Khi nào đau thắt lưng liên quan đến bệnh thận?
Thông thường rất khó phân biệt giữa đau thắt lưng do các bệnh liên quan đến thận và đau do cơ và dây thần kinh nói chung. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể biết đâu là nguyên nhân? Và chúng ta nên tìm kiếm những dấu hiệu nào khác cảnh báo bệnh thận ngoài đau lưng?
Tiến sĩ David Gu, giám đốc Phòng khám Đái tháo đường & Lọc máu HouFeng, thường tiếp nhận những bệnh nhân đến để giảm cơn đau quặn thận. Tuy nhiên, sau khi thăm khám, đại đa số những bệnh nhân này đều bị đau thắt lưng do các yếu tố khác, chẳng hạn như căng cơ.
Ông nói, thận là “cơ quan im lặng”, nhiều bệnh thận không gây ra đau thắt lưng, nhưng có thể biểu hiện các triệu chứng khác. Tuy nhiên, đau lưng có thể là vấn đề phổ biến của bệnh sỏi thận.
3 cách để phân biệt giữa đau thắt lưng và đau do thận
Theo Tiến sĩ Gu, khi một bệnh nhân bị đau thắt lưng, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân theo vị trí, tính chất, thời gian và các yếu tố kích hoạt và làm giảm cơn đau.
- Cơn đau không thuyên giảm khi thay đổi tư thế
Khi bị đau thắt lưng, nếu cơn đau thuyên giảm khi thay đổi tư thế thì nguyên nhân có thể là do chấn thương cơ hoặc tổn thương mô. Ví dụ, đau thắt lưng do căng cơ thường do sai tư thế hoặc dùng lực không đúng. Đôi khi cơn đau có thể giảm bớt bằng cách tránh các tư thế không đúng hoặc điều chỉnh cách bạn sử dụng lực.
Tiến sĩ Gu cho biết, tuy nhiên, “cơn đau thắt lưng do viêm thận thường dai dẳng và thậm chí có những cơn đau quặn thắt không thể thuyên giảm bằng cách điều chỉnh tư thế”. Các triệu chứng của đau thắt lưng khác nhau giữa các nguyên nhân và cần phải kiểm tra kỹ tiền sử bệnh của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
- Đau dữ dội khi vỗ hông lưng
Thận nằm ở vùng sau thắt lưng, vỗ hông lưng là nghiệm pháp khám lâm sàng thường được sử dụng.
Trong trường hợp đau lưng do thận viêm, khi vỗ hông lưng sẽ gây cho bệnh nhân cảm giác đau dữ dội, như bị điện giật do rung động ở vùng thận bị viêm.
Ngược lại, nếu đau lưng hoặc đau thắt lưng do căng cơ thì khi vỗ hông lưng sẽ không có cảm giác đau rõ rệt. Tuy nhiên, có thể cảm thấy đau cục bộ khi ấn vào vùng căng cơ. Bằng cách thăm khám đơn giản, bác sĩ trước tiên có thể phân biệt được nguồn gốc của cơn đau.
- Cơn đau cấp tính và nghiêm trọng
Đau thắt lưng gồm hai loại là cấp tính hoặc kinh niên. Đau kinh niên, chẳng hạn như do căng cơ, thường tái phát thành từng đợt, trong khi đau thắt lưng do viêm thận thường cấp tính và dữ dội. Vì quá đau nên bệnh nhân thường đến thẳng bệnh viện để cấp cứu, bác sĩ Gu nói. Vì vậy, đa số bệnh nhân đến khám ngoại trú thường bị đau thắt lưng do căng cơ.
Đau thắt lưng cấp tính liên quan đến thận có 3 nguyên nhân chính
Có 3 nguyên nhân gây đau thắt lưng cấp tính liên quan đến thận bao gồm: sỏi, tắc máu và nhiễm khuẩn. Các nguyên nhân có thể kết hợp với nhau để gây ra các triệu chứng khác nhau.
- Sỏi đường tiết niệu
Mọi người thường đến phòng khám của Tiến sĩ Gu vì lo lắng rằng cơn đau lưng là do các vấn đề về thận. Trong số các bệnh liên quan đến thận gây đau thắt lưng, bệnh sỏi đường tiết niệu là phổ biến nhất. Tùy theo vị trí mà sỏi đường tiết niệu có thể có những tên gọi khác nhau như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang.
Sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu, cản trở nước tiểu chảy xuống. Và khi thận tiếp tục sản xuất nước tiểu, khu vực có nước tiểu ứ lại trên đường tiết niệu sẽ bị phình giãn, và gây ra những cơn đau quặn do co thắt cơ trơn niệu quản.
Cơn đau do tắc nghẽn sỏi thường nghiêm trọng và đáng lo ngại, và không thể giảm bớt khi thay đổi tư thế. Bệnh nhân bị sỏi tiết niệu cũng cảm thấy đau quặn thắt và do sự phân bố của các dây thần kinh, cơn đau quặn thận thường đi kèm với đau vùng bẹn và đùi trong. Cơn đau cũng có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
Tiến sĩ Gu nói với chúng tôi rằng, mặc dù cơn đau có thể cải thiện sau khi uống thuốc giảm đau, nhưng tình trạng tắc nghẽn có thể không cải thiện và khiến chức năng thận suy giảm, vì vậy bạn nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt nếu có các triệu chứng liên quan.
- Tắc nghẽn mạch máu
Tắc mạch thận cấp tính do cục máu đông cũng có thể dẫn đến đau lưng và tiểu máu.
Phình mạch cũng có thể gây tắc nghẽn mạch máu và thường liên quan đến huyết áp cao.
Ngoài ra, các khối u ác tính có thể xâm lấn các mạch máu hoặc đường tiết niệu và gây tắc nghẽn khi chúng to lên. Nếu chảy máu, khối u có thể gây tiểu máu hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu và gây đau.
- Nhiễm khuẩn
Bệnh nhân chủ yếu cảm thấy nóng và đau khi đi tiểu, kèm theo sốt. Bệnh nhân bị viêm tiểu khung do nhiễm khuẩn cũng có thể bị đau dữ dội khi vỗ hông lưng.
Tiến sĩ Gu giải thích rằng nhiễm khuẩn thường bắt đầu ở đường tiết niệu dưới, chẳng hạn như viêm niệu đạo. Nếu điều trị chậm trễ, nhiễm trùng có thể lan lên bàng quang và thậm chí cả bể thận, dẫn đến đau thắt lưng. Khi bệnh tiến triển, vị trí đau sẽ thay đổi và sốt ngày càng trầm trọng hơn.
4 dấu hiệu của tổn thương thận
Thận là cơ quan quan trọng trong cơ thể con người, vì vậy những cơn đau lưng thường khiến người bệnh cảm thấy bất an: “Thận của tôi có vấn đề gì không?” Trên thực tế, thận là “cơ quan im lặng” và rất khó phát hiện ra các triệu chứng trừ khi bệnh nặng đến mức trở thành kinh niên. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh liên quan đến thận gây ra các cơn đau cấp tính đều có thể chữa khỏi bằng phương pháp điều trị.
Vì vậy, ngoài đau lưng, có 4 triệu chứng của bệnh thận kinh niên mà bạn cần lưu ý và đi khám nếu gặp phải:
- Tiểu bọt hoặc tiểu máu
- Giảm đột ngột lượng nước tiểu
- Sự kết hợp của những triệu chứng trên cùng với huyết áp cao
- Mệt mỏi
Theo Tiến sĩ Gu, những triệu chứng này chủ yếu là do thận bị tổn thương ở một mức độ nhất định, dẫn đến việc cơ quan này không thể đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
Ông lưu ý rằng hầu hết các vấn đề về thận thường gặp là do các bệnh kinh niên (tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu và béo phì). Vì vậy, để chăm sóc thận tốt, tốt nhất nên bắt đầu từ những nguyên nhân căn bản, chẳng hạn như kiểm soát huyết áp, đường huyết, cholesterol trong máu.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times