CHUYÊN ĐỀ PROTEIN GAI: Tổn Thương & Điều trị (P.1)
Sự tồn tại của protein gai trong cơ thể có liên quan chặt chẽ đến hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine. Tác động của protein gai từ vaccine mRNA COVID-19 đối với sức khỏe con người đang là chủ đề ngày càng được quan tâm gần đây. Trân trọng giới thiệu với quý độc giả Chuyên đề 17 phần về Protein gai: Những tổn thương và những cập nhật về điều trị.
Phần 1: Protein gai làm gián đoạn khả năng miễn dịch của hàng triệu người nhiễm COVID hoặc sau chích ngừa: Cách điều trị protein gai
Protein gai có thể gây viêm, ức chế đáp ứng của interferon loại 1 và giảm quá trình tự thực, v.v., từ đó làm rối loạn hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu cho thấy protein gai của SARS-CoV-2 là loại protein viêm có độc tính cao, có thể gây bệnh cho vật chủ.
Sự tồn tại của protein gai trong cơ thể có liên quan chặt chẽ đến hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine. Nhiều nghiên cứu cho biết protein gai thường có mặt và đôi khi tồn tại vài tháng ở những bệnh nhân có triệu chứng hậu nhiễm COVID hoặc chích ngừa.
Số lượng người gặp hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine đang ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ, dần trở thành một vấn đề về y tế.
Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính rằng, khoảng 7% người Mỹ hiện có triệu chứng của COVID kéo dài, tương đương với hơn 15 triệu người. Một số người trong đó bị suy nhược đến mức không thể đi làm, tương tự với những người có triệu chứng hậu chích vaccine.
Hơn 880,000 người đã báo cáo về các triệu chứng hậu chích vaccine COVID cho cơ sở dữ liệu của Hệ thống báo cáo biến cố bất lợi của vaccine (VAERS).
Tuy nhiên, các nhà thống kê cho rằng con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
Nhà sinh học phân tử người Canada Jessica Rose ước tính rằng, hệ số báo cáo thiếu là 31 và hơn 27 triệu người Mỹ đang trải qua các tác dụng phụ hậu chích vaccine.
Tiến sĩ Pierre Kory cho biết hôm 15/10 tại hội nghị Front Line COVID-19 Critical Care Alliance (FLCCC) rằng: “Số người bị ảnh hưởng bởi vaccine là rất lớn.”
“Con số là rất lớn … họ không được chăm sóc đầy đủ và đáp ứng các nhu cầu cần thiết.”
Tuy vậy, nhiều bác sĩ đang tìm cách thay đổi hiện trạng này. FLCCC đang đi đầu trong việc điều trị COVID-19, hội chứng COVID kéo dài và hội chứng hậu chích vaccine.
Không có bất kỳ nghiên cứu quy mô lớn nào được thực hiện về phương pháp điều trị triệu chứng hậu chích ngừa. Dựa trên quan sát lâm sàng, phản hồi từ bệnh nhân và nghiên cứu mở rộng, FLCCC đã đưa ra các đề nghị điều trị cập nhật.
Người đồng sáng lập và là giám đốc khoa học của FLCCC, Tiến sĩ Paul Marik nói với The Epoch Times, các đề nghị có thể thay đổi dựa trên phản hồi của bệnh nhân, cũng như dựa trên nghiên cứu về những phương pháp mới.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về các lựa chọn điều trị, trước tiên chúng ta cần hiểu protein gai có thể tàn phá cơ thể như thế nào.
Cơ chế bệnh sinh của protein gai
Hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine có mức độ trùng lặp khá cao do cả hai đều liên quan đến sự hiện diện của protein gai trong thời gian dài, ngoài ra, các triệu chứng của cả hai cũng có nhiều điểm tương tự.
Ông Marik chia sẻ tại hội nghị FLCCC: “Vấn đề cốt lõi của hội chứng hậu chích vaccine là ‘rối loạn điều hòa miễn dịch’ kinh niên.”
Protein gai có thể gây viêm kinh niên. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm sẽ khiến tế bào căng thẳng, bị tổn thương và thậm chí có thể tử vong. Các tế bào tổ hợp thành các mô, các mô khác nhau tạo thành hệ cơ quan khác nhau, và các cơ quan tạo nên hệ sinh lý cơ thể. Do đó, tổn thương do protein gai là một hội chứng tổn thương hệ thống.
Protein gai kích hoạt viêm kinh niên bằng cách gây rối loạn miễn dịch. Protein gai có thể xâm nhập vào tế bào miễn dịch, ức chế phản ứng miễn dịch thông thường và kích hoạt con đường gây viêm.
Khi tế bào miễn dịch bị nhiễm bệnh, thông thường nó sẽ giải phóng các interferon loại 1 để truyền tín hiệu cho tế bào miễn dịch khác, từ đó làm tăng khả năng bảo vệ chống lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, khi quá trình nhiễm bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát, protein gai có thể ức chế tín hiệu này ở tế bào nhiễm bệnh và phá hủy những tế bào bình thường.
Ông Marik nói rằng một khía cạnh quan trọng của tổn thương protein gai trong thời gian dài là khả năng ức chế quá trình tự thực, một hoạt động giúp tái chế những tế bào bị tổn thương. Thông thường, khi nhiễm virus, tế bào sẽ cố gắng phá hủy và loại bỏ virus dưới dạng chất thải.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy quá trình tự thực bị suy giảm ở những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có tình trạng protein gai tồn tại nhiều tháng sau lần phơi nhiễm đầu tiên.
Ông Marik nói: “Protein gai thực sự nguy hiểm. Nó ức chế quá trình tự thực, đó là lý do tại sao các gai có thể tồn tại trong thời gian dài đến vậy.”
Rối loạn chức năng của tế bào miễn dịch
Tình trạng rối loạn chức năng miễn dịch do protein gai không chỉ gây viêm mà còn góp phần tăng sinh khối u và dẫn đến bệnh tự miễn.
Nhiều nghiên cứu cho biết protein gai có thể ức chế hoạt động của tế bào T và tế bào tiêu diệt tự nhiên, hai loại tế bào chịu trách nhiệm tiêu diệt tế bào bị bệnh và tế bào ung thư. Do đó, khả năng miễn dịch suy yếu của tế bào T và tế bào tiêu diệt tự nhiên có thể khiến cơ thể không kịp loại bỏ các tế bào nhiễm protein gai.
Protein gai có thể phá hủy DNA và nhiều nghiên cứu cho biết protein cũng ức chế quá trình sửa chữa DNA. Căng thẳng do yếu tố tâm lý và môi trường (như tia cực tím, chất ô nhiễm, chất oxy hóa) có thể khiến DNA thường xuyên bị tổn thương, nên DNA cần phải được sửa chữa liên tục.
Những tế bào có DNA tổn thương sẽ dễ bị ung thư hóa, và chúng cần bị tiêu diệt để ngăn hình thành ung thư. Tuy nhiên, do tế bào T và tế bào tiêu diệt tự nhiên bị ức chế, những tế bào này có thể tăng sinh không kiểm soát và dẫn đến ung thư.
Một số rối loạn chức năng khác được báo cáo sau khi chích ngừa bao gồm các bệnh tự miễn.
Nguyên nhân có thể là do protein gai có mức độ bắt chước phân tử cao, nghĩa là protein gai có nhiều vùng tương tự với protein của cơ thể.
Do vậy, khi hệ miễn dịch tấn công protein gai, do sự tương đồng về cấu trúc, các kháng thể chống lại protein gai cũng có thể phản ứng với protein và mô cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho biết các kháng thể được tạo ra để chống lại protein gai cũng có thể gắn và tấn công các mô của chính cơ thể.
Protein gai gây ra tình trạng mệt mỏi
Protein gai cũng làm rối loạn chức năng ty thể. Ty thể được coi là nhà máy điện của tế bào, chịu trách nhiệm sản xuất năng lượng từ phân tử đường.
Protein gai khiến tế bào thần kinh sản xuất nhiều loại oxy phản ứng hơn. Đây là dấu hiệu của rối loạn chức năng ty thể, cho thấy tình trạng giảm sản xuất năng lượng.
Những người có hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine thường bị mệt mỏi kinh niên, sương mù não, suy giảm khả năng gắng sức và nhược cơ, tương tự như những người bị rối loạn chức năng ty thể. Từ đó có thể thấy, giữa hai bệnh này có mối liên quan rõ ràng.
Protein gai phá hủy mạch máu và cơ quan
Protein gai đặc biệt gây hại cho tế bào lót mạch máu nhờ khả năng gắn với thụ thể ACE2 và CD147 và kích hoạt con đường gây viêm.
Những thụ thể này đặc biệt có nhiều ở mạch máu, tim, hệ miễn dịch, buồng trứng và một số cơ quan khác. Do đó, protein gai có thể gây viêm, phá hủy mạch máu và các cơ quan liên quan, dẫn đến tình trạng tổn thương hệ thống.
Ông Marik cho biết tổn thương do protein gai gây ra giống với một hội chứng toàn thân hơn là một bệnh cụ thể.
“Đó không phải là bệnh cụ thể. Các triệu chứng không phù hợp với mô hình thường thấy của một bệnh cụ thể. Đó là hội chứng ảnh hưởng đến mọi cơ quan riêng lẻ … protein gai tồn tại ở khắp mọi nơi … vì vậy, đây là một bệnh đa cơ quan và không tuân theo khuôn mẫu thông thường của một bệnh cụ thể, gồm một triệu chứng và một chẩn đoán.”
Phương pháp điều trị đầu tay của FLCCC
Do hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine đều liên quan đến sự hiện diện của protein gai, phương pháp điều trị đầu tay của FLCCC đề nghị nên tập trung vào hai bước chính.
Bước đầu tiên là loại bỏ, bước thứ hai là giảm độc tính của protein gai.
Ông Marik cho biết, đây là những “mục tiêu điều trị chính,” sau đó, cơ thể có thể tự chữa lành tổn thương.
Hầu hết các phương pháp điều trị đầu tay đều tập trung vào việc loại bỏ protein gai bằng cách tái kích hoạt cơ chế tự thực – một quá trình bị điều hòa giảm bởi protein gai.
Việc thực hiện nhịn ăn gián đoạn và trị liệu quang sinh học có thể đẩy nhanh quá trình tự thực. Trị liệu quang sinh học là phương pháp sử dụng ánh sáng đỏ hoặc cận hồng ngoại để kích thích tự thực trong tế bào.
Nhịn ăn gián đoạn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như cải thiện độ nhạy insulin, giảm cân, giảm viêm và bệnh tự miễn, v.v.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc nhịn ăn gián đoạn không được khuyến khích ở những người dưới 18 tuổi do ảnh hưởng đến sự phát triển. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng không nên nhịn ăn gián đoạn. Những người bị bệnh tiểu đường và bệnh thận cần kiểm tra với bác sĩ trước khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn.
Mặc dù nhịn ăn gián đoạn có thể không phù hợp với tất cả mọi người, vẫn có những lựa chọn khác giúp đẩy nhanh quá trình tự thực và giảm độc tính của protein gai.
Ivermectin
Ivermectin là loại thuốc được FLCCC và nhiều bác sĩ sử dụng để điều trị COVID, COVID kéo dài và hội chứng hậu chích vaccine do giá thành rẻ, dễ tiếp cận, độ an toàn cao và tỷ lệ đáp ứng cao.
Loại thuốc này có hiệu quả cao trong điều trị kháng virus, chống ký sinh trùng, chống viêm và đẩy nhanh quá trình tự thực.
Ivermectin cũng giúp loại bỏ protein gai. Nhiều nghiên cứu cho biết ivermectin có ái lực cao với protein gai và có thể gắn, vô hiệu hóa và cố định một cách dễ dàng để tiêu hủy protein gai.
Ivermectin cũng trực tiếp ức chế con đường gây viêm được kích hoạt bởi protein gai, gồm con đường NF-KB kích hoạt cytokine viêm và toll-like receptor 4.
Các bác sĩ của FLCCC cho biết việc dùng ivermectin và thực hiện nhịn ăn gián đoạn có thể có tác dụng “hiệp đồng” để loại bỏ protein gai trong cơ thể và đề nghị nên dùng ivermectin cùng hoặc ngay sau bữa ăn.
Ivermectin cũng gắn với ACE2 và CD147, do đó ngăn chặn protein xâm nhập và gây viêm trong tế bào. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy ivermectin có thể duy trì nguồn năng lượng do ty thể sản xuất ngay cả trong điều kiện thiếu oxy.
Ông Kory cho biết khoảng 70 đến 90% bệnh nhân có hội chứng hậu chích vaccine có đáp ứng với thuốc, thường là trong 10 ngày.
Ông Marik nói: “Có thể phân loại bệnh nhân thành có đáp ứng hoặc không đáp ứng với ivermectin … những người không đáp ứng— thường là nhóm khó điều trị.”
Những bệnh nhân sau bốn đến sáu tuần không đáp ứng với thuốc, thường được đề nghị nên điều trị tích cực hơn.
Khi dùng quá liều, ivermectin có thể gây lú lẫn, mất định hướng không gian và thậm chí có thể tử vong. Tuy nhiên, thuốc có tính an toàn cao khi dùng với liều hợp lý. Hiện tại, do có rất ít tài liệu về việc dùng thuốc ở phụ nữ có thai, FLCCC cảnh báo không nên dùng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Tiến sĩ Satoshi Ohmura, người phát hiện tác dụng của ivermectin trong điều trị COVID-19, đã viết trong một nghiên cứu: “Ivermectin liên tục được chứng minh là an toàn một cách đáng ngạc nhiên đối với con người.”
“Thật vậy, đây là loại thuốc an toàn, ít tác dụng phụ, thậm chí những người không phải là nhân viên y tế và không biết đọc ở vùng nông thôn hẻo lánh cũng có thể sử dụng được, miễn là họ được hướng dẫn một cách bài bản và thích hợp.”
Naltrexone liều thấp
Naltrexone liều thấp (LDN) gần đây được nhiều hãng đưa tin là một phương pháp để điều trị COVID kéo dài.
Ông Marik nói: “Chúng tôi đã dùng thuốc này trong nhiều tháng. Naltrexone liều thấp là một loại thuốc chống viêm rất mạnh, được dùng để điều trị nhiều bệnh viêm kinh niên.”
Về mặt lâm sàng, các bác sĩ của FLCCC đã chứng kiến nhiều bệnh nhân cải thiện triệu chứng sau khi dùng LDN, mặc dù có thể mất vài tháng để thấy rõ sự cải thiện.
Naltrexone liều thông thường được dùng để ngăn ngừa tình trạng quá liều ở những người nghiện chất. Tuy nhiên, khi giảm xuống khoảng 1/10 nồng độ bình thường, từ 1mg đến 4,5mg LDN, cơ chế của thuốc đã thay đổi đáng kể.
LDN có tác dụng chống viêm; các nghiên cứu cho thấy LDN có thể ức chế toll-like receptor gây viêm, giảm sản xuất cytokine viêm và ngăn chặn các đợt viêm nhiễm.
LDN có tác dụng cân bằng hoạt động giữa cytokine loại Th1 và Th2.
Các cytokine loại Th1 có xu hướng tạo ra phản ứng tiền viêm để tiêu diệt ký sinh trùng nội bào và đẩy mạnh các hoạt động tự miễn. Trong khi đó, các cytokine loại Th2 thường có nhiều hoạt động chống viêm và có thể ức chế hoạt động của cytokine Th1.
LDN điều chỉnh có chọn lọc sự cân bằng này bằng cách giảm hoạt động của Th1 và tăng hoạt động của Th2.
Về mặt lâm sàng, LDN được chứng minh là có hiệu quả với triệu chứng thần kinh của hội chứng hậu COVID và hậu vaccine. FLCCC cho biết thuốc có hiệu quả trong điều trị chứng đau thần kinh, sương mù não, mệt mỏi, liệt dây thần kinh mặt và dị cảm trên mặt.
Điều này là do tác dụng giảm viêm thần kinh của LDN. Thuốc có tác dụng bảo vệ thần kinh, có thể vượt qua hàng rào máu não và ức chế hoạt động gây viêm của tế bào vi thần kinh đệm, loại tế bào trong não có chức năng tương tự tế bào miễn dịch.
Resveratrol
Resveratrol là loại dược phẩm dinh dưỡng thường có nhiều trong hoa quả, đặc biệt là trong đậu phộng, quả hồ trăn, nho, rượu vang đỏ và trắng, quả việt quất, nam việt quất, thậm chí là cả cacao và chocolate đen.
Resveratrol cũng có mặt trong các thực phẩm bổ sung, nhưng do sinh khả dụng thấp, FLCCC đề nghị nên dùng chung với quercetin.
Resveratrol là chất chống viêm và chống oxy hóa. Các nghiên cứu cho biết dược chất này có tính chọn lọc cao trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Resveratrol có thể kích hoạt con đường sửa chữa DNA, làm giảm căng thẳng tế bào và ngăn ngừa hình thành ung thư.
Ở các tế bào bị căng thẳng, resveratrol có thể ức chế các loại oxy phản ứng do ty thể sản xuất và đẩy nhanh quá trình tự thực. Trong các nghiên cứu trên động vật, việc sử dụng resveratrol đã làm tăng tuổi thọ của ruồi giấm và giun tròn, cho thấy đặc tính chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ của resveratrol.
Aspirin liều thấp
Tương tự như ivermectin, aspirin là loại thuốc có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Aspirin là chất chống viêm và chống đông máu. Do đó, thuốc làm giảm khả năng hình thành vi huyết khối trong mạch máu. Các nghiên cứu cho biết aspirin cũng giảm con đường gây viêm, giảm căng thẳng oxy hóa và bảo vệ thần kinh.
Những người mắc hội chứng hậu vaccine COVID thường hay phàn nàn về tình trạng suy giảm nhận thức thần kinh, gồm chứng sương mù não và đau thần kinh ngoại vi.
Nhiều nghiên cứu về Alzheimer cho biết việc dùng aspirin có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức, mặc dù kết quả không thống nhất giữa các nghiên cứu.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy những con chuột được uống aspirin ít bị suy giảm nhận thức hơn. Các nghiên cứu trên những con chuột bị tổn thương dây thần kinh cũng cho thấy aspirin có thể bảo vệ thần kinh nhờ đặc tính chống viêm hiệu quả.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng aspirin có thể gây chảy máu trong thai kỳ.
Melatonin
Melatonin là loại hormone do tuyến tùng sản xuất có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Ngoài ra, melatonin cũng có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.
Ở mức tế bào, melatonin giúp bảo vệ ty thể nhờ tác dụng giảm các loại oxy hoạt động. Do ty thể tiêu thụ rất nhiều oxy, khi độc tố môi trường như bức xạ hoặc tiếp xúc với protein gai khiến ty thể bị căng thẳng, nó có thể tạo ra các loại oxy phản ứng.
Melatonin, một chất chống oxy hóa, có thể ngăn ngừa tổn thương oxy hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy melatonin cũng ngăn ngừa rò rỉ điện từ trong ty thể và do đó tối đa hóa quá trình sản xuất năng lượng.
Melatonin cũng đẩy mạnh quá trình tự thực bằng cách bỏ chặn con đường tự thực, giúp tế bào phá vỡ và loại bỏ protein gai.
Do đặc tính chống oxy hóa, melatonin có thể sửa chữa tổn thương DNA do gốc tự do gây ra. Melatonin và các chất chuyển hóa liên quan cũng kích hoạt các gen đẩy nhanh quá trình sửa chữa DNA và ngăn chặn hoạt động của những gen có thể khiến DNA bị hư hỏng.
Melatonin cũng có đặc tính chống ung thư. Các nghiên cứu trên động vật về melatonin cho biết những động vật được sử dụng melatonin có tỷ lệ tăng sinh khối u thấp hơn bình thường.
Melatonin cũng được FLCCC đề nghị trong điều trị chứng ù tai, một triệu chứng của hậu vaccine và COVID kéo dài. Triệu chứng bao gồm ù tai và rối loạn giấc ngủ nếu tình trạng trở nên trầm trọng. Melatonin có thể làm giảm ù tai và cải thiện giấc ngủ.
Phân biệt hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine
Hội chứng COVID kéo dài và hậu chích vaccine đều xảy ra do tăng tải lượng protein gai và có những tổn thương gây ra bởi việc tiếp xúc với protein gai, do đó chúng ta có thể điều trị cả hai theo cách tương tự.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết hai tình trạng này có sự khác biệt nhỏ trong một số biểu hiện lâm sàng và do đó, FLCCC đang ưu tiên điều trị với các phương pháp khác nhau.
Ông Marik nói: “Trong tổn thương do vaccine, triệu chứng và cơ quan nổi bật nhất là thần kinh. Theo quan sát của ông, khoảng “hơn 80% bệnh nhân có tổn thương do vaccine là suy giảm thần kinh ở mức độ nhất định.”
Ông Marik cho biết hội chứng hậu vaccine có thể khó điều trị và dai dẳng hơn so với COVID kéo dài, nhất là với những người có triệu chứng suy nhược kéo dài gần hai năm.
Do vậy, việc điều trị cho những người có triệu chứng hậu chích vaccine cần “tích cực hơn và nhắm mục tiêu nhiều hơn vào não bộ,” ông Marik nói.
Ông Marik cho biết: “Có vẻ triệu chứng của COVID kéo dài sẽ cải thiện hơn theo thời gian. Mặc dù một số tình trạng vẫn còn dai dẳng, nhưng triệu chứng sẽ dần tự khỏi ở một mức độ nào đó. Vấn đề với những tổn thương do vaccine là chúng có thể tồn tại kéo dài. Chúng tôi có những bệnh nhân đã được chích ngừa vào tháng 12/2020 … [những người] hiện vẫn còn những tổn thương ở mức độ nặng.”
“Cả hai hội chứng đều tương tự nhau, nhưng chúng tôi chú trọng nhiều hơn đến tổn thương do vaccine vì đây là tình trạng khó điều trị hơn.”
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times