Quốc hội Hoa Kỳ tránh được nguy cơ đóng cửa chính phủ
Với dự luật tài trợ tạm thời thứ hai, Quốc hội đã ngăn chặn được việc chính phủ đóng cửa. Biến chuyển này đã tạo tiền đề cuộc chiến chi tiêu giữa Hạ viện và Thượng viện vào đầu năm mới.
Chính phủ liên bang sẽ vẫn hoạt động khi vào cuối ngày thứ Tư (15/11), Thượng viện đã cùng Hạ viện thông qua một dự luật tài trợ tạm thời nhằm gia hạn việc tài trợ của năm trước theo hai giai đoạn cho đến ngày 02/02 năm tới.
Dự luật này đã được thông qua với tỷ lệ 87-11 ở Thượng viện và hiện đang được chuyển tới Tổng thống Joe Biden để ký phê chuẩn.
Tại Thượng viện, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật này trước khi luật được Thượng viện thông qua.
“Tôi có một tin tốt cho người dân Mỹ: tối thứ Sáu này, chính phủ sẽ không phải đóng cửa,” ông Schumer nói, đồng thời xem dự luật này, hay còn gọi là nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR), là “một kết quả tuyệt vời.”
Ông Schumer nói thêm, “Tôi rất vui khi Chủ tịch Hạ viện Johnson nhận ra rằng ông ấy cần phiếu bầu của Đảng Dân Chủ để tránh cho chính phủ bị đóng cửa. Nếu Chủ tịch Hạ viện sẵn sàng làm việc với các thành viên Đảng Dân Chủ và chống lại sự cám dỗ từ phe cực hữu trong Hạ viện, thì chúng ta có thể tránh được việc đóng cửa trong tương lai và hoàn thành công việc tài trợ cho chính phủ.”
Ông Schumer nói thêm rằng CR do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đề xướng là “bước khởi đầu tốt đẹp và là một điềm báo rất tốt cho tương lai.”
Dự luật CR “theo bậc thang” kể trên sẽ tài trợ cho bốn lĩnh vực rộng lớn của chính phủ liên bang cho đến ngày 19/01 năm tới và tám lĩnh vực còn lại cho đến ngày 02/02 năm tới. Điều này cho phép Quốc hội có thêm từ 60 đến 75 ngày nữa để hoàn thành 12 dự luật chi tiêu mà hạn chót vốn là ngày 30/09.
Hạ viện đã thông qua dự luật bậc thang này hôm 14/11 trước sự phản đối của 93 thành viên Đảng Cộng Hòa, những người đã từ chối tiếp tục mức tài trợ cho năm 2023 và các ưu tiên do Đảng Dân Chủ đề ra gần một năm trước.
Việc gia hạn xảy ra trong bối cảnh có những nỗ lực không ngừng từ những người có quan điểm thắt chặt tài khóa trong phái bảo tồn truyền thống tại Hạ viện nhằm giảm đi những gì họ xem là chi tiêu liên bang vượt mức và nhằm cải tổ cách mà Quốc hội đưa ra các quyết định chi tiêu.
Chậm trễ
Trong 50 năm qua, chỉ bốn lần Quốc hội hoàn thành được cả 12 dự luật chi tiêu cần thiết trước thời hạn 30/09, ngày cuối cùng của năm tài khóa. Điều đó dẫn đến việc sử dụng gần như liên tục các nghị quyết chi tiêu tạm thời, sau đó là một cuộc bỏ phiếu thuận hay chống đối với một dự luật tổng hợp lớn duy nhất để tài trợ cho toàn chính phủ.
Quyết tâm phá vỡ vòng luẩn quẩn đó, các nghị sĩ có quan điểm thắt chặt tài khóa của Đảng Cộng Hòa đã thúc đẩy Hạ viện quay trở lại trật tự bình thường, theo đó các dân biểu được phép có tối thiểu ba ngày để xem xét dự luật, có quyền yêu cầu dự luật được một ủy ban xem xét kỹ lưỡng, và có cơ hội tranh luận về luật và đề ra các sửa đổi ngay từ bước Hạ viện.
Đồng thời, họ đã đấu tranh để giảm chi tiêu liên bang và cùng với đó là khoản nợ liên bang đang ngày càng phình to. Đảng Cộng Hòa đã thúc đẩy việc quay trở lại mức chi tiêu trước đại dịch cho năm 2024, mặc dù cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã đồng ý với mức cắt giảm chi tiêu nhỏ hơn trong các cuộc đàm phán về mức trần nợ với Tổng thống Biden.
Năm nay, việc thông qua 12 dự luật chi tiêu bắt buộc đã bị trì hoãn bởi một số yếu tố, bao gồm cả việc tổng thống trì hoãn một tháng trong việc đề ra yêu cầu ngân sách thường niên và các cuộc đàm phán kéo dài về việc nâng giới hạn nợ quốc gia.
Mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cũng gây ra sự chậm trễ do bất đồng về mức độ kiên quyết trong việc theo đuổi nghị trình của Đảng Cộng Hòa, đồng thời việc cựu Chủ tịch Hạ viện bị bãi nhiệm cũng khiến hoạt động của Hạ viện bị đình trệ trong ba tuần vào tháng Mười.
Quốc hội hiện có 65 ngày để hoàn thành công việc về bốn dự luật chi tiêu cho các lĩnh vực thuộc Bộ Nông nghiệp, Năng lượng và Nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị, Xây dựng Quân đội, và Bộ Cựu chiến binh. Tám dự luật còn lại phải được hoàn thành sau đó 13 ngày.
Đảng Cộng Hòa chiếm thế đa số tại Hạ viện và đã thông qua bảy trong số 12 dự luật, chiếm hơn 75% chi tiêu tùy ý. Tuy nhiên, tân Chủ tịch Hạ viện, Dân biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận về năm dự luật còn lại.
Xung đột nhen nhóm
Khi Hạ viện trở lại làm việc vào ngày 28/11, ông Johnson có thể sẽ nhanh chóng sửa đổi ba dự luật không nhận được sự ủng hộ, đó là các dự luật tài trợ cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị; Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan; cũng như Dịch vụ Tài khóa và Chính phủ nói chung.
Thượng viện đã thông qua ba dự luật chi tiêu trong một cuộc bỏ phiếu duy nhất cho khoảng 17% khoản chi tiêu tùy nghi. Cả hai viện phải thống nhất về những mức chi tiêu này trước khi các dự luật có thể được ký thành luật.
Ông Johnson cho biết ông đặt mục tiêu hoàn thành các phiên bản Hạ viện của những dự luật này trước khi Thượng viện hoàn thành để có được vị thế đàm phán vững chắc.
Những người có quan điểm thắt chặt tài khóa đã nhấn mạnh quan điểm đó, trong đó có Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas), người đã chỉ trích việc thông qua dự luật tài trợ tạm thời không phản ánh các ưu tiên của Đảng Cộng Hòa ngay trước Lễ Tạ Ơn.
“Nếu là tôi thì tôi sẽ nhét vào cổ Thượng viện Hoa Kỳ một dự luật tài trợ bao gồm [viện trợ cho] Israel và thách ông Chuck Schumer đóng cửa chính phủ rồi về nhà ăn gà tây,” ông Roy nói trong phần trình bày đầy nhiệt huyết hôm 15/11 tại phòng họp Hạ viện.
Cuộc chiến giữa Hạ viện và Thượng viện có thể sẽ gói gọn trong hai điểm, đó là tổng mức chi tiêu tùy nghi và các chương trình cụ thể bị giảm đi hoặc cắt bỏ.
Đảng Cộng Hòa đặt mục tiêu cắt giảm một phần chi tiêu tùy nghi xuống khoảng 1.5 ngàn tỷ USD bằng cách loại bỏ một số ưu tiên tài trợ và chương trình được chính phủ Tổng thống Biden ủng hộ. Một trong những khoản cắt giảm đó là thu hồi khoảng 85 triệu USD đã cung cấp cho Sở Thuế vụ (IRS) trong 10 năm tới thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát, loại bỏ các khoản giảm thuế năng lượng xanh, loại bỏ nguồn tài trợ cho các sáng kiến về sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập, cũng như cắt bỏ các chương trình xã hội.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện có thể sẽ thúc đẩy mức tổng chi tiêu cao hơn để phù hợp với Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa được thông qua hồi tháng Năm. Luật này yêu cầu cắt giảm tổng cộng 1% chi tiêu tùy nghi trong hai năm với một mức trần cho việc tăng trưởng chi tiêu trong năm tiếp theo đó.