Quốc hội Úc thông qua “luật Magnitsky”
Những kẻ vi phạm nhân quyền, quan chức tham nhũng, và những kẻ tấn công mạng sẽ bị cấm đến Úc và chi tiêu những đồng tiền bất chính của họ ở quốc gia này sau khi Quốc hội Úc thông qua một luật kiểu Magnitsky.
Với tên gọi là Dự luật Autonomous Sanctions Amendment (Các biện pháp Trừng phạt theo Chủ đề) năm 2021, dự luật này đã được hạ viện của quốc hội Úc thông qua hôm thứ Năm (02/12).
Một phần Dự luật này dựa trên Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ, được đặt theo tên của luật sư Sergei Magnitsky, người đã phơi bày hành vi gian lận thuế nghiêm trọng của các quan chức Nga. Sau đó, ông đã bị bắt giam, bị tra tấn, và qua đời năm 2009.
Khác với các biện pháp trừng phạt thông thường, luật kiểu Magnitsky nhắm vào các cá nhân vi phạm nhân quyền và có thể phong tỏa tài sản của họ ở hải ngoại. Các mục tiêu của Dự luật này có thể là các tin tặc mạng, tướng lĩnh tham nhũng, các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hay các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.
Trong khi kêu gọi Thượng viện thông qua dự luật này, Thượng nghị sĩ Đảng Tự do James Paterson, một trong những người ban đầu ủng hộ Dự luật nói rằng trong môi trường địa chính trị hiện tại, dự luật này là “một công cụ thiết yếu trong chính sách ngoại giao của Úc, nhắm vào những người phải chịu trách nhiệm về các hành vi nghiêm trọng.”
“Như phong trào Magnitsky toàn cầu đã cho thấy, việc tước bỏ tài sản và khả năng đi lại của những kẻ vi phạm nhân quyền có thể tác động mạnh mẽ nhất đến lợi ích của họ,” ông Paterson nói. “Các biện pháp trừng phạt Magnitsky sẽ bảo đảm rằng những người chịu trách nhiệm không thể tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho bản thân hay cho tài sản của họ ở Úc.”
Ông Paterson cũng nêu bật một “sự đổi mới độc đáo của Úc” trong phiên bản này của Đạo luật Magnitsky.
“Lần đầu tiên trên thế giới, hành động của chúng ta sẽ không chỉ giúp chúng ta nhắm vào những kẻ lạm dụng nhân quyền hay có hành vi tham nhũng nghiêm trọng, mà còn nhắm cả vào những kẻ đe dọa lợi ích quốc gia của chúng ta trong lĩnh vực mạng,” ông nói. “Luật này sẽ ngày càng trở thành một công cụ quan trọng giúp định hình và ngăn chặn các đối thủ của chúng ta.”
Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết Dự luật này được đưa ra kịp thời cho nước Úc, vì ngày càng có nhiều nền kinh tế tương đối hấp dẫn đã tham gia ‘phong trào Magnitsky.’
“Luật này cũng sẽ cho phép chúng ta hành động nhanh chóng hơn với các đối tác then chốt có các biện pháp trừng phạt tương tự, trong đó có Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Canada, nơi mà điều này nằm trong lợi ích quốc gia,” bà Payne nói khi giới thiệu Dự luật này để được Quốc hội thảo luận và xem xét hôm 24/11.
Hơn 20 quốc gia đã ban hành các luật tương tự đối với các cá nhân và tổ chức kể từ khi Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên thông qua Đạo luật này, theo trang web của quốc hội Úc.
Dự luật đã giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại thượng viện.
Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Kimberley Kitching nói tại Thượng viện: “Trong thời đại của các chế độ do những kẻ cặn bã của nhân loại điều hành ngày nay… những kẻ tra tấn, bỏ tù và sát hại chính những công dân dám làm nhụt ý chí của họ, những kẻ thích gây ra nỗi sợ hãi, những kẻ cướp đi hy vọng và nhân tính, đẩy người dân vào các trại tập trung.”
“Nếu quý vị hiểu được vẻ đẹp của việc được là một con người, của sự sống và sự sống còn; nếu quý vị tin vào phẩm giá của con người, thì quý vị không thể thực sự cho phép những điều xấu xa như vậy tiếp tục xảy ra một cách vô độ.”
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ phận Ngoại giao Đảng Lao động Penny Wong đã chỉ trích chính phủ vì sự chậm trễ trong việc thông qua dự luật này.
“Sự chậm trễ của chính phủ Morrison trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kiểu Magnitsky đã gửi đi một thông điệp đáng tiếc,” bà Wong nói trước Thượng viện.
“Rằng Úc không cam kết hành động và chúng ta không coi trọng việc chấm dứt hành vi vi phạm nhân quyền.”
Các nhân viên Epoch Times tại Sydney thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: