báo cáo của mình, “Căn cứ Phòng thủ Trung tâm Quốc tế Hồ Bắc,” phát hành vào ngày 21 tháng 11 năm nay.
Trong phần “Các Đơn vị Hợp tác và Nhóm Nghiên cứu” của tài liệu, trường đại học đã hợp tác với Le Mans Université và Université Paris-Saclay ở Pháp, University College London ở Anh, và Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.
Tài liệu lưu ý rằng University College London là trường đại học khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, được xếp hạng trong số 10 trường đại học hàng đầu trên thế giới; và Giáo sư P. Picart tại Đại học Le Mans là một chuyên gia nổi tiếng về công nghệ tạo ảnh 3 chiều holographic.
Hồi chuông Báo động
Vào tháng 10 năm nay, tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm của Trung Cộng, lãnh đạo Đảng, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “khoa học và công nghệ độc lập” và “tăng cường nghiên cứu cơ bản và tập trung vào đổi mới ban đầu” trong bài phát biểu của mình.
Các nhà phân tích nhận xét rằng những phát biểu của ông Tập là phản ứng trước sự chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế liên quan đến việc Trung Cộng đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ từ các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Vào ngày 9 tháng 12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo đã có bài phát biểu tại Viện Công nghệ Georgia, trong đó ông đã chỉ trích Trung Cộng đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ từ các quốc gia khác. Ông tuyên bố, “Phần lớn cơ sở công nghiệp cao cấp bên trong Trung Cộng là dựa trên công nghệ bị đánh cắp, hoặc công nghệ mua từ các quốc gia khác. Nó không phải là cây nhà lá vườn (không phải do họ phát minh ra).”
Alex Hu
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: