Quốc hội thông qua các quy tắc quy định về việc kiểm đếm phiếu đại cử tri vào ngày 06/01
Hôm Chủ nhật (03/01/2021), Hạ viện và Thượng viện đã thông qua các quy tắc nêu rõ cách thức kiểm đếm phiếu của các Đại cử tri đoàn sẽ tiến hành vào ngày 06/01.
Các quy tắc đã được thông qua bằng cách bỏ phiếu không điểm danh. Thay vào đó, một cuộc bỏ phiếu bằng miệng đã được sử dụng ở lưỡng viện.
Bộ quy tắc hướng dẫn do Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) trình bày, cho biết lưỡng viện sẽ họp trong một Phiên họp chung vào ngày 06/01 do Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì.
Các quy tắc nêu rõ, Phó TT Pence, với tư cách là chủ tịch của Thượng viện, sẽ mở “tất cả các giấy chứng nhận và tài liệu có nội dung chứng nhận cho các phiếu đại cử tri,” một sự tán thành cho cách mà 7 tiểu bang đã gửi đến Hoa Thịnh Đốn các đại cử tri cạnh tranh hoặc các chứng nhận, cho cả hai ứng cử viên tổng thống, ông Joe Biden của Đảng Dân Chủ và Tổng thống Donald Trump.
Các giấy chứng nhận và tài liệu sẽ được mở, đệ trình và thực hiện theo thứ tự bảng chữ cái, bắt đầu với tiểu bang Alabama.
Đó là lúc mà hàng chục đảng viên Đảng Cộng Hòa — 50 dân biểu và 12 thượng nghị sỹ, theo một thống kê của The Epoch Times — sẽ lên kế hoạch phản đối một số giấy chứng nhận đại cử tri, cáo buộc những điều bất bình thường trong cuộc bầu cử bao gồm gian lận cử tri và không tuân theo các luật lệ bầu cử của tiểu bang.
Điều này sẽ sẽ dẫn đến việc rút khỏi Phiên họp chung, và sẽ có một cuộc tranh luận kéo dài hai giờ, cùng với việc bỏ phiếu tại mỗi viện. Chỉ với số phiếu chiếm đa số từ cả Hạ viện lẫn Thượng viện thì sự phản đối mới được xác nhận, điều mà ngay cả những người ủng hộ cũng thấy khó xảy ra, vì Đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ viện và lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, bao gồm cả ông McConnell, đã bày tỏ sự không đồng tình với kế hoạch phản đối này.
Trong một bức thư gửi cho các đồng nghiệp hôm Chủ nhật (03/01), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã lưu ý rằng sự phản đối có thể xảy ra nhưng bà cho biết rằng vào cuối ngày (06/01), ông Biden “sẽ chính thức được tuyên bố là tổng thống tiếp theo.”
“Vào thứ Hai (04/01), chúng ta sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn về việc có bao nhiêu phiếu bầu của tiểu bang sẽ bị phản đối. Lựa chọn của chúng ta là không sử dụng diễn đàn để tranh luận về nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump,” bà nói thêm.
Hôm Chủ nhật (03/01), các dân biểu Ron Estes (Cộng Hòa-Kansas), Tracey Mann (Cộng Hòa-Kansas) và Jacob LaTurner (Cộng Hòa-Kansas) cho biết họ sẽ tham gia phản đối. Họ nói trong một tuyên bố rằng một số tiểu bang đang “đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về hành vi gian lận cử tri và vi phạm luật lệ tiểu bang của họ.”
Các dân biểu này cho biết thêm, “Chúng ta không nên xem thường hành động này và điều này diễn ra sau một quá trình nghiên cứu và tìm hiểu sâu rộng. Người dân Kansas xứng đáng được biết rằng tất cả các phiếu bầu hợp pháp và chỉ có phiếu bầu hợp pháp được tính. Chúng tôi hy vọng hành động của chúng tôi sẽ bắt đầu khôi phục niềm tin của hàng chục triệu người dân Hoa Kỳ của chúng tôi, những người tin rằng quyền bầu cử thiêng liêng của họ đang bị tấn công.”
Các dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) và Richard Hudson (Cộng Hòa-North Carolina) cũng tuyên bố hôm Chủ nhật (03/01) rằng họ sẽ phản đối.
Tuy nhiên, 7 dân biểu của Đảng Cộng Hòa, bao gồm một số người ủng hộ TT Trump mạnh mẽ, cho biết họ sẽ không tham gia vào nỗ lực này và sẽ bác bỏ hành động này.
“Trong số 6 tiểu bang mà những chất vấn đã được nêu ra, thì có 5 tiểu bang có cơ quan lập pháp do đảng Cộng Hòa kiểm soát, và họ đều có quyền gửi một nhóm phiếu đại cử tri mới tới Quốc hội nếu họ cho rằng hành động đó phù hợp với luật của tiểu bang. Trừ khi điều đó xảy ra từ giờ cho đến ngày 06/01/2021, Quốc hội sẽ không có quyền ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020,” nhóm các dân biểu này viết trong một tuyên bố.
“Nếu có hành động ngược lại – tức là đưa Quốc hội vào trung tâm của quá trình bầu cử tổng thống một cách vi hiến – sẽ chính là đánh cắp quyền lực từ người dân và các tiểu bang. Trên thực tế, nó sẽ thay thế Đại cử tri đoàn bằng Quốc hội, và do đó sẽ tiếp sức cho nỗ lực của những người khuynh tả, những người quyết tâm loại bỏ nó [cuộc bỏ phiếu đại cử tri] hoặc khiến nó không còn phù hợp.”
Cuối tuần vừa qua đã chứng kiến một làn sóng hành động, với 11 thượng nghị sỹ theo sau Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) tuyên bố họ sẽ tham gia phản đối trừ khi Quốc hội chỉ định một ủy ban để kiểm tra các cáo buộc về những điều bất bình thường trong bầu cử. Ý tưởng này được mô phỏng dựa trên ban hội thẩm được thành lập vào năm 1877 trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi.
Tuyên bố ngày 30/12/2020 của Thượng nghị sỹ Hawley đã khiến một số thành viên Hạ viện thông báo ý định phản đối của họ. Số lượng dự định làm như vậy đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đó.
Một bộ phận đảng viên Đảng Cộng Hòa đang tập trung vào vai trò của Phó TT Pence trong quá trình tố tụng. Họ đã kiện phó tổng thống và yêu cầu một tòa án ra phán quyết rằng ông có “thẩm quyền độc quyền” để quyết định giữa các đại cử tri đấu tay đôi.
Một thẩm phán đã bác bỏ vụ kiện và một tòa phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo.
Phó TT Pence đã yêu cầu tòa án bác bỏ đơn kiện nhưng thông qua một phát ngôn viên hôm thứ Bảy cho biết rằng ông ủng hộ các nỗ lực để phản đối các phiếu đại cử tri.
“Phó Tổng thống Pence chia sẻ những lo ngại của hàng triệu người dân Hoa Kỳ về gian lận cử tri và những điều bất bình thường trong cuộc bầu cử vừa qua,” Chánh văn phòng của Phó TT Pence, ông Marc Short, cho biết trong thông cáo gửi đến các hãng thông tấn.
Zachary Stieber
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: