Quốc hội Anh Quốc nhất trí tuyên bố Trung Cộng phạm tội diệt chủng ở Tân Cương
Hôm 22/04, Quốc hội Anh Quốc đã đồng lòng thông qua một bản kiến nghị không ràng buộc tuyên bố rằng Người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số và các nhóm thiểu số tôn giáo khác ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc đang phải chịu đựng các tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng, đồng thời kêu gọi chính phủ Anh Quốc sử dụng luật pháp quốc tế để chấm dứt sự việc này.
Hành động này khiến Quốc hội Anh Quốc trở thành cơ quan lập pháp thứ ba trên thế giới–sau Canada và Hà Lan–chuẩn thuận các bản kiến nghị đề cập đến việc đối xử với Người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng.”
Hồi tháng 01/2021, chính phủ Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng Trung Cộng đã phạm “tội diệt chủng” và “các tội ác chống lại nhân loại” đối với Người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và Hạ viện Hoa Kỳ hôm 15/04 cũng đưa ra một nghị quyết lưỡng đảng lên án tội ác diệt chủng của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.
Các thành viên của Nghị viện viện dẫn bằng chứng, bao gồm cả lời chứng, về các trại giam, việc giám sát hàng loạt, cưỡng hiếp, cưỡng bức triệt sản, và mổ cướp nội tạng, và nói rằng “đến lúc” Vương quốc Anh phải hành động.
Bản kiến nghị này kêu gọi chính phủ Anh Quốc “hành động để thực hiện các nghĩa vụ của họ theo Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Diệt chủng và tất cả các văn kiện có liên quan của luật pháp quốc tế, để chấm dứt tình trạng này.”
Ông Garnett Genuis, một thành viên Canada của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), gọi bản kiến nghị này là một mốc lịch sử.
IPAC dẫn lời ông Genuis trên Twitter rằng, “Cuộc bỏ phiếu của ngày hôm nay là một mốc lịch sử khác trong chặng đường dài kêu gọi công lý cho người Duy Ngô Nhĩ. Lần lượt từng nơi một, các nghị viện dân chủ trên khắp thế giới đang bắt đầu nhận ra rằng sự thống khổ của người Duy Ngô Nhĩ là tuyệt nhiên không ngoài nạn diệt chủng.”
Ông Benedict Rogers, người đồng sáng lập Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ, đã gọi đây là một “ngày lịch sử thật sự.”
Bà Nusrat Ghani, nhà lập pháp người Anh đưa ra bản kiến nghị, là một trong năm nghị sĩ Anh Quốc bị Trung Cộng trừng phạt vì đã thẳng thắn lên tiếng về những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong cuộc tranh luận, nghị sĩ Ngài Charles Walker nói rằng tất cả các thành viên của Quốc hội cần phải đưa ra quan điểm.
Ông Walker nói với các nghị sĩ rằng, “Khi một chính quyền quốc gia trừng phạt một thành viên của Nghị viện ở đất nước này, chính phủ đó, chính quyền quốc gia đó thực sự đang trừng phạt tất cả các thành viên Nghị viện ở đất nước này, và đó là phận sự của tất cả chúng ta, tất cả 650 người trong chúng ta phải đồng lòng hành động vào lúc này.”
Đáp lời, bà Ghani nói bà tin rằng các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt là “đang trừng phạt chính nghị viện này và yêu cầu nghị viện phải ngừng đưa ra các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương,” và “thực tế việc chúng ta đang ở đây ngày hôm nay và việc có cuộc tranh luận này cho thấy các lệnh trừng phạt đó không có tác dụng.”
Cùng ngày, Quốc hội Lithuania cũng đã triệu tập để xem xét các bằng chứng về các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tân Cương.
Do Lily Zhou thực hiện
Với sự đóng góp của Isabel van Brugen
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: