Quốc hội thông qua dự luật ngăn chặn đóng cửa chính phủ trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng
Tại Thượng viện hôm 30/09, Đảng Cộng Hòa đã cùng Đảng Dân Chủ thông qua dự luật tạm thời để tài trợ cho chính phủ đến hết tháng 12, ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ dự kiến sẽ bắt đầu vào những giờ đầu của ngày 01/10. Hạ viện sau đó đã thống nhất với Thượng viện, bỏ phiếu với tỷ lệ 254–175 để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.
Tuy nhiên, dự luật này không giải quyết được mức trần nợ mà Đảng Cộng Hòa cho biết họ sẽ không bỏ phiếu để nâng lên.
Hôm 27/09, các thành viên Đảng Cộng Hòa đã thể hiện sự đồng thuận khi chống lại một dự luật mà có thể sẽ nâng trần nợ, bỏ phiếu với tỷ lệ 50–49 để ngăn chặn cuộc tranh luận về dự luật này.
Luật sẽ đưa ra hàng tỷ USD chi tiêu mới cho các cuộc khủng hoảng đang diễn ra từ hậu quả của cơn bão Ida và sự kiện hàng ngàn người nhập cư đặc biệt của Afghanistan được gấp rút di tản khỏi nước này. Một việc cấp bách hơn là luật này sẽ kéo dài thời hạn tài trợ của chính phủ đến ngày 03/12.
Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) nhấn mạnh rằng Đảng Cộng Hòa ủng hộ các yếu tố này của dự luật, nhưng sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ dự luật tăng trần nợ nào.
Đảng Cộng Hòa vẫn phản đối việc nâng trần nợ công
Với hy vọng ngăn chặn việc đóng cửa [chính phủ], các thành viên Đảng Dân Chủ đã giới thiệu một dự luật tạm thời mới “sạch” mà sẽ không tăng trần nợ. Giống như dự luật trước đó, dự luật tạm thời mới được thông qua này sẽ cung cấp hàng tỷ USD cho công tác cứu trợ bão và cuộc khủng hoảng nhập cư đặc biệt của Afghanistan, cũng như kéo dài thời hạn tài trợ cho chính phủ.
Dự luật này đã được Thượng viện thông qua vào ngày 30/09, trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 65–35 chỉ vài giờ trước khi chính phủ đóng cửa.
Mặc dù ông McConnell cảm thấy hài lòng với hành động thông qua dự luật sạch để ngăn chặn chính phủ đóng cửa, nhưng ông vẫn tiếp tục nhấn mạnh, giống như Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), rằng Đảng Cộng Hòa sẽ không ủng hộ việc nâng trần nợ.
Ông McConnell nói trước cuộc bỏ phiếu, “Về việc tài trợ cho chính phủ, những gì Đảng Cộng Hòa đặt ra là một giải pháp tiếp tục sạch sẽ không nhiễm độc tố của việc nâng giới hạn nợ. Đó chính xác là những gì chúng ta sẽ thông qua ngày hôm nay.”
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), người đã giới thiệu dự luật thay thế mới này cho Thượng viện, nói về cuộc bỏ phiếu: “Đây là một kết quả tốt, tôi rất vui vì chúng ta đã làm được. Với rất nhiều điều đang xảy ra ở đây tại Hoa Thịnh Đốn, điều cuối cùng mà người dân Mỹ cần là một chính phủ ngừng hoạt động. Nhưng, tất nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Cũng như các đồng sự Đảng Cộng Hòa của chúng tôi nhận ra rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ là một thảm họa, họ nên nhận ra rằng tình trạng vỡ nợ quốc gia sẽ còn tồi tệ hơn.”
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã nói rằng trong khi Bộ Ngân khố đang sử dụng “các dự luật đặc biệt” để tiếp tục cấp vốn cho chính phủ, các dự luật này sẽ hết hiệu lực và chính phủ sẽ buộc phải vỡ nợ vào giữa tháng 10 nếu trần nợ không được nâng lên. Bà Yellen cảnh báo điều đó sẽ trở thành một “thảm họa,” một đánh giá được các nhà phân tích tài chính tại Tổ chức Moody’s và Ngân hàng JP Morgan đồng ý.
Bốn mươi sáu thành viên Đảng Cộng Hòa đã giải thích sự phản đối của họ đối với việc tăng mức trần trong một bản kiến nghị mà họ đã ký tên do Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) soạn thảo. Bản kiến nghị này khẳng định rằng Đảng Dân Chủ đang ở trong một “vòng xoáy chi tiêu thâm hụt chưa từng có” và Đảng Cộng Hòa cho biết họ từ chối cho phép chi tiêu như vậy bằng cách nâng trần nợ.
Thay vào đó, Đảng Cộng Hòa đã nhấn mạnh rằng Đảng Dân Chủ [hãy tự] sử dụng quy trình điều chỉnh [ngân sách] (budget reconciliation process) nếu họ muốn nâng giới hạn nợ.
Quy trình điều chỉnh ngân sách là quy trình cho phép một số dự luật liên quan đến thu nhập và chi tiêu của liên bang vượt qua ngưỡng 60 phiếu bầu thường cần có để bắt đầu tranh luận về một dự luật tại Thượng viện. Hiện tại, Đảng Dân Chủ đang sử dụng quy trình này để thông qua ngân sách gây tranh cãi của họ, vốn có giá tổng cộng là 3.5 ngàn tỷ USD.
Trong đơn kiến nghị của mình, ông Johnson lập luận rằng Đảng Dân Chủ “có năng lực để… đơn phương nâng trần nợ [thông qua quy trình điều chỉnh ngân sách], và họ không nên được cho phép để giả bộ là không có.”
Trong một cuộc họp báo hôm 28/09, ông Schumer đã bác bỏ phương hướng hành động này.
Ông nói: “Thực hiện quy trình điều chỉnh [ngân sách] là rủi ro đối với đất nước và không có triển vọng thành công,” ông nói thêm rằng việc sử dụng điều chỉnh để nâng giới hạn nợ là “rất, rất rủi ro” và “chúng tôi không theo đuổi điều đó.”
Ông Cruz, người đã tham gia cùng đảng của mình trong việc ngăn chặn dự luật này hôm 27/09, khẳng định rằng Đảng Cộng Hòa sẽ duy trì sự phản kháng của họ.
“Tôi hoàn toàn mong đợi ông Schumer sẽ chịu thua,” ông Cruz nói. “Và ông ấy sẽ làm những gì mà ông ấy có thể đã làm cách đây vài tuần hoặc vài tháng, đó là [nâng] trần nợ bằng cách sử dụng phiếu bầu của Đảng Dân Chủ [thông qua điều chỉnh ngân sách]. Theo đó, Đảng Dân Chủ sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản nợ hàng ngàn tỷ USD mà họ đang gánh lên [vai] của đất nước.”
Ông Joseph Lord là một phóng viên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times, tập trung vào Đảng Dân Chủ. Ông lấy bằng Cử nhân Triết học tại Đại học Clemson và là một học giả trong Chương trình Lyceum.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: