Quan chức Mỹ: Nga trù định thôn tính các vùng phía đông Ukraine vào giữa tháng Năm
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có kế hoạch thôn tính các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine vào cuối tháng này (05/2022), một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ cảnh báo hôm thứ Hai, viện dẫn các tin tức “có độ khả tín cao.”
Ông Michael Carpenter, đại sứ Hoa Kỳ của Tổ chức An ninh và Hợp tác tại Âu Châu, cho biết trong một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ lo ngại về các ý định chính trị của Nga ở Ukraine, đặc biệt tập trung ở phía nam và phía đông.
“Điều chúng tôi đang nhận thấy ngay bây giờ là quân đội Nga đang tái tập hợp và tái tập trung các nỗ lực của họ lên phần phía nam và phía đông của Ukraine, và khi chúng tôi nhìn vào bản kế hoạch của Nga, nó cũng đang được tái tập trung vào phía nam và phía đông của Ukraine,” ông Carpenter cho biết.
Ông cho biết thêm giới chức Hoa Kỳ nắm được “thông tin rằng trù định đầu tiên của Nga bao gồm một kế hoạch buộc chính phủ được bầu cử một cách dân chủ của Ukraine đầu hàng, cũng như giải thể kết cấu chính phủ địa phương. Và phần nổi bật nhất trong thông tin này, trù định đó còn bao gồm những kế hoạch không chỉ là lập một chính phủ mới ở Ukraine, mà còn lập một hiến pháp mới.
Quân đội Nga không thể chiếm được thủ phủ Kyiv của Ukraine và đã rút quân hồi tháng trước (04/2022).
Vị đại sứ này cho biết rằng bây giờ Điện Kremlin có khả năng sẽ tổ chức “cuộc trưng cầu dân ý giả” ở hai vùng lãnh thổ ly khai được Nga hậu thuẫn là Donetsk và Luhansk vào giữa tháng Năm để “cố gắng thêm vào một lớp ngụy trang cho tính hợp pháp dân chủ và bầu cử,” những thứ mà ông nói là “giống với sách lược của Điện Kremlin.”
Một cuộc trưng cầu dân ý tương tự có thể tiếp nối ở Kherson, miền nam Ukraine, nơi mà Điện Kremlin được cho là cố gắng thiết lập một “nước cộng hòa nhân dân” Kherson, ông cho biết.
Sau khi những người lãnh đạo được bầu một cách dân chủ bị loại bỏ, Nga sẽ có thể cài cắm “những con rối và người đại diện” của Điện Kremlin vào trong những khu vực đó, ông nói.
Ông Carpenter đã không cho biết thêm chi tiết về nguồn gốc của các tin tức này nhưng ông nói rằng các quan chức chính phủ đang giám sát tình huống này rất sát sao để xem liệu ông Putin có thể nỗ lực dàn xếp một nước đi như vậy trong tương lai gần hay không.
Ông cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ và các nước đồng minh quốc tế sẽ không thừa nhận một cuộc trưng cầu dân ý giả như vậy. Ông nói thêm rằng “các phiếu bầu được ngụy tạo hay bất kỳ nỗ lực nào để thôn tính thêm lãnh thổ của Ukraine sẽ không được coi là hợp pháp.”
Nga đã không bình luận công khai về các cáo buộc hôm thứ Hai.
Ông Putin công nhận hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk là độc lập với Ukraine chỉ vài ngày trước khi khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình hôm 24/02.
Quyết định của ông được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo của hai khu vực này, vốn chiếm phần lớn vùng Donbas, đề nghị ông làm như vậy hôm 21/02.
Tuy nhiên, những người ly khai do Nga hậu thuẫn ở những khu vực này đã chiến đấu chống lại quân đội Ukraine kể từ năm 2014, khi họ tuyên bố độc lập với Ukraine, cùng thời điểm ông Putin thôn tính bán đảo Crimea trong một cuộc bỏ phiếu bị nhiều người lên án là gian lận.
Trong một diễn biến khác vào thứ Hai, ông Carpenter nói rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới thủ đô của Ukraine, nơi bà gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi đi một “thông điệp rõ ràng rằng Hoa Kỳ luôn sát cánh cùng Ukraine.”
“Nó nhấn mạnh cam kết lưỡng đảng mạnh mẽ của người dân Mỹ trong việc hỗ trợ người dân Ukraine quả cảm, những người đang đứng lên chống lại sự tàn bạo của Điện Kremlin,” vị đại sứ nói.
Bà Pelosi và một đại biểu của các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đến Kyiv để gặp gỡ ông Zelensky trong khi Quốc hội làm việc với Tòa Bạch Ốc để thông qua một gói cứu trợ trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: