Quan điểm khác nhau của các lãnh đạo cộng đồng người Nga và Ukraine về lý do đằng sau chiến tranh
NEW YORK — Người Ukraine và người Nga có ngôn ngữ, tổ tiên, cũng như các nguyên tắc tôn giáo căn bản tương đồng, và mặc dù có các giả thuyết về những lý do chính trị và/hoặc tôn giáo căn bản đã dẫn tới cuộc xung đột vũ trang này, nhưng do tính phức tạp của lịch sử, học thuyết, và địa chính trị, các giả thuyết đó chủ yếu là những suy đoán còn hạn chế.
Trong khi nhiều người từ cả hai bên không đồng tình với chiến tranh, quan điểm cụ thể giữa các thành viên khác nhau phân hóa ở các mức độ khác nhau. The Epoch Times đã liên lạc với một số người Mỹ gốc Nga và Ukraine nắm giữ vai trò lãnh đạo để tìm hiểu thêm về suy nghĩ của họ.
Chủ tịch cộng đồng người Do Thái Bukharan Leon Nektalov đại diện cho một nhóm khoảng 50,000 người nói tiếng Nga đã di cư từ cả Liên Xô cũ và Trung Á đến New York.
“Rất nhiều người vô tội đã mất đi sinh mạng, rất nhiều người đang phải chạy khỏi Ukraine và Nga,” ông Nektalov nói với The Epoch Times. “Dù thế nào thì chiến tranh cũng phải chấm dứt.”
Ông tin rằng chiến tranh nổ ra do chính trị của Nga liên quan đến các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine.
Ông nói, “Nga đã cố gắng bảo vệ các công dân Nga ở Ukraine [sống] ở Donbas và Luhansk. Đó đã là một vấn đề trong tám năm qua và không ai làm gì cả.”
Trong một bài diễn văn của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/03, ông nói rằng “cuộc diệt chủng thực sự” đã xảy ra ở vùng Donbas của Ukraine, nó đã kéo dài gần tám năm và đã khiến người dân phải chịu đựng “những phương pháp man rợ nhất,” ông cũng đề cập đến các cuộc phong tỏa do chính phủ Ukraine áp đặt và các hành động trừng phạt quy mô lớn, cũng như việc họ thực hiện các cuộc pháo kích liên tiếp cùng “các cuộc tấn công khủng bố” [ở khu vực này].
“Vì vậy, Nga quyết định tiến vào, [nhưng] cách mà họ đang làm điều đó — ném bom vào những người vô tội và không chỉ các khu liên hợp quân sự, mà cả những người thực sự vô tội không tham gia quân đội … đó là điều tạo nên vấn đề ở Ukraine,” ông Nektalov, 62 tuổi, một nhà môi giới bất động sản, cho biết.
“Ukraine đã trở thành một Iraq thứ hai. Họ chỉ đang liên tục ném bom và ném bom, và các cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy ở Ukraine. Tôi không biết chuyện này rồi sẽ ra sao nữa.”
Ông cho biết ông tin rằng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một “người đàn ông tốt, nhưng không phải là một chính trị gia.”
“Ông ấy không phải là một nhà ngoại giao. Giá như ông ấy tháo vát hơn khi họ bắn phá và oanh tạc Donbas và Lugansk, thì tôi không nghĩ Nga sẽ có thể tiến vào để bắt đầu ném bom Ukraine. Cho nên đó là một sai lầm của ông Zelensky khi ông đã không ngồi xuống và thảo luận về những gì phải làm với hai vùng đó,” ông Nektalov cho hay. “Lẽ ra trước đó ông ấy nên đến gặp ông Putin để thảo luận về nhiều vấn đề.”
Theo ông Nektalov, NATO và Hoa Kỳ đang “cố mượn tay của Ukraine để làm những gì họ muốn. Họ không muốn tham chiến. Nhưng họ đang nói ‘chúng tôi sẽ cấp vũ khí cho các vị, các vị hãy tự chiến đấu.’”
Ông nói thêm rằng, “Ông Zelensky đã từng cho rằng nếu bất cứ điều gì xảy ra, thì [Hoa Kỳ và NATO] sẽ tham chiến, và có lẽ Nga sẽ không thắng nổi Liên Hiệp Quốc.”
Ngoài ra, vị lãnh đạo cộng đồng Do Thái Bukharan tin rằng nếu cuộc Ly giáo Chính thống giáo năm 2018 không xảy ra, thì các nhà chức trách tôn giáo đã ngăn chặn được cuộc chiến này.
Năm 2019, một sắc lệnh về sự độc lập đã thành lập Giáo hội Chính thống giáo ở Ukraine. Sắc lệnh này cho phép thành lập một giáo hội tự quản ở Ukraine mà không chịu sự kiểm soát của Giáo hội Moscow của Chính thống giáo Nga. Bằng cách cấp văn kiện này cho các giám mục Ukraine, Thượng phụ Đại kết Bartholomew của Constantinople đã cắt đứt mối quan hệ kéo dài nhiều thế kỷ giữa Moscow và Kyiv.
Do đó, Thượng phụ Moscow quyết định cắt đứt quan hệ với Constantinople trong thời gian phụng sự của mình, và ngoài ra, lệnh cho các tín đồ Cơ Đốc của Chính thống giáo Nga tránh xa các giáo hội Ukraine mới và cả những người đi theo các giáo hội này.
Giữa những bất đồng mang tính tôn giáo này, quân đội Ukraine được cho là đã chiếm giữ các tu viện của Chính thống giáo Nga và lấy chúng làm tài sản cho giáo hội mới ở đất nước này.
Ông Nektalov nói: “Nếu giáo hội đoàn kết như trước đây, thì họ [quân đội Nga] đã không vào Ukraine và ném bom theo cách này,” ông cho biết. “Giáo hội Nga sẽ ngăn chặn điều đó.”
Tuy nhiên, ông tin rằng những lý do chính trị có sức nặng hơn những lý do tôn giáo.
Giáo hội Chính thống giáo Nga đã đưa ra một tuyên bố vào tuần trước, yêu cầu đoàn kết, yêu thương, và giải quyết một số khía cạnh gây tranh cãi của cuộc xung đột.
“Trong chiến tranh, thường dân nên được bảo vệ ở mức độ lớn nhất có thể. Theo các hãng thông tấn, cuộc chiến này đang được tiến hành một cách phi đạo đức chỉ bởi một bên. Điều này không bao giờ được phép. Chúng tôi kêu gọi cả hai bên ngừng các hành động quân sự ngay lập tức,” Tổng giám mục Peter viết.
Ông viết, “Các linh mục của chúng tôi báo cáo rằng họ đang nghe nói về việc ngừng tưởng niệm Thượng phụ Kyrill. Về bản chất, đây là sự ly giáo, một tội lỗi mà thánh John Chrysostom nói rằng không thể rửa sạch ngay cả bằng máu của sự tử đạo.”
Ngoài ra, Tổng giám mục Peter lưu ý rằng Thượng phụ Kyrill đang ở trong một tình huống rất cam go, vì các tín đồ của ông đang ở cả hai phe của cuộc chiến.
Trong tuần lễ kết thúc ngày 20/03, phó tế Adrian Mazur của Giáo hội Chính thống Ukraine đã tổ chức một buổi cầu nguyện tại Vườn Elizabeth ở New York “để cầu nguyện cho những người lính đã ngã xuống, và cho cả những đứa trẻ, đặc biệt là [bởi vì] họ đang phải chịu đựng những nỗi đau sang chấn,” ông nói với The Epoch Times.
“Ngoài ra, chúng tôi cầu nguyện rằng Chúa có thể soi rọi cho người dân Ukraine để bảo vệ họ khỏi tất cả những kẻ thù hữu hình và vô hình, và để các nhà lãnh đạo của những kẻ đàn áp Nga nhận ra và thấy rằng đây là một cuộc chiến vô nghĩa, rằng những người vô tội đang bị sát hại.”
Ông Mazur là một người Ukraine thế hệ thứ hai sinh ra ở Romania.
“Cả ngôi làng này di chuyển đến Romania bằng cả đường bộ và đường hàng không, sự việc xảy ra trong thời kỳ Stalin bỏ đói người dân của chúng tôi, gọi là thời kỳ Holodomor,” ông Mazur nói, và chỉ vào một đài tưởng niệm trên tường nhà thờ, được xây dựng để tưởng nhớ hàng triệu người đã thiệt mạng trong nạn đói do con người tạo ra ở Ukraine vào đầu những năm 1930 gọi là thời kỳ Holodomor, do Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô, USSR) gây ra.
Ông Mazur tin rằng cuộc xâm lược hiện tại của Nga là “cùng một loại tâm lý nhằm xóa sổ một nền văn hóa, chính là nền văn hóa Ukraine.”
Bàn về Tổng thống Zelensky, người có xuất thân là một diễn viên, ông Mazur cho biết ông ban đầu “thực sự thấy điểm yếu của ông Zelensky trong chính trị.” Nhưng “sau này, khi chiến tranh bắt đầu, tôi thấy sự can đảm của ông ấy để đứng lên vì những gì ông ấy tin tưởng, tôi thấy cội nguồn Ukraine trong con người ông ấy — giống như ông tôi, và bản thân tôi, tôi sẽ chết vì đất nước của mình, vì đó là miền đất của tôi, nhà của tôi, và các vị là ai mà vào nhà tôi và nói tôi phải làm gì?” ông Mazur nói.
Hơn nữa, ông Mazur cho rằng NATO và Hoa Kỳ đang “chơi một ván cờ rất hay,” và mặc dù ông muốn thấy nhiều sự ủng hộ hơn, “Tôi nghĩ chậm và chắc sẽ thắng cuộc đua này, bởi vì sớm hay muộn thì người [của ông Putin] cũng sẽ quay lưng lại với ông ấy, tôi nghĩ là một loại tâm lý đó. Và tôi biết rằng người dân Ukraine đang đứng vững.”
Ông Mazur gọi lập luận của Nga về việc xâm lược Ukraine — cái gọi là tội ác diệt chủng ở vùng Donbas — là “sự tuyên truyền” và chỉ là một cái cớ phi lý.
Ông Roman Mashav đến Hoa Kỳ từ Nga hơn 40 năm trước. Ông là chủ của một cửa hàng trang sức mang tên Mr. Diamonds USA ở Manhattan.
“Thường thì tôi không đưa ra quan điểm [về chiến tranh]. Chính trị là một trò chơi rất dơ bẩn,” ông Mashav nói.
“Ông Zelensky và ông Putin, cả hai người bọn họ đều nên ngồi lại và nói chuyện. Đừng đánh nhau nữa.”
Ông nói thêm: “Ông Zelensky và ông Putin là những người đàn ông thông minh nhưng lại đánh nhau vì những điều vô nghĩa.”
“Nếu như không phải là Mỹ đang chĩa mũi vào chuyện của người khác như họ đã làm ở các nước khác — thì Mỹ đang cố gắng tiêu diệt Nga trong hơn 200 năm. Đầu tiên, họ cố gắng tiêu diệt Georgia, bây giờ họ [đang cố gắng] tiêu diệt Ukraine. Đó là ý kiến của tôi,” ông Mashav nói.
Anh Enrico Trigoso là một phóng viên của The Epoch Times đưa tin về khu vực thành phố New York.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Chris Bob và Naveen Athrappully
Tử Họa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: