Rò rỉ tài liệu cho thấy Bắc Kinh có ý định quân sự hóa Quần đảo Solomon
Một tài liệu chính thức bị rò rỉ đã tiết lộ rằng Bắc Kinh có ý định thiết lập hiện diện quân sự ở Quần đảo Solomon, bất chấp phủ nhận từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hôm 01/04, bộ này gọi những lo ngại như vậy là “vô căn cứ và có ý đồ xấu.”
Bức thư bày tỏ ý định bị rò rỉ là từ Avic International Project Engineering Co. – một công ty hàng không nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh [là công ty con của Tập đoàn Công nghệ Hàng không Trung Quốc AVIC] – gửi tới Thủ hiến Leslie Kikolo của tỉnh Isabel thuộc Quần đảo Solomon vào ngày 29/09/2020.
Do news.com.au thu thập được, bức thư này đã được chủ tịch công ty Tiền Vinh (Rong Qian) ký và mở đầu bằng đoạn sau:
“Chúng tôi, Công ty Kỹ thuật Dự án AVIC-INTL … gửi thư này để thể hiện ý định của chúng tôi trong việc nghiên cứu cơ hội phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và hải quân trên đất thuê cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Tỉnh Isabel với thời gian độc quyền 75 năm.”
Ông Tiền cũng hứa hẹn các cơ hội đào tạo nghề rộng rãi sẽ được thành lập tại tỉnh này mà có thể giúp Quần đảo Solomon cải thiện “trình độ học vấn và hợp tác quân sự với Trung Quốc.”
Những tiết lộ mới nhất được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Quần đảo Solomon liên tục phủ nhận rằng một thỏa thuận an ninh “được ký kết” gần đây cho thấy Bắc Kinh thiết lập hiện diện quân sự lâu dài trong khu vực tương tự như ba hòn đảo được quân sự hóa hoàn toàn ở Biển Đông.
Vị trí của Quần đảo Solomon, nơi xảy ra giao tranh gay gắt giữa quân đội Nhật Bản và Hoa Kỳ trong trận Guadalcanal suốt Đệ nhị Thế chiến, rất quan trọng vì ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển trong khu vực.
Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon tuyên bố rằng sẽ không có sự hiện diện của hải quân hoặc quân sự trong khu vực này.
“Sẽ không có lợi cho Quần đảo Solomon khi có bất kỳ căn cứ hải quân hoặc quân sự của bất kỳ quốc gia nào, bởi vì điều đó sẽ ngay lập tức biến Quần đảo Solomon trở thành mục tiêu quân sự của các quốc gia khác,” ông nói hôm 06/04, trong những bình luận mà Solomon Times thu được.
Thỏa thuận gây tranh cãi trên, vốn cho phép Bắc Kinh cử lực lượng để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở quần đảo Solomon,” đã làm dấy lên lo ngại từ các quốc gia láng giềng.
Ông David Panuelo, chủ tịch của Liên bang Micronesia, đã kêu gọi ông Sogavare “trân trọng từ chối và cân nhắc sâu sắc nhất” về hậu quả lâu dài của thỏa thuận này.
Ông Panuelo nói trong một tuyên bố rằng, “Dù thỏa thuận an ninh song phương của ông có thể chỉ là vấn đề giữa quốc gia của ông và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), thì sự tồn tại của nó sẽ tuyệt đối ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia gọi ‘Thái Bình Dương Xanh’ là quê hương của họ. Liên bang Micronesia không thể tán thành hoặc đồng ý nếu quyết định của ông là tiến hành một mối quan hệ an ninh với CHND Trung Hoa vì những tác động sâu rộng và an ninh nghiêm trọng của nó đối với Lục địa Thái Bình Dương xanh hài hòa và yên bình của chúng ta.”
Giáo sư Anne-Marie Brady, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Canterbury ở New Zealand, cáo buộc Bắc Kinh “liên tục” cố giành quyền tiếp cận các phi trường và cảng quan trọng về mặt quân sự trong khu vực – hiện họ đang tìm cách xây dựng lại phi trường ở quốc gia Thái Bình Dương của Kiribati.
Bà Brady viết trên Twitter rằng, “Trung Quốc cung cấp vũ khí, phương tiện quân sự và tàu thuyền, quân phục, chương trình huấn luyện và các tòa nhà quân sự” cho các lực lượng vũ trang của Fiji, Papua New Guinea, Tonga, Vanuatu và giờ đây là Quần đảo Solomon.
Bà nói, “Trung Quốc sử dụng các tàu hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) để tiến hành các chuyến đi quân sự thường xuyên tới Thái Bình Dương. Các tàu do thám vũ trụ Viễn Vọng (Yuanwang) của PLA khai triển tới Thái Bình Dương trong các vụ phóng hỏa tiễn và vệ tinh, sử dụng Papeete (thủ đô của Polynesia thuộc Pháp) và Suva (thủ đô của Fiji) làm các cảng căn cứ của họ.”
“Trung Quốc đang sử dụng các đại sứ quán ở Thái Bình Dương làm địa điểm cho các trạm mặt đất của [hệ thống định vị] Bắc Đẩu. Giống như GPS, nó là một công nghệ quân sự rất quan trọng để nhắm bắn bằng hỏa tiễn.”
Các tài liệu bị rò rỉ này được tiết lộ khi Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp nhau tại Brussels, nơi họ thảo luận về những lo ngại an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, ứng phó với COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: