Quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang diễn ra chậm chạp
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất chế tạo lớn nhất thế giới, nhà xuất cảng lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai. Nhưng, đồng USD, không phải nhân dân tệ của Trung Quốc, mới là đơn vị tiền tệ toàn cầu được lựa chọn.
Trên thực tế, đồng USD là đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất để giao dịch với Trung Quốc. Các vai trò của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời hiện đại thường được so sánh với các vai trò của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong nửa đầu thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã là nền kinh tế lớn nhất và nhà sản xuất lớn nhất, nhưng Anh vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới, với đồng Bảng Anh, đơn vị tiền tệ của thế giới.
Đồng USD trở nên nổi bật vào cuối Đệ Nhị Thế chiến với Hội nghị Bretton Woods, nơi thành lập Hệ thống tiền tệ quốc tế (IMS). Việc đồng USD trở thành đơn vị tiền tệ toàn cầu đã mang lại cho Hoa Kỳ một số lợi thế. Có khoản nợ của chính phủ Hoa Kỳ được biểu thị bằng USD, sẵn sàng được bán và giữ trong dự trữ trên khắp thế giới, có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ sẽ không bao giờ phải vật lộn để có được tài chính. Ngoài ra, với thương mại thế giới được thực hiện bằng USD, Hoa Kỳ có thể tránh được các vấn đề về cán cân thanh toán và giảm rủi ro biến động tiền tệ.
Năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phê duyệt việc bổ sung đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào Đồng tiền có Quyền rút vốn Đặc biệt (SDR), được sử dụng để bổ sung vào dự trữ của các nước thành viên. Điều này có nghĩa là đồng nhân dân tệ đã được thêm vào rổ tiền tệ, cùng với USD, euro, yên Nhật và bảng Anh. Về mặt lý thuyết, bước đi duy nhất này đáng lẽ phải đảm bảo vị trí của đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ toàn cầu, nhưng bằng cách nào đó, việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế vẫn ở mức tối thiểu so với đồng USD.
Mặc dù Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch thương mại trị giá 429,619,611 USD , đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 1.88% thanh toán toàn cầu. Trong số các loại ngoại tệ được giữ trong dự trữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, USD chiếm 61.82%, trong khi nhân dân tệ chỉ chiếm 1.95%. Về quy đổi ngoại tệ, USD là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, trong khi đồng nhân dân tệ chỉ đứng thứ 9 .
Việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ đồng nghĩa với việc giảm rủi ro tỷ giá hối đoái đối với Trung Quốc trong thương mại và đầu tư. Việc này sẽ làm giảm chi phí giao dịch trong thương mại xuyên biên giới, giảm rủi ro biến động tỷ giá hối đoái và tăng số lượng và khối lượng các giao dịch tài chính bằng đồng nhân dân tệ. Có thể vay bằng đồng nhân dân tệ và trả nợ bằng đồng nhân dân tệ cũng sẽ mang lại sự tự do và thanh khoản cao hơn cho các công ty và tổ chức chính phủ Trung Quốc. Hơn nữa, việc này sẽ cho phép Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Hiện tại, Trung Quốc có thể bị thiếu USD, cần hàng trăm tỷ (USD) để giải quyết và trả nợ. Việc sử dụng đồng USD buộc Trung Quốc phải vận hành trong một hệ thống tiền tệ quốc tế do Hoa Kỳ điều hành, thay vì một hệ thống tiền tệ do Trung Quốc điều hành. Do việc sử dụng rộng rãi đồng USD, các tổ chức tài chính Hoa Kỳ đóng vai trò chủ đạo trên thị trường tài chính toàn cầu. Nếu đồng nhân dân tệ là một loại tiền tệ quốc tế, phần lớn hoạt động kinh doanh này có thể được thực hiện bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính Trung Quốc. Về mặt an ninh quốc gia, Trung Quốc muốn Hoa Kỳ không biết hoặc kiểm soát bất kỳ giao dịch tài chính nào của mình.
Lợi tức của chứng khoán kho bạc Hoa Kỳ không cao lắm so với các lựa chọn thay thế, nhưng loại chứng khoán này được các nước trên thế giới nắm giữ rộng rãi vì ngoài việc được coi là có khả năng vỡ nợ rất thấp, chúng còn được giao dịch dễ dàng. Vì các giao dịch và thương mại quốc tế được định giá bằng USD, nên USD rất hữu dụng. Ngược lại, nếu thương mại quốc tế được tiến hành nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ, sẽ thuận lợi cho các quốc gia nắm giữ tỷ lệ dự trữ bằng đồng nhân dân tệ lớn hơn, điều này một lần nữa sẽ làm tăng nhu cầu đối với đồng tiền này, tăng giá trị và tiếp tục quốc tế hóa nhân dân tệ.
Từ quan điểm quan hệ công chúng, việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm tiền tệ quốc tế sẽ hỗ trợ hình ảnh mong muốn của Trung Quốc với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu. Về sức mạnh địa chính trị, Trung Quốc cũng sẽ có thể gây ảnh hưởng và kiểm soát nhiều hơn đối với nước ngoài, nếu các nước đó phụ thuộc vào đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Một trong những bước mà Trung Quốc đã thực hiện để khuyến khích quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là chiến lược “một loại tiền tệ, hai thị trường”. Hệ thống này cho phép chế độ duy trì cả đồng nhân dân tệ trong nước và ngoài nước, với một bức tường lửa ở giữa. Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài có thể chuyển đổi hoàn toàn, trong khi đồng nhân dân tệ trong nước chỉ có thể chuyển đổi một phần. Các thị trường nội địa, hoặc CNY, đã trải qua một số sự gia tăng về tính linh hoạt, nhưng vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng trung ương, vốn chỉ cho phép ngân hàng giao dịch trong phạm vi hẹp. Ngược lại, trên thị trường CNH, hoặc thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài, ngân hàng trung ương không đặt giá và biên độ giao dịch. Mặc dù cả hai thị trường giao dịch về cơ bản cùng một loại tiền tệ, nhưng chênh lệch giá có thể phát sinh, tùy thuộc vào cách các tác nhân trong hai thị trường phản ứng với những thay đổi trong điều kiện kinh tế hoặc thị trường, hoặc hành vi của các tác nhân khác.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự biến động của cả đồng nhân dân tệ trong nước và nước ngoài đã có tác động đáng kể đến các đồng tiền của Á Châu, đặc biệt là thông qua thị trường ngoại hối nhân dân tệ quốc tế ở Hồng Kông. Trong khi ảnh hưởng này đang gia tăng, các chuyên gia vẫn tin rằng sự gia tăng hơn nữa tầm quan trọng của đồng nhân dân tệ phụ thuộc vào sự tự do hóa tiền tệ ở Trung Quốc.
Có vẻ như chế độ Trung Cộng muốn duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong nước, bao gồm kiểm soát công dân, nền kinh tế, và tiền tệ, nhưng cũng muốn thu lợi từ việc tham gia vào các thị trường thế giới. Hai mục tiêu này thường mâu thuẫn với nhau, vì việc xây dựng lòng tin của các tác nhân nước ngoài phụ thuộc vào việc tự do hóa thị trường tài chính, tăng quyền tự do kinh tế, và để quốc gia được tiếp xúc với các lực lượng của thị trường [quốc tế], tất cả đều có thể mang lại kết quả kinh tế tốt hơn cho Trung Quốc.
Để đồng nhân dân tệ thực sự trở thành một loại tiền tệ quốc tế, Trung Cộng sẽ phải tăng cường khả năng di chuyển vốn tự do, phát triển thị trường thanh khoản hơn, tự do hóa lãi suất và tỷ giá hối đoái, đồng thời nâng cao niềm tin của người dân vào đồng tiền này. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh phải sẵn sàng từ bỏ một số biện pháp kiểm soát tiền tệ và nền kinh tế. Ngoài ra, quốc gia này sẽ phải thiết lập các kiểm tra và cân bằng thực sự trong hệ thống pháp luật của mình và có sự minh bạch thực sự. Vẫn còn phải xem liệu Trung Cộng có sẵn sàng và có thể thực hiện các biện pháp này hay không.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: