Phương pháp tán sỏi thận mới tại phòng khám bác sĩ
Nghiên cứu ban đầu cho thấy, một kỹ thuật siêu âm không xâm lấn có thể nhanh chóng tán sỏi thận. Các nhà nghiên cứu gọi đây là bước đầu tiên trong việc hướng tới một phương pháp điều trị sỏi thận đơn giản hơn và không cần gây mê.
Nghiên cứu báo cáo về 19 bệnh nhân đầu tiên bị sỏi thận được điều trị bằng siêu âm “bùng nổ.” Cho đến nay, liệu pháp này có thể phá vỡ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn sỏi trong vòng mười phút.
Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa, nhưng các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu trên đã coi những kết quả ban đầu là “thú vị.” Họ cho biết, nếu phát triển được một cách hiệu quả, kỹ thuật siêu âm có thể giúp bệnh nhân điều trị sỏi thận không xâm lấn dễ dàng hơn.
Theo Hiệp hội Thận Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh sỏi thận rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số tại một thời điểm nào đó.
Thông thường, một viên sỏi có thể được đào thải qua nước tiểu mà không quá đau đớn. Nhưng trong các trường hợp khác, chẳng hạn như khi một viên sỏi lớn hơn gây tắc nghẽn hoặc đau đớn không thể chịu đựng được, việc điều trị là cần thiết.
Hiện nay, nhiều loại sỏi thận có thể được điều trị bằng thủ thuật tán sỏi sử dụng sóng xung kích. Sóng âm thanh năng lượng cao được truyền xuyên qua da nhằm phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ để có thể thải ra ngoài [qua nước tiểu].
Nhưng liệu pháp này có những tác dụng không mong muốn nhất định, Tiến sĩ Mathew Sorenson, thuộc Đại học Y khoa Washington ở Seattle, một trong những tác giả của nghiên cứu mới cho biết.
Liệu pháp sóng xung kích có thể gây đau đớn, vì vậy thường áp dụng cho bệnh nhân được gây mê trong phòng phẫu thuật tại Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Sorenson và các đồng nghiệp của ông đã phát triển một phương pháp thay thế mới, tán sỏi bằng sóng ngắn (burst wave lithotripsy). Họ nói rằng tán sỏi bằng sóng ngắn có khả năng làm tan sỏi thận trong một khoảng thời gian ngắn hơn và có thể không cần gây mê.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mục tiêu cuối cùng là thực hiện quy trình này trên những bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo tại phòng khám với bác sĩ tiết niệu hoặc thậm chí trong phòng cấp cứu khi bệnh nhân đến với cơn đau dữ dội.
Không giống như liệu pháp sóng xung kích, phương pháp tiếp cận sóng ngắn sử dụng “các đợt bùng phát sóng hài ngắn” của năng lượng siêu âm. Nghiên cứu trước đây cho thấy sóng hài ngắn có thể làm vỡ sỏi nhanh hơn và ít đau hơn so với sóng xung kích.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật sóng ngắn trên 19 bệnh nhân đang điều trị sỏi thận bằng thủ thuật nội soi niệu quản. Kỹ thuật này sử dụng một ống nội soi mỏng để luồn qua niệu đạo, đến vị trí của sỏi thận; sau đó các dụng cụ được sử dụng để tán sỏi hoặc phá vỡ sỏi thành các mảnh có thể lấy ra được.
Các bệnh nhân nghiên cứu đã được tiến hành siêu âm sóng ngắn khi gây mê để nội soi niệu quản trong tối đa 10 phút.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy, liệu pháp sóng ngắn trong thời gian 10 phút là đủ để tán vụn 21 trong số 23 viên sỏi. Một nửa số sỏi có ít nhất 90% thể tích được tán thành các mảnh có kích thước không quá 2mm. Và chín viên sỏi (39%) đã hoàn toàn bị phá vỡ ở mức độ đó.
Các phát hiện trên đã được công bố gần đây trên Tạp chí Tiết niệu.
Hai nhà tiết niệu không tham gia vào nghiên cứu đã cảm thấy ấn tượng về thời gian điều trị ngắn (giúp hạn chế thời gian gây mê của bệnh nhân).
Tiến sĩ Mantu Gupta, giám đốc Trung tâm sỏi thận tại Mount Sinai, thành phố New York, cho biết sỏi thận bị vỡ nhỏ hơn 2mm sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể tương đối dễ dàng.
Tiến sĩ Gupta lưu ý rằng nghiên cứu này đã không thực sự kiểm tra [tính khả thi của] mong muốn trên thực tế: Sử dụng kỹ thuật mà không gây mê. Nhưng nghiên cứu trước đây của nhóm đã cho thấy rằng bệnh nhân có thể chịu đựng được.
“Điều này rất thú vị,” Tiến sĩ Gupta nói và cho biết thêm rằng dữ liệu an toàn cho đến nay cũng có vẻ khả quan.
Một số bệnh nhân có biểu hiện chảy máu nhẹ, với một lượng nhỏ trong nước tiểu.
Tiến sĩ William Roberts, giáo sư tiết niệu tại Đại học Michigan, cũng mô tả nghiên cứu này rất thú vị.
Ông nói: “Điều này [tán sỏi bằng sóng ngắn] chắc chắn an toàn, hoặc an toàn hơn tán sỏi bằng sóng xung kích.”
Không rõ liệu pháp sóng ngắn có thể hiệu quả hơn hay không, nhưng giáo sư Roberts nói rằng nếu quy trình này, trên thực tế, có thể được thực hiện tại phòng khám bác sĩ tiết niệu, đó sẽ là một ưu điểm lớn.
Không có điểm nào cho thấy rằng công nghệ này sẽ giúp ích cho tất cả mọi người bị sỏi thận. Giáo sư Roberts lưu ý rằng trong khi 19 bệnh nhân được điều trị, một số lượng tương tự đã tham gia nghiên cứu nhưng không thể được điều trị bằng siêu âm. Ví dụ, một số có sỏi quá sâu, hoặc bị cản trở bởi xương sườn hoặc ruột.
Tuy nhiên, giáo sư Roberts nói, ngay cả khi chỉ có thể thực hiện thủ thuật trên một số bệnh nhân nhất định, thì khả năng “dễ tiếp cận hơn” của phương pháp này sẽ là một lợi ích.
Nhưng Tiến sĩ Joseph Vassalotti, giám đốc y tế của Tổ chức Thận Quốc gia, cho biết rằng mặc dù quy trình này “đầy hứa hẹn,” nhưng hầu hết các bệnh nhân nghiên cứu đều có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường, khiến việc phá vỡ sỏi bằng liệu pháp sóng xung kích trở nên dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Vassalotti cho biết: “Tỷ lệ bệnh nhân béo phì thấp là điều quan trọng không chỉ vì béo phì phổ biến ở Hoa Kỳ mà còn vì béo phì là một hạn chế kỹ thuật đối với [liệu pháp sóng siêu âm và sóng xung kích].”
Giáo sư Roberts cho biết: Vì nghiên cứu trước đây cho thấy phương pháp tiếp cận sóng ngắn có thể chấp nhận được mà không cần đến thuốc giảm đau, mặc dù bệnh nhân có thể cần thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) nếu việc thải các mảnh vỡ [của sỏi] gây khó chịu.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu để thử nghiệm phương pháp này ở những bệnh nhân đến khoa cấp cứu với cơn đau do sỏi thận. Công nghệ này cũng đã được cấp phép cho công ty SonoMotion Inc. đang phát triển phiên bản thương mại và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng của riêng mình.
Tìm hiểu thêm về hướng dẫn điều trị sỏi thận của Tổ chức Chăm sóc Tiết niệu tại đây.
NGUỒN: Joseph Vassalotti, MD, giám đốc y tế National Kidney Foundation; Mantu Gupta, MD, giám đốc Trung tâm sỏi thận, và giáo sư tiết niệu, Trường Y Icahn tại Mount Sinai, Thành phố New York; William Roberts, MD, giáo sư, khoa tiết niệu và y sinh, Đại học Michigan, Ann Arbor, Mich; Tạp chí Tiết niệu, ngày 21/03/2022.
Bài báo này ban đầu được xuất bản trên trang HealthDay.