Quan chức cao cấp Mỹ: Các nhà lãnh đạo NATO và G-7 sẽ bàn về các thách thức do Bắc Kinh đặt ra
Hôm thứ Tư (22/04), một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ cho biết nhà nước Trung Quốc dự kiến sẽ là một vấn đề quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh G-7 và NATO sắp tới.
“Ukraine sẽ không khiến chúng tôi rời mắt khỏi Trung Quốc. Trên thực tế, tôi nghĩ sẽ hoàn toàn ngược lại,” một quan chức cao cấp giấu tên của chính phủ Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn cho biết trong một cuộc họp báo ẩn danh nhận xét trước về hai hội nghị thượng đỉnh.
Theo quan chức này, NATO sẽ lần đầu tiên tập trung vào chính quyền Trung Quốc khi các nhà lãnh đạo ký một bản “khái niệm chiến lược” mới.
Khái niệm chiến lược có tầm quan trọng thứ hai chỉ sau điều lệ thành lập của liên minh này. Văn kiện này sẽ vạch ra con đường chiến lược mà NATO sẽ thực hiện trong thập niên tới. Bản trước đó được công bố vào năm 2010 đã không đề cập đến Trung Quốc và thậm chí còn liệt kê Nga là một đối tác chiến lược của liên minh.
“Nga rõ ràng đang tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng và tức thì nhất đối với Liên minh. Nhưng Khái niệm Chiến lược này cũng sẽ giải quyết những thách thức nhiều mặt và lâu dài hơn mà CHND Trung Hoa đặt ra đối với An ninh Âu Châu-Đại Tây Dương,” quan chức cao cấp này cho biết, đồng thời sử dụng từ viết tắt cho tên chính thức của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Để phản ánh trọng tâm mới của liên minh này, các nhà lãnh đạo từ các khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand, và Nam Hàn, sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh này lần đầu tiên, quan chức này cho biết.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tới Madrid dự hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 29/06 đến ngày 30/06 sau khi hội đàm với các nhà lãnh đạo G-7 khác ở miền nam nước Đức.
‘Các hoạt động cưỡng ép kinh tế’
Các nhà lãnh đạo G-7 sẽ gặp nhau từ ngày 26/06 đến ngày 28/06 tại Schloss Elmau ở Bavarian Alps. Các cuộc họp của họ sẽ bao gồm việc hội đàm về “các hoạt động cưỡng ép kinh tế” của chính quyền Trung Quốc, theo quan chức Hoa Kỳ.
Quan chức này nói, “Năm ngoái đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng liên quan đến việc G-7 lần đầu tiên lên tiếng về các hoạt động kinh tế không công bằng, mang tính ép buộc của Trung Quốc.”
“Chúng tôi kỳ vọng rằng lần này điều đó sẽ trở thành một chủ đề lớn hơn của cuộc trò chuyện, đồng thời công nhận mức độ mà những hoạt động đó thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn và nổi bật hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và kinh nghiệm của toàn cầu về nó.”
Năm 2021, các nhà lãnh đạo của G-7 — Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp, và Nhật Bản — đã tuyên bố sẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng của chính quyền Trung Quốc đồng thời lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của họ ở vùng Tân Cương xa xôi ở phía tây.
Tại cuộc họp G-7 năm ngoái ở Anh, ông Biden đã thông báo rằng các nhà lãnh đạo đã đồng ý đề xướng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nhằm chống lại Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Dự án Vành đai và Con đường đã bị chỉ trích là một hình thức ngoại giao “bẫy nợ” gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển với mức nợ không bền vững trong khi củng cố ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Bắc Kinh ở các quốc gia đó.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.