Probiotics có thể ngăn ngừa và giảm triệu chứng COVID-19 cho người chưa chích vaccine
Một nghiên cứu mới tiết lộ tỉ lệ chẩn đoán COVID-19 trong số những người sử dụng probiotics gần như chỉ bằng một nửa so với những người sử dụng giả dược.
Nghiên cứu gần đây cho thấy sử dụng probiotics giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 và xuất hiện của triệu chứng ở những người chưa được chích vaccine.
Nghiên cứu, được thực hiện bởi Đại học Duke và công bố trên tập san Clinical Nutrition (Dinh dưỡng Lâm sàng) vào tháng 12/2023, gồm 182 người tham gia. Tất cả đã tiếp xúc với các thành viên trong gia đình mắc COVID-19, nhưng những người tham gia không biểu hiện triệu chứng và không ai trong số họ đã chích vaccine COVID-19. Các nhà nghiên cứu đã chia ngẫu nhiên những người tham gia thành hai nhóm, một nhóm sử dụng probiotics và nhóm còn lại sử dụng giả dược (nhóm đối chứng) trong 28 ngày.
Kết quả cho thấy, trong số 91 người trong nhóm sử dụng probiotics, 24 người xuất hiện triệu chứng, trong khi đó ở nhóm giả dược gồm 91 người, 39 người xuất hiện triệu chứng. Điều này cho thấy rằng triệu chứng phát triển ở nhóm sử dụng probiotics thấp hơn đáng kể so với nhóm giả dược. Hơn nữa, tỉ lệ chẩn đoán COVID-19 trong nhóm bổ sung probiotics là 8.8%, so với 15.4% trong nhóm giả dược. Đáng chú ý, những người trong nhóm sử dụng probiotics có thời gian chẩn đoán xác nhận dài hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng thu thập và phân tích 260 mẫu phân từ 106 người tham gia để đánh giá vi khuẩn đường ruột. Họ phát hiện rằng, so với nhóm đối chứng, những người trong nhóm bổ sung probiotics có lượng L. rhamnosus (vi khuẩn lợi ruột) trong mẫu phân của họ cao hơn đáng kể.
Tiến sĩ Paul Wischmeyer, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu lâm sàng tại Khoa Gây Mê của Đại học Duke và là đồng tác giả chính của nghiên cứu, tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng đã có bằng chứng thuyết phục trước đại dịch COVID-19 cho thấy probiotics góp phần ngăn chặn các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ông trích dẫn một nghiên cứu trẻ sơ sinh quy mô lớn tại Ấn Độ, được công bố trên tập san Nature vào năm 2017, chỉ ra rằng probiotics giúp tăng chức năng miễn dịch thông qua các cơ chế khác nhau. Những cơ chế này bao gồm việc tăng số lượng tế bào T điều chỉnh, giảm cytokine tiền viêm, làm mạnh hơn hàng rào bảo vệ chống lại nhiễm trùng phổi, và điều chỉnh biểu hiện gene chống virus.
Tiến sĩ Wischmeyer chia sẻ thêm rằng, mặc dù quy mô mẫu nghiên cứu có hạn, nghiên cứu này củng cố quan điểm rằng vi sinh vật trong cơ thể con người có thể chống lại virus COVID-19 và bảo vệ chống lại các đại dịch trong tương lai.
Bổ sung probiotics giảm nguy cơ nhiễm COVID-19
Một nghiên cứu trước đó phát hiện ra rằng probiotics thay đổi vi sinh vật đường ruột của ký chủ, sản xuất các chất chống virus và tương tác với hệ thống miễn dịch liên quan đến đường ruột, tăng sức đề kháng. Các tác động miễn dịch của vi sinh vật đường ruột, thông qua sự di chuyển của các tế bào miễn dịch, có thể chuyển sang phổi, bảo vệ hệ thống hô hấp.
Nghiên cứu này, gồm hơn 370,000 người tham gia từ ba quốc gia, tiết lộ rằng những người bổ sung probiotics có nguy cơ nhiễm virus COVID-19 thấp hơn 14% so với những người không sử dụng.
Vai trò của cách ăn uống trong việc nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột
Ngoài việc bổ sung probiotics, thói quen ăn uống lành mạnh cũng có thể tối ưu môi trường tốt nhất cho hệ vi sinh đường ruột.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times