Quốc hội Hoa kỳ thông qua gói ngân sách 2.3 nghìn tỷ USD bao gồm các chi tiêu ở nước ngoài
Quốc hội đã thông qua gói chi tiêu cuối năm trị giá 2.3 nghìn tỷ USD, trong đó bao gồm 900 tỷ USD cứu trợ đại dịch, cung cấp hàng trăm triệu USD viện trợ nước ngoài và các sáng kiến nước ngoài khác.
Dự luật dài 5,593 trang (pdf) – cho đến giờ là dự luật dài nhất từ trước đến nay – đã được hoàn thiện vào hôm Chủ Nhật (20/12) sau nhiều tháng vật lộn, cân nhắc, và thương lượng hậu bầu cử. Nó đã được thông qua ở Hạ viện và Thượng viện vào hôm thứ Hai (21/12) và dự kiến sẽ được Tổng thống Donald Trump ký thành luật trong vòng vài ngày tới.
Gói chi tiêu này bao gồm một hóa đơn gồm nhiều mục trị giá 1.4 nghìn tỷ USD sẽ tài trợ cho chi tiêu quốc phòng và các chương trình trong nước, cũng như nhiều hình thức viện trợ cho nước ngoài và các hình thức cam kết khác của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Theo nội dung dự luật, nó cung cấp 1.4 tỷ USD theo Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm Châu Á (ARIA), được thông qua vào năm 2018. ARIA thúc đẩy các lợi ích an ninh của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm việc chống lại một số hoạt động gây bất ổn nhất định của Trung Cộng và chống lại các mối đe dọa đang nổi lên như các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Nó cũng tìm cách xây dựng các chương trình hợp tác chống khủng bố mới ở Đông Nam Á để chống lại các mối đe dọa khủng bố. Một khoản tiền, khoảng 1.5 tỷ USD mỗi năm, dùng để tăng cường “năng lực quốc phòng và khả năng phục hồi sức mạnh của các quốc gia đối tác để chống lại sự áp bức, ngăn chặn và phòng thủ trước các mối đe dọa an ninh, bao gồm thông qua tài trợ cho quân đội nước ngoài và cho các chương trình đào tạo và giáo dục quân sự quốc tế.”
Dự luật cũng cung cấp 500 triệu USD cho Israel theo khuôn khổ Chương trình Hợp tác Israel, bao gồm các khoản chi như 73 triệu USD cho việc thu mua các bộ phận của hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) để chống lại các mối đe dọa tên lửa tầm ngắn và 177 triệu USD cho chương trình Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo Tầm ngắn (SRBMD) của Israel.
Việt Nam dự kiến sẽ nhận được khoảng 169 triệu USD, bao gồm tiền tài trợ cho các chương trình y tế và người khuyết tật ở các vùng bị rải Chất độc Da cam và bị nhiễm dioxin, và cho chương trình hòa giải di sản chiến tranh.
Theo dự luật, Miến Điện sẽ nhận được 135 triệu USD cho các chương trình bao gồm thúc đẩy lòng khoan dung dân tộc và tôn giáo và chống bạo lực giới tính, cho các chương trình tăng cường truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự, cũng như để viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn ở miền đông Miến Điện.
Dự luật cũng cung cấp 85.5 triệu USD tài trợ cho Campuchia, cho các sáng kiến với những mục tiêu bao gồm tăng cường an ninh và ổn định khu vực, đặc biệt liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Triều Tiên. Một số khoản tiền cũng sẽ mang đến sự trợ giúp cho Campuchia trong việc “khẳng định chủ quyền của họ” trước sự can thiệp của Trung Quốc, và “chấm dứt bạo lực và sách nhiễu chống lại xã hội dân sự và phe đối lập chính trị ở Campuchia.”
Nepal dự kiến sẽ nhận được 130 triệu USD, bao gồm cả cho các chương trình phát triển và dân chủ.
Dự luật đã được thông qua ở Hạ viện với tỷ lệ phiếu bầu là 359–53 và được Thượng viện thông qua với tỷ lệ phiếu bầu là 91–7. Bây giờ nó chuyển đến bàn của Tổng thống Donald Trump để được ký.
Dự luật có thể sẽ là đạo luật quan trọng cuối cùng của Quốc hội thứ 116 mà sẽ mãn hạn vào ngày 3/1/2021.
Tom Ozimek
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: