Bộ lịch thếp vàng từ ‘Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry’
Vào nửa đầu thế kỷ 15, Tây Âu đang ở giai đoạn cuối của Chiến Tranh Trăm Năm, hàng loạt các cuộc xung đột giữa Pháp và Anh để giành lấy Vương quốc Pháp hùng mạnh. Chiến tranh và bệnh dịch tràn lan. Nhiều người dân Âu Châu thời Trung Cổ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đau buồn và tuyệt vọng.
Ai ai cũng bị thương tổn.
Trong thời kỳ hỗn loạn như vậy, đức tin mạnh mẽ và các hình thức cầu nguyện là điều cần thiết để tồn tại qua ngày. Ngày qua đêm đến, điều bất biến duy nhất trong giai đoạn đầy thử thách này chính là thời gian. Và như thế, một quyển niên giám giúp con người tiến về phía trước, hy vọng về bình hòa và điều gì đó tốt đẹp hơn – đó là Tương Lai.
Trong nghệ thuật phương Tây, “Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry” là một trong những bộ lịch tinh tế nhất được tìm thấy trong tập bản thảo về đề tài tôn giáo (devotional manuscript) từ đầu thế kỷ 15. Bộ lịch giàu tính trang trí với hình ảnh về lối sống hoàng gia thời Trung Cổ, khung cảnh điền viên cùng kiến trúc Trung Cổ tuyệt đẹp, tất cả đều được khắc họa bằng những màu sắc phong phú và hiếm có và được điểm xuyết bằng vàng ròng.
Toàn bộ kiệt tác thế kỷ 15 của Anh Em Nhà Limbourg được ca ngợi là một trong những ví dụ điển hình nhất còn sót lại của tranh thếp vàng phong cách Gothic Quốc Tế thời cuối. Như vậy, tranh thếp vàng đã có tác động rất lớn không chỉ đến phong cách của các bản thảo thếp vàng (1) về sau mà cả quá trình vẽ tranh.
Ví dụ, nhà sử học nghệ thuật E.H. Gombrich trong cuốn sách “Câu Chuyện Nghệ Thuật” đã nói về họa sĩ xuất chúng Jan van Eyck người Hà Lan vào thế kỷ 15 như sau, “Thay vào đó, ông theo đuổi các phương pháp của Anh Em Nhà Limbourg, và đưa chúng đạt đến độ hoàn hảo khiến ông bỏ lại những ý tưởng nghệ thuật thời trung cổ phía sau.”
Van Eyck có thể đã bỏ lại nghệ thuật thời trung cổ, nhưng nghệ thuật của Anh Em Nhà Limbourg vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những họa sĩ khác. Ví dụ, họa sĩ Flemish ở thế kỷ 16 đã sao chép các hình vẽ nhân vật và đôi khi là toàn bộ bố cục được tìm thấy trong bộ lịch.
Quyển sách thời gian
Tại Châu Âu, những quyển sách thời gian (books of hours) phổ biến nhất trong khoảng thời gian từ năm 1350 đến năm 1480. Tại Pháp quốc, các tập bản thảo này trở nên phổ biến vào năm 1400 khi những người bảo trợ sùng đạo ủy nhiệm cho các họa sĩ làm ra những quyển sách thời gian cho riêng họ: đây một phiên bản văn thơ ngắn của kinh cầu nguyện được các giáo sĩ sử dụng, gồm có các lời cầu nguyện và các bài kệ được đọc vào những thời điểm trong ngày (các giờ đọc kinh trong ngày phụng sự).
Nói chung, ở phần đầu của những quyển sách thời gian đều có bộ lịch về các ngày lễ của nhà thờ và các ngày lễ thánh, thường được minh họa bằng tranh vẽ Những tháng Lao Động (Labors of the Months). Thứ tự của các lời cầu nguyện trong mỗi cuốn sách tùy thuộc vào người chủ sở hữu và vùng miền. Trong số tất cả các sách thếp vàng, quyển sách thời gian về Đức Mẹ Đồng Trinh (the Hours of the Virgin) được xem là quan trọng nhất và được minh họa đẹp nhất.
‘Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry’
Thường được biết đến với cái tên Anh Em Nhà Limbourg, ba anh em họa sĩ người Flemish vẽ các bức tiểu họa (miniature painters) gồm có Paul, Herman và Johan đã tạo ra “Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry.”
Họ có người chú là Jean Malouel, họa sĩ hoàng gia cho Philip the Bold (Công tước xứ Burgundy). Paul và Jean cũng làm việc cho công tước trong hai năm, và khi công tước qua đời vào năm 1404, cả ba anh em đều bắt đầu làm việc cho người anh trai của công tước là Hoàng tử Jean, Công tước Berry, con trai thứ ba của Vua Charles V nước Pháp.
Công tước Berry là một người sưu tập nghệ thuật nhiệt thành. Ông đã biên soạn một bộ sưu tập lớn các bản thảo thếp vàng và một thư viện gồm các luận thuyết về thiên văn, bản đồ học, Kinh thánh, thánh thi, sách truyền giáo và kinh nhật tụng, còn có 15 cuốn Sách Thời Gian.
Công tước đã ủy nhiệm cho Ba Anh Em sáng tác hai bản thảo thếp vàng. Tập sách đầu tiên là “Những thời khắc đẹp của Jean of France, Công tước Berry,” hiện được lưu giữ tại Tu Viện The Met ở New York. Sau đó khoảng từ năm 1412 đến năm 1416, Ba Anh Em đã thực hiện bản thảo “Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry” tại Pháp, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Condé ở Chantilly nước Pháp.
Cuốn sách bị dang dở vào năm 1416 khi Ba Anh Em (đều dưới 30 tuổi) và người bảo trợ Công tước Berry đều qua đời, nhiều người cho rằng là do dịch bệnh. Sau khi Công tước Berry qua đời, cuốn sách được vinh danh là “Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry” bởi các minh họa quá công phu trong sách và để phân biệt cuốn sách chưa được đóng, chưa hoàn thành này với 15 cuốn sách khác trong bộ sưu tập của công tước.
Nhiều chuyên gia vô danh như các thư pháp gia, thợ mạ vàng và họa sĩ chuyên vẽ đường viền trang trí đã ghi dấu ấn của họ trong tập bản thảo “Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry.”
Ngoài Anh Em Nhà Limbourg còn có hai họa sĩ vẽ tranh thếp vàng khác cũng đóng góp vào tập bản thảo. Họa sĩ đầu tiên được cho là Barthélemy van Eyck người Hà Lan. Vào khoảng năm 1440, ông đã hoàn thành một số tác phẩm thếp vàng còn dang dở. Sau đó, giữa năm 1485 và 1489, Công tước xứ Savoy đã ủy quyền cho họa sĩ người Pháp Jean Colombe hoàn thành một số minh họa. Các học giả đã phân biệt các họa sĩ khác nhau bằng phong cách vẽ và trang phục của các nhân vật.
Những người tiên phong trong tranh thếp vàng
Phong cách tranh thếp vàng của Anh Em Nhà Limbourg mang tính tiên phong. Tranh thếp vàng của họ rất quan trọng trong sự phát triển của các tranh phong cảnh và tranh sinh hoạt đời thường theo truyền thống miền Bắc. Trong số 206 trang của “Những thời khắc huy hoàng của Công tước Berry,” có nhiều tranh thếp vàng độc đáo: 66 bức tiểu họa cỡ lớn và 65 bức cỡ nhỏ hơn.
Theo trang web Visual Arts Cork, khi Paul đến thăm nước Ý, ông đã lấy cảm hứng từ những bức bích họa của các họa sĩ Ý như Taddeo Gaddi (con đỡ đầu của Giotto) và Ambrogio Lorenzetti. Sau chuyến đi, các bản vẽ minh họa của Paul đã mô phỏng thậm chí vượt qua các hình vẽ theo chủ nghĩa tự nhiên và phối cảnh tuyến tính đơn giản của các họa sĩ Ý. Ngoài ra, cả Ba Anh Em đều chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Byzantine, điều mà họ quan sát được trong Trường phái Sienese là đề cao truyền thống Byzantine.
Ba Anh Em đã dùng phối cảnh trong tranh của họ, bằng cách kết hợp các nhân vật được vẽ rõ khối, kiến trúc và bóng đổ đã khiến tranh của họ trông chân thực hơn. Nhưng các nhân vật thường có vẻ ngoài cao hơn vốn là đặc trưng của phong cách Gothic Quốc Tế.
Bộ lịch thếp vàng
Phía trên cùng của mỗi tấm lịch thếp vàng là hình ảnh cỗ xe mặt trời, các ngày trong tháng và cung hoàng đạo.
Mùa Đông
Thông thường, lịch Tháng Mười Hai sẽ là hình vẽ một con heo bị săn để chuẩn bị cho bữa tiệc Giáng Sinh của Công tước. Thay vào đó, tranh thếp vàng của Barthélemy van Eyck là một cảnh trong rừng sâu, những con chó săn đang vây quanh một con heo rừng. Xa xa là lâu đài Vincennes nhô lên sau những tán cây – nơi công tước được sinh ra.
Một bữa tiệc đang diễn ra vào Tháng Giêng, trong đó Anh Em Nhà Limbourg đã mô tả một bữa ăn thịnh soạn với đồ ăn, thức uống và bộ dao nĩa đắt tiền. Công tước Berry ngồi phía bên phải bàn với chiếc mũ lông thú khác biệt và chiếc áo choàng màu xanh đậm với họa tiết bằng vàng. Họa tiết hoa bách hợp và những con thiên nga thể hiện trên một tấm thảm treo trên cao. Và tấm thảm ở phía sau biểu thị chiến thắng trong các trận chiến trước đây.
Tháng Hai cho thấy những người hầu đang làm việc trên mảnh đất của công tước vào lúc cao điểm của mùa đông. Những người nông dân đang chăm sóc những con cừu, tại đây còn có những tổ ong. Một người đàn ông đang dắt lừa lên đồi để giao hàng cho dân làng, một người khác đang chặt cây làm củi, và những người khác đang đốt lửa để sưởi ấm bên trong nhà.
Mùa Xuân
Nông dân xới đất vào Tháng Ba để chuẩn bị trồng nho. Một lão nông đang điều khiển hai con bò cày đất, một người chuẩn bị hạt giống và những người khác dường như đang chăm sóc những cây nho của năm ngoái. Còn có một người đang chăm sóc đàn cừu của mình ở bãi đất khác.
Ở góc trên cùng bên phải của bức tranh là hình vẽ một con rồng có cánh đang bay phía trên Lâu đài Lusignan (Poitou) của Công tước xứ Berry, con rồng là biểu tượng của nàng tiên Mélusine. Mélusine được mô tả trong văn hóa dân gian Pháp, các quốc gia vùng đất thấp (Low Countries) và vùng đảo Síp, là một phụ nữ có thân dưới là cá hoặc rắn.
Vào Tháng Tư, một cặp đôi trao nhẫn đính hôn trước sự chứng kiến của mọi người. Khung cảnh đầy những nhân vật duyên dáng trong cả cách ăn mặc và lễ tiết, thanh tao với đôi chân thon dài. Phía sau có thể là Lâu đài Dourdan, vẫn còn tồn tại đến ngày nay, hoặc là Lâu đài Pierrefonds.
Tiếp nối cuộc vui của Tháng Tư, những người thổi kèn vào Tháng Năm dẫn đầu một nhóm thanh niên tiến vào rừng để chọn những nhành lá kết làm vương miện hoặc vòng cổ, đây là một truyền thống của mùa xuân. Kiến trúc phía sau có thể là Cung điện Thành phố ở Paris, nơi các vị vua Pháp đã sống từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 14.
Mùa Hạ
Tháng Sáu là hình ảnh những người nông dân bên bờ sông Seine đang làm cỏ trong một bố cục hài hòa. Những người đàn ông bên phải nhịp nhàng cắt cỏ bằng lưỡi hái, còn phụ nữ đang cào cỏ khô. Có thể thấy phía bên phải của chiếc thuyền là một lối đi, rất có thể đã có nhiều người đã cùng đi thuyền và mọi người đang đi lên cầu thang ở phía xa.
Phần hậu cảnh của Tháng Sáu là Cung điện Thành phố ở Paris (cũng được nhìn thấy trong tranh thếp vàng Tháng Tư). Tháp nhà thờ bên phải là nhà nguyện Thánh Chapelle của cung điện, một kiệt tác Gothic.
Khung cảnh đồng nội êm dịu và phì nhiêu tiếp tục được thấy vào Tháng Bảy, tháng của những người nông dân xén lông cừu và thu hoạch vụ mùa, phía sau là Cung điện Poitiers.
Vào Tháng Tám, một nhóm người cưỡi ngựa đi săn, một người nuôi chim ưng đi bộ dẫn đầu. Ông đang cầm một cây gậy để đập vào bụi cây để con mồi bay ra. Những con chó săn chực sẵn để đuổi những con chim ra khỏi nơi ẩn náu và chụp lấy con môi sau khi nó bị bắn.
Phía sau là Lâu đài Étampes, ở giữa là hình ảnh những người nông dân đang làm việc trên cánh đồng, có thể họ đang thu hoạch lúa mì.
Mùa Thu
Anh Em Nhà Limbourg, Barthélemy van Eyck và Jean Colombe đều góp phần vào bức tranh thếp vàng Tháng Chín. Ở phía trước, những người nông dân đang thu hoạch mùa màng. Những người này được cho là do Colombe vẽ và không có vẻ trang nhã như những nhân vật do anh em nhà Limbourg hoặc van Eyck vẽ. Thật vậy, một số nhân vật của Colombe mang đến không khí hài hước cho bộ lịch, nhưng luôn là hình ảnh những người nông dân.
Lâu đài Saumur ở Anjou được mô tả trong tranh thếp vàng Tháng Chín với chi tiết tinh tế ngay từ chi tiết Phong Hướng Tiêu (weathervanes) hình hoa bách hợp được nhìn thấy trên các tháp pháo của lâu đài.
Vào Tháng Mười, những người nông dân đang cày đất và gieo hạt bên bờ sông Seine ở Paris. Hãy chú ý đến từng chi tiết nhỏ: Người đàn ông gieo hạt ở bên phải để lại dấu chân trên bùn và ba chiếc thuyền ở phía xa soi bóng nước. Hình ảnh lâu đài Louvre ở hậu cảnh. Lâu đài Louvre không còn tồn tại, nhưng Cung điện Louvre hiện nay vẫn còn trên địa điểm này.
Một lần nữa, Colombe đã vẽ tranh thếp vàng Tháng Mười Một tương phản với tranh thếp vàng rực rỡ hơn của các họa sĩ khác. Colombe mô tả một người nông dân với con chó đang chăm sóc đàn heo của mình. Những người chăn heo đang dùng gậy đập vào cây sồi để lấy quả sồi cho heo ăn.
Và rồi tháng Mười Hai …
Ghi chú: