Probiotics trở thành một liệu pháp mới trong cuộc chiến chống ung thư
Nghiên cứu cho thấy lợi khuẩn đường ruột đóng một vai trò quyết định trong nhiều cơ chế sinh bệnh.
Theo nghiên cứu, probiotics làm biến đổi sinh học các dưỡng chất, chống lại các độc tố và mầm bệnh trong cơ thể, ảnh hưởng đến tâm trạng, cân nặng, và đôi khi có thể ngăn ngừa ung thư.
Đa số mọi người sẽ nghĩ đến probiotics — lợi khuẩn giúp đường ruột khỏe mạnh — như một thứ có thể thêm vào sữa chua hoặc dùng cùng với thuốc kháng sinh để bảo vệ hệ vi sinh vật đường ruột không bị tổn hại.
Quan điểm này về probiotics thường mở rộng ra “prebiotics” — những thực phẩm chứa nhiều chất xơ là thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột — và “postbiotics” — các chất do probiotics tiết ra.
Nhưng khoa học tương đối mới về hệ vi sinh vật đường ruột cho thấy rằng probiotics có nhiều hoạt động phức tạp và có giá trị. Theo nghiên cứu, probiotics làm biến đổi sinh học các dưỡng chất và chống lại các độc tố và mầm bệnh trong cơ thể, ảnh hưởng đến tâm trạng và cân nặng, và đôi khi có thể ngăn ngừa ung thư và sự tiến triển của khối u.
Hiện đã có nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của probiotics đối với các bệnh ung thư ruột kết, miệng, vú, cổ tử cung và tuyến tụy.
Cơ chế tác dụng của probiotics
Theo một nghiên cứu năm 2020 trên Tập san Y sinh và Dược liệu pháp, các cơ chế hoạt động chính của probiotics bao gồm:
- Liên kết, giáng hóa và ức chế chất gây đột biến [tác nhân làm thay đổi vật chất di truyền].
- Ngăn ngừa chất sinh ung thư và chuyển đổi các chất gây ung thư có hại, gây độc và phản ứng mạnh.
- Giảm pH ruột nhờ tạo ra các acid béo chuỗi ngắn từ quá trình phân hủy carbohydrate không tiêu hóa được.
- Tiết ra các phân tử chống viêm giúp điều biến và tăng miễn dịch bẩm sinh của vật chủ.
Theo một nghiên cứu năm 2019 trên Oncology Reviews, khi chống lại ung thư ruột kết, probiotics có thể có những cơ chế hoạt động sau:
- Tăng phản ứng miễn dịch của vật chủ.
- Thay đổi hoạt động trao đổi chất của hệ vi sinh đường ruột.
- Liên kết và phân hủy các chất gây ung thư.
- Sản xuất các hợp chất chống biến đổi gen.
- Thay đổi các điều kiện sinh lý trong ruột kết.
Khi nói đến khả năng chống lại bệnh ung thư cổ tử cung, một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tập san Phòng chống Ung thư Âu Châu cho thấy probiotics có các tác dụng sau:
- Bình thường hóa hệ vi sinh vật đường ruột.
- Giảm các chất độc hại do vi khuẩn đường ruột tạo ra.
- Gia tăng hoạt động của tế bào NK [tế bào diệt tự nhiên].
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã viết rằng probiotics có khả năng loại bỏ các tổn thương cổ tử cung do papillomavirus ở người (HPV), thường xuất hiện trước và có liên quan đến ung thư cổ tử cung nhờ:
- Khôi phục hệ vi sinh vật (vi khuẩn) âm đạo.
- Tiêu diệt trực tiếp mầm bệnh.
- Cạnh tranh thụ thể tế bào vật chủ [với virus].
- Can thiệp vào biểu hiện gen của mầm bệnh.
Rõ ràng, probiotics không chỉ là lợi khuẩn ‘một tác dụng,’ mà còn có thể giúp chống lại bệnh ung thư.
Chẩn đoán ung thư đang gia tăng
Không ai ngạc nhiên khi các chẩn đoán ung thư đang gia tăng. Theo Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật, chấn thương và các yếu tố rủi ro toàn cầu năm 2019, có 18,7 triệu người trên toàn thế giới được chẩn đoán ung thư vào năm 2010 so với 23,6 triệu người vào năm 2019.
Theo The Harvard Gazette, tỷ lệ bị ung thư ở những người dưới 50 tuổi, được gọi là ung thư khởi phát sớm, “đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới, bắt đầu vào khoảng năm 1990.”
Tuy nhiên, những người đã từng bị ung thư hoặc có bạn bè và gia đình bị ung thư đều biết, việc điều trị hiếm khi có thể chữa khỏi và có thể mang lại kết quả đáng thất vọng.
Theo nghiên cứu năm 2020 về Y sinh và Dược trị liệu, ung thư không chỉ “chưa có phương pháp chữa trị phù hợp” mà còn có những “nghi ngờ về tính an toàn và ổn định của các loại thuốc hóa trị liệu tiêu chuẩn và các chất tổng hợp được dùng để quản lý ung thư.”
“Nhiều loại thuốc và tác nhân hóa trị liệu nội tiết tố không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh và gây ra tình trạng kháng thuốc. Bên cạnh đó, các loại thuốc gây độc tế bào này có liên quan đến các tác dụng phụ đe dọa tính mạng. Phần lớn đều tồi tệ hơn so với sự ác tính của chính bệnh ung thư,” các nhà nghiên cứu viết.
Một số bệnh ung thư đã chứng minh hiệu quả đáng khích lệ khi điều trị bằng probiotics bao gồm:
Ung thư ruột kết
Ung thư ruột kết, hay ung thư đại trực tràng (CRC), gây ra gần 700,000 ca tử vong mỗi năm, sau ung thư phổi, gan và dạ dày. Do những thiệt hại của căn bệnh này đối với con người và vị trí khu trú của probiotics trong ruột, tác động của probiotic đối với ung thư ruột kết đã được nghiên cứu một cách đặc biệt.
“Bằng chứng cho thấy rằng những thay đổi trong môi trường vi sinh đường ruột, chẳng hạn như những thay đổi không mong muốn trong thành phần hệ vi sinh vật, tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng viêm ruột và hình thành môi trường phát triển của khối u, trong khi việc dùng một số loại probiotics có thể đảo ngược tình trạng này ở một mức độ nhất định,” theo nghiên cứu năm 2020 trên Tập san Y học oxy hóa và tuổi thọ tế bào.
“Một thử nghiệm mù đôi về synbiotics … [một hỗn hợp probiotics và prebiotics] ở 37 bệnh nhân bị CRC [ung thư đại trực tràng] và 43 bệnh nhân cắt polyp đại trực tràng đã cho thấy sự gia tăng mức độ phong phú của Lactobacillus và Bifidobacterium [hai loại probiotics], trong khi số lượng Clostridium perfringens [một loại vi khuẩn liên quan đến ngộ độc thực phẩm] giảm ở bệnh nhân CRC.”
Ở những bệnh nhân đã cắt bỏ polyp, các nhà nghiên cứu viết rằng “sự can thiệp của synbiotic đã ức chế khả năng tăng sinh tế bào đại trực tràng và hoại tử tế bào ruột kết.”
Các nhà nghiên cứu khác đồng ý [với kết luận trên], viết trên tập san Nutrients vào năm 2019, “Việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng có liên quan đến những thay đổi thuận lợi về số lượng và chất lượng của hệ vi sinh vật đường ruột, cũng như trong hoạt động trao đổi chất và điều kiện hóa lý của ruột.”
Ung thư cổ tử cung
Mỗi năm, 13,000 phụ nữ Hoa Kỳ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung và 4,000 người đã tử vong. Cả xét nghiệm “Pap smear – phết tế bào cổ tử cung” và các loại vaccine gây tranh cãi như Gardasil đều là để giảm thiểu con số đó.
Nghiên cứu được công bố trên Clinical Nutrition ESPEN vào tháng 04 cho biết rằng “nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh hiệu quả của probiotics trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng liều lượng, chủng vi khuẩn và thời gian điều trị có phần không nhất quán.”
Một nghiên cứu năm 2013 trên Tập san Phòng chống Ung thư Âu Châu cho thấy những phụ nữ dùng probiotics có “cơ hội loại bỏ bất thường tế bào học liên quan đến nhiễm trùng HPV cao gấp đôi so với nhóm đối chứng (60% so với 31%).”
Như đã lưu ý trước đó, nhiễm trùng HPV có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
Ung thư vú
Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 264,000 phụ nữ được chẩn đoán ung thư vú, trong đó có 42,000 người tử vong.
Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2019 trên tập san Oncology Reviews lưu ý rằng probiotics cho thấy hiệu quả với bệnh ung thư vú.
“Kết quả cho thấy thời gian sống sót của nhóm L. acidophilus [một loại probiotic] tăng đáng kể so với nhóm đối chứng, chứng minh rằng phương pháp điều trị này có thể hoạt hóa các phản ứng miễn dịch thông qua việc kích thích tạo ra các cytokine tiền viêm như IFN -γ [interferon gamma] và ức chế tạo ra các cytokine chống viêm như IL-4 [interleukin 4] và IL-10 [interleukin 10]. Các nghiên cứu bổ sung trên động vật đã xác nhận rằng việc uống L. acidophilus cho thấy hoạt động chống ung thư ở những con chuột mang khối u vú,” nghiên cứu cho biết.
Trong một nghiên cứu năm 2020 trên tập san Cancers, các nhà nghiên cứu đã viết: “Một số nghiên cứu in vivo và in vitro cho thấy bằng chứng đáng chú ý rằng cách ăn uống, probiotics và prebiotics có thể có các tác dụng chống ung thư quan trọng trong BC [ung thư vú]. Hơn nữa, hệ vi sinh vật đường ruột giữ một vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển hóa các thuốc hóa trị liệu và hoạt động của hóa trị liệu miễn dịch. Những vi khuẩn này là yếu tố trung gian ưu thế tiềm năng trong phản ứng với liệu pháp điều trị ung thư.”
Chính phủ Hoa Kỳ đang tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của probiotics trong điều trị ung thư vú.
Probiotics có thể hiệu quả với các chứng bệnh khác
Nhiều độc giả của The Epoch Times có thể biết rằng ung thư tuyến tụy là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, có tỷ lệ tử vong cao.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2021 trên tập san Nutrients, probiotics có thể mang lại hy vọng cho người bệnh ung thư này.
Các nhà nghiên cứu viết: “Mối liên quan giữa hệ vi sinh vật đường ruột và ung thư tuyến tụy đã được phân tích chuyên sâu trong vài năm qua. Sự thay đổi của hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến quá trình hình thành ung thư tuyến tụy. Vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến chuỗi các phản ứng tạo khối u.”
“Việc bổ sung hệ vi sinh vật đường ruột bằng các phương pháp, chẳng hạn như prebiotics, probiotics, probiotics thế hệ tiếp theo, synbiotics và cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân có thể mở ra các chiến lược điều trị mới cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy.”
Theo nghiên cứu năm 2021 trên tập san Frontiers in Aging Neuroscience, việc điều trị các chứng bệnh đường ruột cũng có thể hữu ích với bệnh Parkinson.
“Bằng chứng cho thấy rằng sự khởi phát của các triệu chứng không vận động, chẳng hạn như các biểu hiện về tiêu hóa, thường xảy ra trước các triệu chứng vận động và chẩn đoán bệnh. Điều này ủng hộ cho vai trò tiềm năng của trục hệ vi sinh vật-ruột-não trong cơ chế bệnh lý nền của bệnh Parkinson,” những người đánh giá viết, đề cập đến “bằng chứng hiện có liên quan đến các giải pháp can thiệp prebiotic và probiotic.”
Viêm khớp dạng thấp đã trở thành một căn bệnh ngày càng phổ biến với những quảng cáo về nhiều loại thuốc điều trị đắt tiền. Tuy nhiên, các phương pháp tiếp cận tự nhiên hơn bằng probiotics cũng đang mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Theo trang Courtney Medical Group, “Trong một nghiên cứu công bố năm 2014 trên tập san Nutrition, 46 bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp (RA) được chia thành hai nhóm. Một nhóm dùng thực phẩm bổ sung có chứa Lactobacilluscasei hàng ngày và nhóm còn lại được dùng giả dược. Sau khoảng thời gian 8 tuần, một số dấu hiệu viêm đã thấp hơn đáng kể ở nhóm dùng probiotics. Từ đó, khiến các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng, mặc dù cần nghiên cứu thêm để xác nhận kết quả, nhưng những kết luận này có thể dẫn đường cho việc dùng probiotics như một liệu pháp trợ giúp đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.”
Trong một nghiên cứu khác, cả bệnh nhân bị viêm khớp và bệnh nhân khỏe mạnh đều giảm viêm, thường là nguyên nhân gây đau.
Nguồn probiotics
Có thể chèn thêm ảnh phần này
Mặc dù có rất nhiều sản phẩm probiotic tại tiệm tạp hóa hoặc thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng một số loại thực phẩm tự nhiên cũng cung cấp probiotics:
- Dưa cải
- Phô mai Cottage
- Sữa chua
- Kefir (sữa bò, dê hoặc cừu lên men)
- Kombucha (trà đen hoặc trà xanh lên men)
- Miso (tương đậu nành lên men với koji)
- Dưa chua (Dưa chuột lên men bằng vi khuẩn axit lactic của riêng chúng)
- Ô liu (ô liu ngâm nước muối có chứa lợi khuẩn Lactobacillus plantarum và Lactobacillus pentosus)
- Bánh mì chua
- Socola đen
- Kimchi (một món ăn Hàn Quốc có chứa lợi khuẩn Lactobacillus)
- Natto (đậu nành lên men với lợi khuẩn Bacillus subtilis)
Xem xét các sản phẩm probiotics trước khi mua
Probiotics được xem là thực phẩm bổ sung vì vậy không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm kiểm soát. Do đó, với tư cách là người tiêu dùng, bạn cần “đánh giá kỹ lưỡng” khi mua hàng.
Chẳng hạn, một số người khuyên nên tránh xa các nhãn hiệu bán lẻ và mua của nhãn hàng probiotics mà bạn biết. Ngoài ra, hãy bảo đảm rằng nhà sản xuất có quy trình sản xuất tốt — thường được ghi trên nhãn — để tránh các chất có khả năng gây dị ứng. Và luôn kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm.
Để đạt hiệu quả, cần một lượng lớn probiotics tương đương một tỷ “đơn vị hình thành khuẩn lạc” hoặc CFU. Ngoài việc bảo đảm chế phẩm probiotics có chứa nhiều CFU, bạn nên tìm kiếm các khuẩn lạc có chứa Lactobacillus, Bifidobacterium, Bacillus hoặc Saccharomyces boulardii — là những loại được nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, vì probiotics thực sự là những sinh vật sống nên lý tưởng nhất là bảo quản lạnh. Nhiệt độ cao hoặc việc bảo quản không đúng cách sẽ giết chết các vi sinh vật, gồm cả probiotics. Nếu probiotics không được bảo quản lạnh tại cửa hàng, thì đó có thể là dấu hiệu không tốt.
Một số thành phần của thực phẩm tạo thành nang chứa probiotics, chẳng hạn như inulins — polysacarit có nguồn gốc thực vật (còn gọi là fructan) thường có trong rau diếp xoăn. Theo trang Cleveland Clinic, khi ở trong các bọc thực phẩm như inulin, các vi sinh vật này sẽ được cung cấp “thức ăn” và “vẫn sống sót khi còn trên kệ.”
Tú Liên và Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times