Pompeo hy vọng thắt chặt thêm đồng minh ở châu Á để chống lại Trung Quốc
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã bay tới Ấn Độ hôm 26/10 để tăng cường quan hệ chiến lược với quốc gia đang bế tắc quân sự với Trung Quốc, trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm tăng cường các đồng minh chống lại Bắc Kinh.
Là một phần trong kế hoạch tăng cường đẩy lùi sự ảnh hưởng ngày càng tăng về mặt kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực, ông Pompeo cũng sẽ đến Sri Lanka và Maldives, hai quốc gia Ấn Độ Dương đang vật lộn với hàng núi nợ vay từ Trung Quốc để chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Chuyến công du của ông Pompeo, diễn ra vào tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, sẽ kết thúc tại Indonesia, quốc gia cũng bị mắc kẹt trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi mong muốn tăng cường các mối quan hệ chiến lược với bạn bè và đối tác của mình, nhấn mạnh cam kết sâu sắc của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đề ra tầm nhìn của chúng tôi về quan hệ đối tác lâu dài và thịnh vượng trong khu vực,” theo lời của ông Dean Thompson, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Nam và Trung Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Washington đang gia tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc và hành động cứng rắn đối với Bắc Kinh chính là nhân tố quan trọng trong chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump.
Ông Pompeo đã dẫn đầu cuộc họp của các ngoại trưởng từ Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong tháng 10 này tại Tokyo, nhóm được đặt tên là Bộ Tứ (The Quad), và đây có thể là một bức tường thành chống lại sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Greg Poling, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: “Đây là chính sách đối ngoại thực sự hơn chỉ đơn thuần là chính trị trong nước.”
“Đúng vậy, bài hùng biện chống Trung Quốc của ông Pompeo chủ yếu xoay quanh cuộc bầu cử, nhưng việc chính quyền [Hoa Kỳ] phát triển Bộ Tứ mạnh mẽ hơn, thắt chặt quan hệ với Đài Loan, tăng cường sự chú ý về Biển Đông và hơn thế nữa, đang được thúc đẩy không chỉ bởi các chính trị gia mà còn bởi các chuyên gia về chính sách.”
Vào tháng tới, Ấn Độ sẽ tổ chức ‘Malabar’, một cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong nhiều năm qua, cùng với các thành viên Bộ Tứ khác. Đây là một cuộc tập trận mà trước đây Trung Quốc đã phản đối.
Quyết định mở rộng các cuộc tập trận của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm nước này đang bế tắc quân sự ở biên giới đất liền tranh chấp với Trung Quốc.
Hàng nghìn binh sĩ đang áp sát ở phía tây dãy Himalaya, nơi Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc đã xâm nhập qua biên giới trên thực tế của nước này.
Trong chuyến công du của ông Pompeo, có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper, Ấn Độ dự kiến sẽ ký một thỏa thuận cho phép nước này truy cập vào dữ liệu vệ tinh tối mật của Hoa Kỳ để giúp cải thiện việc nhắm mục tiêu hỏa tiễn và máy bay không người lái, các quan chức Ấn Độ cho biết.
Một quan chức Ấn Độ phát biểu: “Còn rất nhiều tiềm năng nữa trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước.”
‘Những quyết định khó khăn nhưng cần thiết’
Trong chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Sri Lanka trong hơn một thập kỷ qua, ông Pompeo sẽ đưa ra lời khuyên với các nhà lãnh đạo ở Colombo để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cảng và đường cao tốc nhưng lại khiến quốc đảo này chìm trong nợ nần, ông Thompson cho biết.
Ông Thompson cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi kêu gọi Sri Lanka hãy đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết để bảo đảm sự độc lập về kinh tế cho nền thịnh vượng lâu dài.”
Hòn đảo này là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng trong những năm gần đây Colombo đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Những nỗ lực tương tự đang được tiến hành nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Maldives, [nơi có] các hòn đảo nhiệt đới nằm trên các tuyến đường [hàng hải] vận chuyển chính.
Chuyến thăm của ông Pompeo đến Indonesia diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang leo thang, gây tranh cãi gay gắt ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố [chủ quyền] lãnh hải hầu như toàn bộ vùng biển. Yêu sách này bị nhiều nước trong khu vực phản đối, trong đó có Indonesia.
Bộ Ngoại giao trong tuần này đã phê chuẩn việc có khả năng bán bộ ba hệ thống vũ khí cho Đài Loan, bao gồm cảm biến, hỏa tiễn và pháo, với tổng giá trị có thể lên đến 1,8 tỷ USD.
Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với phần lớn [lãnh hải] trên Biển Đông.
Hồi tháng 7 và tháng 8, Washington đã đề nghị Indonesia cấp quyền hạ cánh và tiếp nhiên liệu cho các phi cơ giám sát P-8 của Hoa Kỳ, chuyên dùng để theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường thủy giàu tài nguyên.
Yêu cầu này đã bị Tổng thống Joko Widodo từ chối, theo [tin từ] 4 quan chức cao cấp.
“Hoa Kỳ đã cải thiện mối quan hệ giữa các nước, gồm cả các vấn đề về thương mại, an ninh và ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi còn có thể làm được nhiều hơn thế,” ông Pompeo cho biết.
Bản tin có sự đóng góp của The Epoch Times.