Quyền tự do kinh doanh giảm dần khi Trung Cộng mở rộng vai trò của mình trong các công ty
Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Cộng đang tăng cường kiểm soát nền kinh tế bằng cách thành lập các chi bộ đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân, công ty liên doanh, và công ty ngoại quốc, cả trong và ngoài nước.
Thông qua luật an ninh mạng, đảng có thể có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu, thậm chí cả dữ liệu do các công ty ngoại quốc nắm giữ. Và thông qua sự xâm nhập của các đảng viên, Trung Cộng có thể đặt những tai, mắt, và bàn tay trung thành vào các công ty và cơ quan nghiên cứu trên khắp thế giới.
Luật Công ty năm 1993 yêu cầu cả các công ty ngoại quốc và công ty trong nước ở Trung Quốc phải thành lập các chi bộ của Trung Cộng. Vào những năm 2000, cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân đã kêu gọi đảng này đại diện cho tầng lớp doanh nhân, những người từng bị coi là kẻ thù của người dân. Gần đây, các chi nhánh của Trung Cộng trong doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên đáng kể. Dưới thời ông Tập, có vẻ như đất nước đang chuyển sang một chính sách kinh tế kiểu cũ, nơi Trung Cộng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong các công ty.
Khi Trung Cộng sửa đổi điều lệ vào năm 2017, từ ngữ đã được thêm vào, mở rộng phạm vi kiểm soát của Trung Cộng: “đảng, chính phủ, quân đội, xã hội và giáo dục, đông, tây, nam và bắc, đảng lãnh đạo tất cả mọi thứ”. Sự kiểm soát của đảng đối với các công ty tư nhân có nghĩa là công ty phải có một bộ phận gồm ba đảng viên để thành lập một Chi bộ của đảng Cộng sản. Nhiều công ty tư nhân quá nhỏ để tuân thủ, nhưng tính đến năm 2021, khoảng 48.3% công ty tư nhân và 92% trong số 500 công ty Trung Quốc có các đơn vị đảng. Kể từ năm 2018, tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán bắt buộc phải có một Chi bộ đảng.
Ban đầu, vai trò của các đơn vị của đảng là tuyển đảng viên mới, hỗ trợ phúc lợi, và tổ chức các buổi học tập và đào tạo, cũng như các cuộc tụ họp xã hội. Gần đây, nhiệm vụ của chi bộ đảng đã được mở rộng để kết nạp các doanh nhân vào đảng. Chi bộ đảng cũng duy trì cơ sở dữ liệu với hồ sơ của nhân viên và người quản lý để biết ai là người trung thành. Ngoài ra, chi bộ đảng phải giáo dục doanh nhân, đảm bảo rằng các doanh nhân không đánh mất các giá trị xã hội chủ nghĩa. Việc giáo dục này bao gồm việc hướng dẫn các doanh nhân làm việc và cư xử sao cho vừa lòng đảng. Các công ty tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ công nhận vai trò lãnh đạo của đảng trong điều lệ của.
Các công ty lớn phải tuyển một bí thư đảng và các công nhân, cho phép các đại diện đảng này có ảnh hưởng đáng kể đến việc tuyển dụng và các quyết định khác. Các quy tắc này áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, các công ty tư nhân của Trung Quốc, các công ty niêm yết, và các công ty ngoại quốc.
Để tăng cường kiểm soát khu vực tư nhân, Trung Cộng hành động thông qua Mặt trận Thống nhất, một đơn vị chịu trách nhiệm gia tăng ảnh hưởng và sự kiểm soát của đảng ở cả trong và ngoại quốc. Mặt trận Thống nhất đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các công dân tư nhân, doanh nhân, nhân viên nhà nước, thậm chí cả các nhà đầu tư và các bên có liên quan. Có vẻ như ông Tập ủng hộ khu vực nhà nước, nhưng sẽ ưu tiên cho các công ty hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Trung Cộng, thưởng cho họ bằng các nguồn lực tài chính và chính sách.
Vào năm 2020, chính sách đã bắt buộc cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đều phải đưa nội dung về đảng vào điều lệ. Cùng năm này, Mặt trận Thống nhất xuất bản một bài báo, có tiêu đề, “Ý kiến về Tăng cường Công tác Mặt trận Thống nhất của Kinh tế Tư nhân trong Kỷ nguyên Mới,” trong đó kêu gọi Mặt trận Thống nhất giúp tạo ra “một hệ thống doanh nghiệp nhà nước hiện đại với các đặc điểm của Trung Quốc,” lặp lại lời của ông Tập trong một bài phát biểu năm 2016. Thuật ngữ “đặc điểm Trung Quốc”, ông Tập giải thích, có nghĩa là kết hợp đảng vào việc quản lý và ra quyết định của công ty.
Ông Ye Qing, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại toàn Trung Quốc, sau đó đã mở rộng lời kêu gọi này đến các công ty tư nhân, khuyến khích xây dựng khu vực tư nhân hiện đại với đặc điểm Trung Quốc. Điều này có nghĩa là cho phép đảng không chỉ có quyền kiểm soát việc tuyển dụng và sa thải mà còn thực hiện kiểm toán và giám sát hành vi nội bộ.
Trung Cộng đã xác định rằng các dự án của Trung Quốc ở ngoại quốc cũng sẽ có chi bộ đảng, điều này sẽ làm dấy lên một số lo ngại ở các nước khác về ảnh hưởng chính trị của ngoại bang. Ở Trung Quốc, các công ty liên doanh dự kiến sẽ duy trì một chi bộ đảng. Đối tác ngoại quốc tham gia liên doanh phải chấp nhận rằng chi bộ đảng này có thể gây ảnh hưởng hoặc đưa ra quyết định hoàn toàn cho phía Trung Quốc trong liên doanh.
Trong khi đó, luật an ninh mạng của Trung Quốc yêu cầu tất cả các công ty, bao gồm cả các công ty ngoại quốc, phải chuyển giao dữ liệu cho Chính phủ Trung Quốc. Điều này làm nảy sinh các vấn đề thực sự về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của khách hàng và nhân viên. Đối với một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (WFOE), việc phải đăng ký và đóng tiền cho một chi bộ đảng có vẻ xa lạ.
Theo danh sách 1.95 triệu đảng viên, bị rò rỉ cho Liên minh Nghị viên về Trung Quốc, các công ty và cơ quan nghiên cứu trên khắp thế giới, bao gồm Boeing, Qualcomm và Pfizer, đều có sự xâm nhập của các thành viên Trung Cộng, những người đã tuyên thệ không bao giờ phản bội đảng và có nghĩa vụ làm tăng thêm lợi ích của nhà nước và đảng khi được yêu cầu làm như vậy.
Dưới thời ông Tập, các quyền tự do kinh doanh và xã hội dường như đang giảm dần, khi Trung Cộng mở rộng phạm vi kiểm soát và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các công ty, không chỉ giám sát và kiểm soát mà còn thu thập dữ liệu và thực sự đưa ra quyết định về nhân sự và hành vi.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: