Quốc hội điều trần về những rủi ro từ gián điệp Trung Quốc đối với nền khoa học Hoa Kỳ
Tại phiên điều trần hôm 05/10, các thành viên của Ủy ban Hạ viện về Khoa học, Không gian và Công nghệ đã chất vấn các nhân chứng về những rủi ro đối với nền khoa học của Hoa Kỳ từ các hoạt động gián điệp, trộm cắp đến từ ngoại bang và các hành động khác, đặc biệt là đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng).
Trong phiên điều trần do Tiểu ban Nghiên cứu và Công nghệ cùng Tiểu ban Giám sát đồng tổ chức này, các nhà lập pháp cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh các hành động làm hạn chế tiến bộ khoa học hoặc nhìn nhận các nhà khoa học Trung Quốc theo một hồ sơ chủng tộc.
Các dân biểu lắng nghe ý kiến từ bốn nhân chứng: Tiến sĩ Maria Zuber, giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts và đồng chủ tịch Hội nghị Bàn tròn Khoa học, Công nghệ và An ninh Quốc gia; bà Candice Wright, giám đốc Khoa học, Đánh giá Công nghệ, và Phân tích tại Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ (GAO); bà Allison Lerner, tổng thanh tra của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF); và ông Si Tiểu Tinh (Xi Xiaoxing), giáo sư vật lý tại Đại học Temple.
“Các vấn đề quốc tế luôn đòi hỏi các giải pháp quốc tế, và có những chi phí thực tế khi đóng cửa nghiên cứu của quý vị với phần còn lại của thế giới,” Dân biểu Bill Foster (Dân Chủ-Illinois), một tiến sĩ vật lý và là chủ tịch của Tiểu ban Giám sát, người đã dẫn chứng việc Trung Quốc không sẵn sàng tiến hành một cuộc điều tra mở về nguồn gốc của COVID-19 và virus Trung Cộng như một ví dụ về việc thiếu cởi mở gây cản trở tiến bộ.
Ông Foster sau đó nói thêm: “Như chúng ta sẽ nghe từ các tham luận viên của mình, sự cởi mở luôn đi kèm với rủi ro.”
Dân biểu Jay Obernolte (Cộng Hòa-California), một người tốt nghiệp từ Học viện Công nghệ California và là nhà phát triển trò chơi điện tử, hiện đang phụng sự với tư cách là thành viên cao cấp trong Tiểu ban Giám sát, cho biết: “Chúng ta chắc chắn muốn tiếp tục là một phần của bầu không khí chào đón các sinh viên từ các trường đại học ngoại quốc đến với chiếc ‘nồi nấu chảy’ Mỹ quốc của các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới này – và tôi nghĩ rằng tính liêm chính của hoạt động nghiên cứu được thực hiện ở Hoa Kỳ sẽ cực kỳ phụ thuộc vào tấm thảm đa sắc mà chúng ta đã tạo ra.”
“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận thức và cảnh giác về sự thật chính là tính minh bạch này, tính minh bạch của hệ thống nghiên cứu của chúng ta, đồng thời cũng khiến chúng ta mở rộng với nguy cơ về việc hoạt động nghiên cứu đó có thể bị thao túng hoặc bị sử dụng theo những cách trái với an ninh quốc gia của chúng ta.”
Dân biểu Michael Waltz (Cộng Hòa-Florida), thành viên cao cấp của Tiểu ban Nghiên cứu và Công nghệ, cho biết: “Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang nhắm vào các nhà khoa học Mỹ như một vấn đề của chính sách nhà nước. Điều đó là rõ ràng. Nhưng tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bất kỳ loại hồ sơ chủng tộc nào nên được sử dụng để giải quyết mối đe dọa này.”
Ông Waltz đã nói về công việc gần đây của chính ông, đó là dẫn đầu NSF phát triển các module bảo mật trực tuyến cho các nhà khoa học làm việc trong môi trường hợp tác quốc tế, mà ông tuyên bố sẽ giúp các nhà khoa học đáp ứng được các yêu cầu tiết lộ thông tin và tránh xung đột lợi ích hoặc cam kết.
Ông Waltz cho biết, “Thành thật mà nói, theo quan điểm của tôi, nó sẽ giúp loại bỏ bất kỳ lý do bào chữa nào về việc ‘Tôi không biết’ hoặc ‘Tôi không hiểu.’”
Bà Zuber, thuộc hội nghị bàn tròn an ninh, cho biết ngoài gián điệp và trộm cắp trực tiếp, Hoa Kỳ còn phải tìm cách chấm dứt ít nhất ba loại hoạt động:
“Trước hết, Trung Quốc không được phép trả tiền cho giảng viên của Hoa Kỳ, đặc biệt là không được trả lén lút, để chuyển giao công trình [nghiên cứu] được tài trợ bởi các khoản trợ cấp liên bang, hoặc để tuyển dụng các nhà nghiên cứu cho Trung Quốc, hoặc để dành thời gian làm việc ở Trung Quốc mà mâu thuẫn với các cam kết với các tổ chức của Hoa Kỳ.”
“Thứ hai, hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc nên được cấu trúc sao cho minh bạch và có đi có lại, nơi mà mỗi bên đều phải có lợi ích hợp pháp rõ ràng từ phần việc của họ.”
“Thứ ba, các trường đại học không nên tham gia vào các hoạt động hợp tác có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc kinh tế của Hoa Kỳ hoặc đe dọa nhân quyền.”
Tổng thanh tra Lerner của NSF nói rằng văn phòng của bà cần thêm nguồn lực để giải quyết khối lượng các cáo buộc mà bà nhận được, và nói với ông Obernolte rằng dù cho có tăng gấp đôi nhân viên tại văn phòng của bà thì sẽ vẫn khiến họ “khó theo kịp số lượng các cáo buộc đang được gửi đến.”
Dân biểu Haley Stevens (Dân Chủ-Michigan), Chủ tịch Tiểu ban Nghiên cứu và Công nghệ, lưu ý rằng sáu trong tám trường đại học được GAO phỏng vấn đều không hiểu hoặc không biết cách xác định các chương trình tài năng quốc gia của Trung Quốc.
Bà Zuber nói, “Trước đây, các chương trình tài năng ngoại quốc này được coi là danh giá giống như một số học bổng của Hoa Kỳ, và bây giờ chúng tôi bắt đầu phát hiện ra rằng có những yêu cầu liên quan tới chúng.”
Ông Si, thuộc Đại học Temple, nói với các nhà lập pháp về trải nghiệm của mình sau khi bị buộc tội chia sẻ một máy sưởi bỏ túi với đồng nghiệp ở Trung Quốc – “Các nhân viên FBI có vũ trang [đột kích] vào nhà chúng tôi và còng tay bắt tôi đi.”
Ông Si nói, “Gần bốn tháng sau, sau khi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của tôi cung cấp các bản khai hữu thệ nói rằng những email tôi đã gửi không phải là về máy sưởi bỏ túi mà là về nghiên cứu được công bố rộng rãi của riêng tôi, thì chính phủ mới hủy bỏ vụ việc – nhưng đời tôi đã bị hủy hoại rồi.”
Ông nói, “Vấn đề là các quan chức thực thi pháp luật coi các giáo sư, nhà khoa học và sinh viên Trung Quốc là những người thu thập hoặc gián điệp phi truyền thống cho Trung Quốc. Chúng tôi bị coi là có tội cho đến khi được chứng minh là vô tội.”
Ông Waltz đáp lại, mô tả cuộc đột kích vũ trang nhắm vào ông Si và gia đình ông ấy là “không thể chấp nhận được.”
Ông Waltz nói, “Tôi muốn ông nghe đôi lời từ tôi rằng tôi vô cùng xin lỗi về những gì đã xảy ra với gia đình ông, những gì đã xảy ra với ông, và những gì đã xảy ra với danh tiếng của ông.”
Dân biểu Paul Tonko (Dân Chủ-New York) bày tỏ sự lo ngại rằng những lo ngại về an ninh có thể “[xua đuổi] các học giả quốc tế” và làm suy yếu vai trò lãnh đạo khoa học của Hoa Kỳ.
Ông Tonko hỏi rằng, “Thưa Tiến sĩ Zuber, bà đã thảo luận về tầm quan trọng của việc khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên Trung Quốc ở lại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp. Vậy bà có lo ngại rằng nhận thức thiếu thiện chí này của Hoa Kỳ có thể làm giảm khả năng của chúng ta trong việc giữ chân những sinh viên này hoặc không thu hút được họ đến ngay từ đầu không?”
Bà Zuber nói, “Đúng thế, thưa nghị sĩ.”
Không phải tất cả các nhân chứng đều đồng thuận về phản ứng thích hợp đối với một số hành động.
Bà Zuber nói với Dân biểu Peter Meijer (Dân Chủ-Michigan), “Các nhà nghiên cứu của chúng tôi vô cùng lo sợ rằng nếu họ điền sai vào một biểu mẫu, FBI sẽ xuất hiện ngay trước cửa nhà họ – và đó không phải là chiến lược đem lại chiến thắng cho chúng ta.”
Bà Lerner nói với ông Meijer, “Với tất cả sự tôn trọng, tôi muốn phản bác lại ý kiến cho rằng việc không tiết lộ chỉ đơn giản là một lỗi thủ tục giấy tờ mà thôi.”
Ông Si xen vào, “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải có một quy tắc rõ ràng về việc tiết lộ thông tin. Tuy nhiên, việc quá chú trọng vào việc tiết lộ thông tin sẽ gửi đi thông điệp rằng, ‘Đừng cộng tác với các nhà khoa học ngoại quốc.’”
Ông Nathan Worcester là một phóng viên về môi trường tại The Epoch Times.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: