Quan chức Trung Cộng thăm “hộ nghèo”, rượu Mao Đài tiết lộ cuộc sống xa hoa
Trong những năm gần đây, cái gọi là chương trình “xóa đói giảm nghèo” của Trung Cộng xảy ra rất nhiều chuyện hoang đường, và hộ nghèo đã trở thành đạo cụ để các quan chức trưng bày “thành tựu chính trị.” Gần đây, các quan chức tỉnh Sơn Đông một lần nữa lại để lộ ra khi đi thăm “hộ nghèo”. Cư dân mạng phát hiện ra rằng hộ gia đình này không chỉ có ba phòng ngủ và một phòng khách, mà còn chứa hàng hóa xa xỉ như rượu Mao Đài và rượu Ngũ Lương. Sau đó, gia đình này bị chú ý, lý lịch công chức của con cái họ bị tìm hiểu rất kỹ.
Hôm 03/02, tổ dân phố Cức Hồng Than, quận Thành Dương, thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã đăng một bài báo trên WeChat “Ngày xuân thăm các hộ nghèo với tình cảm chan chứa ấm lòng người.” Bài báo đề cập đến việc Ban công tác đảng của Cức Hồng Than, cùng các lãnh đạo của khu phố đã chia nhau đi thăm hỏi các hộ nghèo và tặng quà cho họ.
Theo bài báo, lần này họ đi thăm 231 hộ gia đình có thu nhập thấp, chia nhau cung cấp thức ăn cho 34 hộ đặc biệt nghèo và 263 hộ khó khăn.
Sau khi bài báo đăng tải, một trong những bức hình đã bị cư dân mạng đặt nghi vấn. Bức ảnh mà cư dân mạng nghi vấn là bức đầu tiên trong bài. Bốn nhân viên tổ dân phố mang theo một số quà tặng và đến thăm một bà già tóc đã bạc. Nhưng đồng thời, bất ngờ có hai chai rượu Mao Đài được đặt ở góc trên bên trái của bức ảnh, trên tầng cao nhất của tủ.
Một số người chỉ ra rằng hộ nghèo mà tổ dân phố đến thăm không xứng là hộ nghèo, còn có người cho rằng hành vi đó là để lừa gạt về con số hộ nghèo.
Ngày 04/02, tổ dân phố đã có văn bản trả lời chính thức trước thắc mắc của công chúng, cho rằng hộ gia đình này phù hợp tiêu chuẩn đánh giá hộ nghèo. Còn chai rượu Mao Đài trong hình là do mấy năm trước đi dự tiệc ở nhà bà con, thấy mấy chai rượu đã uống hết bỏ lại nên thích quá, liền đem về nhà đặt lên tủ bếp.
Về vấn đề này, nhiều cư dân mạng đã tới tấp bình luận: “Trước đây, ở cơ quan mình cũng thấy nhiều rồi. Hộ này chắc chắn là tài xế của một cơ quan nào đó hoặc họ hàng của người nào đó, sống ở gần đơn vị lắm, mà nhà lại có người già, có thể nói vài lời xã giao.”
“Có lần tôi chở lãnh đạo đi thăm hỏi các hộ nghèo. Trên đường về, lãnh đạo nói, nhìn xem bà già đó, thuê nhà nhiều phòng như vậy, bà ấy còn có nhiều tiền hơn tôi”.
“Trong bữa tiệc mà trên bàn tiệc có chai rượu Mao Đài, thành thật mà nói là không nhiều, nếu bạn thực sự là một người nghèo, bạn có thể có một người bạn thuộc tầng lớp có tiền như vậy sao. Còn nữa, vỏ chai rượu Mao Đài đó bao nhiêu tiền một chai bạn có thể lên mạng tra, lại thấy niêm phong của chai rượu Mao Đài chưa được mở, đây có phải là thứ bạn có thể dễ dàng nhặt về không? đúng là truyền thống nói dối không thể bỏ được!”
“Nhiều hộ gia đình nghèo nhưng lại có quan hệ với gia đình tương đối giàu, điều này cũng không ngoại lệ! Hãy nhìn vào căn hộ ba phòng ngủ, một phòng khách, rượu Mao Đài, rượu Ngũ Lương, trà ô long đông lạnh thượng hạng, máy chạy bộ, sàn gỗ, TV LED, toàn bộ tủ tường, đèn kiểu Âu Châu, cây cảnh, các hộ nghèo có cuộc sống nhàn nhã này không? Thực tế, chúng tôi không tin tất cả những gì họ nói.”
Tương tự như vụ việc trên, chỉ cách đây vài tháng, Bí thư đảng ủy Khu phát triển kinh tế thành phố Bình Hương, tỉnh Giang Tây cùng một số quan chức đã đến thăm các “hộ nghèo” ở địa phương, nhưng những hình ảnh đi kèm cho thấy các “hộ nghèo” có đồ trang trí sang trọng trong nhà của họ.
Một số người đặt nghi vấn, “Nếu đây là ‘hộ nghèo’, thì tất cả chúng ta đều là dân tị nạn rồi.” Nhưng phó thị trưởng thành phố ngay lập tức bác bỏ tin đồn, nói rằng “hộ nghèo” này là “trước giàu sau nghèo”.
Trung Cộng tô vẽ bên ngoài trong việc “xoá đói giảm nghèo”
Trong những năm gần đây, cái gọi là chương trình “xóa đói giảm nghèo” của Trung Cộng đã phơi bày nhiều điều phi lý, các hộ nghèo đã trở thành đạo cụ để các quan chức thể hiện “thành tựu chính trị” của mình, do vậy mà bị dư luận chỉ trích.
Tháng 11/ 2017, quận Đức Hoằng, tỉnh Vân Nam đã thông báo công khai vụ án tham nhũng kiểu ăn theo “dựa núi, ăn núi” của huyện Long Xuyên, hơn 70% vợ hoặc chồng và người thân của cán bộ, nhân viên đã nhận trợ cấp. Mà quận Long Xuyên là một trong 93 khu vực nghèo đói ở tỉnh Vân Nam.
Vào tháng 5 năm đó, trong đợt kiểm tra chéo giữa các tỉnh trên toàn quốc về cái gọi là “công cuộc xóa đói giảm nghèo”, một quận nào đó ở miền trung Trung Quốc vì để ứng phó kiểm tra đã để nhân viên đóng giả là con của một hộ nghèo, đã bị bắt ngay tại chỗ.
Một cư dân mạng đại lục “Tin tức về Lâm Nghi” từng tiết lộ trên mạng rằng một số dân làng ở thị trấn Tân Trang, huyện Phí, thành phố Lâm Nghi đã phản ánh rằng cán bộ thôn đã đi theo lãnh đạo quận đến phát tiền xóa đói giảm nghèo là 1,000 NDT, nhưng chờ sau khi lãnh đạo quận đi rồi, thì cán bộ thôn đến nhà dân để thu hồi lại 800 NDT, và dân làng chỉ được nhận 200 NDT, điều này khiến nhiều người dân trong làng rất bất mãn.
Vào cuối tháng 11/2016, Đài truyền hình Hồ Bắc, Vũ Hán tiết lộ, sau khi chụp ảnh với các hộ nghèo, một số quan chức địa phương không bao giờ quay lại nữa; còn có người già bệnh tật được xếp vào diện xóa đói giảm nghèo, các quan chức đã sắp xếp cho người già không hiểu kỹ thuật chăn nuôi để nuôi gà, cuối cùng không chỉ gà chết mà tiền cũng chẳng còn.
Tài khoản WeChat đại lục có nick “Quỳ bắn tượng” từng tiết lộ rằng một vị thuộc hộ gia đình nghèo ở tỉnh Thiểm Tây đã chết được 8 năm, nhưng lương thực, trợ cấp của anh ta đã bị quan chức mạo danh nhận suốt cho đến khi quan chức này mất chức thì mới bị lộ ra.
Vào tháng 08 /2016, tại quận Khang Lạc, một trong 43 huyện nghèo cấp quốc gia thuộc tỉnh Cam Túc, một thảm kịch về đạo đức con người đã xảy ra gây chấn động xã hội. Một người mẹ trẻ Dương Cải Lan đã uống thuốc độc tự tử sau khi giết 4 đứa con, không lâu sau chồng bà cũng uống thuốc tự tử, một gia đình tám người tứ đại đồng đường, giờ 6 người tử vong.
Sau vụ việc, Quách Duệ, một người kỳ cựu trong giới truyền thông đại lục, đã điều tra và phát hiện ra rằng khoản trợ cấp của họ đã được phân bổ cho anh trai và cháu trai của bí thư thôn.
Tờ “Đô thị Nam phương” từng đề cập trong một bài xã luận rằng chính quyền đã thực hiện chính sách “trợ cấp người nghèo” giả trong thời gian dài. Bài báo tiết lộ rằng, chính quyền không tiến hành “trợ cấp người nghèo” dựa trên số lượng người nghèo đô thị thực tế, mà dựa trên các con số và “mối quan hệ” thân sơ được trên dưới. Nên việc “tham nhũng trợ cấp của hộ nghèo” này đã khiến ít nhất một nửa số người nghèo thành thị của Trung Quốc rơi vào tình trạng không nhận được tiền trợ cấp.
Vào tháng 5 năm 2020, ông Lý Khắc Cường tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng 600 triệu người ở Trung Quốc đại lục kiếm được khoảng 1,000 nhân dân tệ mỗi tháng. Theo một cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu phân phối thu nhập thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh thực hiện, tổng dân số Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 1,090 NDT là 600 triệu người; tổng dân số Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 2,000 NDT là 963 triệu người.
Vào cuối năm ngoái, chính quyền Trung Cộng tuyên bố rằng “tất cả những người nghèo trên cả nước đã thoát nghèo.” Nhưng các học giả trong nước tin rằng chính quyền vội vã công bố “toàn quốc thoát nghèo” là để giảm bớt khoản chi.
Sun Yun
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: