Quan chức đảng cấp cao làm giả dữ liệu kinh tế bị hạ bệ gây lo ngại cho nền kinh tế Trung Quốc
Hôm 31/05, cơ quan giám sát kỷ luật cao nhất của Trung Quốc thông báo rằng họ đã khai trừ một cựu quan chức cấp cao nhất ở tỉnh miền đông Giang Tô khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cơ quan công quyền của chính quyền này.
Ông Zhang Jinghua, cựu Phó chánh văn phòng ĐCSTQ tại Giang Tô, bị cáo buộc “làm giả số liệu kinh tế để quảng bá cá nhân và can thiệp vào các hoạt động thị trường vi phạm các quy tắc liên quan,” cùng với các tội danh tham nhũng khác, theo một thông báo hôm 31/05 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI). Họ không cung cấp bất kỳ chi tiết cụ thể nào về lời buộc tội.
Ông Zhang là một trong những thành viên ĐCSTQ gần đây nhất của ủy ban trung ương thứ 19 — cơ quan quản lý cao nhất của ĐCSTQ — bị hạ bệ.
Một ngày trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến trong cuộc họp ông Kang Yi, giám đốc của cơ quan này, nói rằng vấn đề làm giả thống kê vẫn tồn tại ở Trung Quốc.
Hôm 27/05, NBS cho biết 126 quan chức cấp thấp hơn ở các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, và Quý Châu đã bị trừng phạt vì ngụy tạo dữ liệu thống kê.
Làn sóng thanh trừng việc ngụy tạo dữ liệu này bắt đầu vào tháng Ba khi CCDI viết trên trang web của họ rằng một số quan
chức địa phương đã làm giả dữ liệu để tạo ảo tưởng về sự phát triển và thao túng dữ liệu thống kê bằng cách “nhắc nhở” và ra lệnh cho các bộ phận liên quan thực hiện những thay đổi cần thiết.
Các ngân hàng đầu tư ngoại quốc đã cắt giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc của họ sau các đợt phong tỏa COVID-19 của chính quyền này gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Thượng Hải, trong khi Nomura dự đoán tăng trưởng là 3.9%.
Thống kê để phù hợp với các nhu cầu chính trị của đảng
Theo ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, đối với ĐCSTQ, thống kê có 3 chức năng: hỗ trợ ra quyết định, phục vụ chính trị, và tẩy não người dân. Nhưng chức năng đầu tiên là danh nghĩa, ông nói.
“Để hỗ trợ hiệu quả việc ra quyết định, tính xác thực, kịp thời, và đầy đủ của dữ liệu thống kê phải được ưu tiên hàng đầu,” ông Vương cho biết.
Nhưng mà tiêu chuẩn trong chế độ quan liêu hành chính của ĐCSTQ, thì ông Vương nói là sử dụng dữ liệu để phục vụ cho các mục đích chính trị của ĐCSTQ. Ông lưu ý rằng dữ liệu giả mạo hỗ trợ các quan chức ĐCSTQ thăng tiến qua các cấp bậc, điều này xoay lại thúc đẩy họ tiếp tục giả mạo dữ liệu để thăng tiến hơn nữa.
Ông Wang nói: “ĐCSTQ sử dụng dữ liệu sai để đánh lừa mọi người rằng tình hình ở Trung Quốc luôn luôn tuyệt vời, vì dối trá là yếu tố cơ bản trong sự cai trị của ĐCSTQ.”
Ông Vương nói thêm rằng việc thanh trừng dữ liệu sai lệch gần đây của ĐCSTQ một lần nữa là vì những lý do chính trị, thay vì được thúc đẩy bởi sự minh bạch về kinh tế, vì chính quyền này đang trong những tháng quan trọng trước khi đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ được tổ chức vào mùa thu để cải tổ chính trị.
Thủ tướng: Số liệu GDP của Trung Quốc ‘do con người tạo ra,’ không đáng tin cậy
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích vì thay đổi hàng loạt dữ liệu kinh tế, bao gồm số liệu GDP, dân số, và các chỉ số khác.
Theo tiết lộ của Wikileaks, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, khi đó là bí thư tỉnh miền đông bắc Liêu Ninh, được cho là đã nói với ông Clark T. Randt, Jr., cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, rằng “số liệu GDP” của Trung Quốc “là do ‘con người tạo ra’ và do đó không đáng tin cậy” trong bữa tối vào hôm 12/03/2007.
Ông cũng đã thừa nhận cuộc khủng hoảng kinh tế mà Trung Quốc đối mặt vào năm 2020 khi nói với các phóng viên tại một buổi họp báo hôm 28/05 rằng “có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng chỉ là 1,000 nhân dân tệ (140 USD)”.
Dân số Trung Quốc là 1.439 tỷ người; 600 triệu người là chiếm khoảng 41.7% tổng dân số.
Hồi tháng 01/2017, ông Chen Qiufa, khi đó là tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh, đã xác nhận tại đại hội nhân dân tỉnh rằng các thành phố và quận huyện của Liêu Ninh có các vấn đề về làm sai lệch dữ liệu tài chính từ năm 2011 đến năm 2014, theo báo cáo của cơ quan ngôn luận Tân Hoa Xã của ĐCSTQ.
Tháng 01/2018, Nội Mông tiết lộ rằng dữ liệu kinh tế của họ đã bị làm sai lệch đáng kể—sản lượng công nghiệp năm 2016 của họ đã bị thổi phồng đáng kể lên 40% và tăng trưởng giả lên tới 290 tỷ nhân dân tệ (khoảng 43.5 tỷ USD).
Ngoài Liêu Ninh và Nội Mông, tỉnh Cát Lâm và thành phố Thiên Tân buộc phải điều chỉnh dữ liệu sau khi bị phát hiện đã thổi phồng hoặc thao túng số liệu thống kê kinh tế trong vài năm qua, theo một báo cáo của Bloomberg.