Quan chức Trung Quốc thừa nhận các vấn đề về sản xuất chip trong nước
Tại một diễn đàn hôm 28/11, một quan chức cao cấp của Trung Quốc thừa nhận rằng nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào ngành bán dẫn là thiển cận và cuối cùng đã thất bại.
Wang Zhijun, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, đã đưa ra bình luận khi phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc do Đại học Thanh Hoa uy tín ở Bắc Kinh tổ chức, theo truyền thông Trung Quốc.
Ông Wang cho biết những gì đang xảy ra trong ngành bán dẫn đã xảy ra với các lĩnh vực khác của Trung Quốc, chẳng hạn như thép, xi măng và quang điện, dẫn đến tình trạng dư thừa sản xuất. Theo ông, ngành công nghiệp bán dẫn cần được giám sát chặt chẽ hơn và các công ty cần sáp nhập hoặc tái cấu trúc để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Bất chấp nhiều năm cung cấp các khoản đầu tư chỉ đạo của nhà nước và các khoản trợ cấp lớn của chính phủ để phát triển năng lực tự sản xuất chip của Trung Quốc, quốc gia này chủ yếu vẫn nhập khẩu chất bán dẫn cần thiết. Những con chip nhỏ bé cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại di động, máy tính đến các hệ thống tên lửa. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nước này đã chi hơn 300 tỷ USD mỗi năm trong hai năm qua để mua chip nước ngoài và dự kiến sẽ chi một khoản tương tự trong năm nay.
Thông qua chính sách công nghiệp “Made in China 2025” (tạm dịch: “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”), Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuất trong nước đáp ứng 70% nhu cầu bán dẫn vào năm 2025. Những tham vọng như vậy khó có thể đạt được, theo báo cáo hồi tháng 5 của công ty nghiên cứu thị trường bán dẫn IC Insights có trụ sở tại Arizona.
“IC Insights dự báo rằng ít nhất 50% sản lượng vi mạch ở Trung Quốc vào năm 2024 sẽ đến từ các công ty nước ngoài như SK Hynix, Samsung, Intel, TSMC, UMC và Powerchip với các nhà máy chế tạo ở Trung Quốc,” theo báo cáo.
SK Hynix và Samsung là các công ty Hàn Quốc, trong khi TSMC, UMC và Powerchip là các công ty bán dẫn có trụ sở tại Đài Loan.
Bình luận hôm thứ Bảy của ông Wang không phải là lần đầu tiên các quan chức Trung Quốc công khai chỉ ra các vấn đề trong ngành bán dẫn của Trung Quốc.
Vào tháng 10, Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, phát biểu rằng một số công ty Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn mà không có bất kỳ kinh nghiệm, chuyên môn hay trình độ nào, theo truyền thông Trung Quốc.
Bà Meng cũng chỉ trích chính quyền khu vực khởi động các dự án bán dẫn mà không hiểu rõ về xu hướng phát triển. Sự thiếu hiểu biết như vậy đã dẫn đến các vấn đề như các dự án bị đình chỉ và các nhà máy bị bỏ hoang.
Chỉ trong năm nay, hơn 50.000 công ty Trung Quốc đã đăng ký kinh doanh có liên quan đến chất bán dẫn, theo nền tảng cơ sở dữ liệu Tianyancha của Trung Quốc. Một số nhà sản thiết bị bán dẫn lớn được nhà nước hỗ trợ đã gặp khó khăn về tài chính trong hai năm qua.
Tacoma Semiconductor Technology, một công ty được thành lập vào năm 2015 và có trụ sở tại thành phố Nam Kinh của Trung Quốc, gần đây đã bị tòa án địa phương yêu cầu bắt buộc thanh lý và phá sản, theo một báo cáo tháng 7 của tạp chí kinh doanh Caixin, trích dẫn một trang web thông tin phá sản doanh nghiệp do Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc.
Theo Caixin, Chủ tịch Tacoma là Li Ruiwei cho biết lệnh tòa được đưa ra sau khi nhà máy chế tạo thiết bị bán dẫn của công ty bị tạm dừng vào tháng 3 năm 2019 do khó khăn về vốn. Vào thời điểm đó, chính quyền Nam Kinh đã đầu tư 384 triệu nhân dân tệ (khoảng 55 triệu USD) vào công ty.
Công ty Incoflex Semiconductor Technology, được thành lập vào năm 2018 và có trụ sở tại tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, đang trong tình trạng thua lỗ sau khi một số giám đốc cao cấp rời công ty vào cuối năm 2019 và các nhân viên cho biết họ không được trả lương trong hai tháng đầu năm nay, cổng thông tin Sina Trung Quốc đưa tin vào tháng Tư.
Công ty thiết bị bán dẫn Wuhan Hongxin, thành lập năm 2017 tại trung Hồ Bắc, Trung Quốc, hiện nay đã phá sản, theo tạp chí online EE Times có trụ sở tại Mỹ (ngày 20 tháng 11), trích dẫn lời CEO Chiang Chang-yi. Chính quyền thành phố Vũ Hán hiện nay đã tiếp quản công ty.