Phương pháp phòng ngừa ung thư vú ở phụ nữ
Rất nhiều người nghĩ rằng mắc bệnh ung thư thì sẽ không ngừng giảm cân, tuy nhiên ung thư vú thì ngược lại, bị bệnh sẽ khiến người bệnh tăng cân. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân ung thư vú cũng có vấn đề về tăng cân.
Tại sao bạn lại tăng cân sau khi bị ung thư vú? Bác sĩ Yamauchi Hideko, giám đốc Khoa phẫu thuật vú tại Bệnh viện Quốc tế St. Luke, Nhật Bản cho biết: Một nguyên nhân trong đó là, độ tuổi dễ mắc ung thư vú nhất trùng với thời kỳ mãn kinh, nên rất dễ tăng cân. Một nguyên nhân khác là hormone và thuốc chống ung thư để điều trị ung thư vú sẽ dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn và tăng cảm giác thèm ăn.
Bác sĩ Yamauchi nói rằng gần đây, nhiều nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã chỉ ra rằng béo phì có tác động đáng kể đến tỷ lệ tái phát của ung thư vú. Đối với bệnh nhân ung thư vú, kiểm soát cân nặng hợp lý là yếu tố then chốt để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tsukuba và Bệnh viện Quốc tế St. Luke ở Nhật Bản đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 292 bệnh nhân ung thư vú giai đoạn từ 0-III, và phát hiện rằng có tới 70% bệnh nhân tăng cân sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú (trung bình tăng 3.3kg), trong đó mức tăng lớn nhất trong số các bệnh nhân là 21kg.
Nhóm Giáo sư Bruce F. Kimler và Giáo sư Carol J. Fabian của Đại học Kansas, Hoa Kỳ đã công bố một bài báo trên tạp chí “Ung thư” (Cancers) về tác dụng của tập thể dục đối với bệnh nhân ung thư vú bị béo phì. Bài báo nói rằng tập thể dục nhịp điệu làm giảm nguy cơ phát triển và tái phát ung thư vú.
Các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho những người lớn tuổi, béo phì, ít vận động sau khi bị ung thư vú một buổi huấn luyện cá nhân 2 lần một tuần, kéo dài trong 12 tuần, bao gồm một chế độ ăn uống ít calo. Các nhà nghiên cứu tăng dần lượng vận động thể chất của họ lên 200 phút thể dục nhịp điệu với cường độ vừa phải mỗi tuần một cách an toàn. Ở tuần thứ 24, họ quan sát thấy các bài tập thể dục nhịp điệu ở mức độ cao có thể làm giảm nguy cơ mắc và tái phát ung thư vú, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ chất béo nội tạng ở những bệnh nhân béo phì.
Phương pháp giảm cân lành mạnh có thể ngăn ngừa việc ung thư vú tái phát
Điều cơ bản của việc kiểm soát cân nặng là ăn kiêng và tập thể dục, tuy nhiên việc giảm cân mù quáng là không nên, các chế độ ăn kiêng quá mức chẳng hạn như hạn chế carbohydrate có thể dẫn đến mất khối lượng cơ. Điều quan trọng là phải giảm cân với tốc độ chậm và thoải mái mà không làm mất sức mạnh của cơ bắp.
Bác sĩ Yamauchi chia thức ăn thành 4 nhóm theo loại, và yêu cầu ăn theo tỷ lệ là nhóm 1:nhóm 2:nhóm 3:nhóm 4 = 1:1:1:3.
Nhóm 1: Trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, cung cấp protein và canxi.
Nhóm 2: Thịt, hải sản và các sản phẩm từ đậu nành, cung cấp nguồn protein tốt cho cơ và máu.
Nhóm 3: Rau, tảo bẹ, nấm, khoai tây và trái cây; cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Nhóm 4: Carbohydrate, chất béo, dầu, đường, hương liệu, đồ ngọt và nước hoa quả; đây là nhóm cung cấp calo.
Bà M.D.Mei R.Fu, phó giáo sư tại Trường Điều dưỡng Đại học New York nói với The Epoch Times rằng, ung thư vú là kẻ giết người số một trong các bệnh ung thư ở phụ nữ. Phụ nữ phương Đông có nhiều khả năng bị ung thư vú ở độ tuổi từ 40-50, còn phụ nữ phương Tây thì ở độ tuổi từ 30-40. Ung thư vú chính là khối u phát triển trong vú, nó có thể được chia thành khối u lành tính và khối u ác tính. Các khối u lành tính thường không di căn, còn các khối u ác tính có thể di căn đến toàn bộ vú cũng như gan, phổi và tủy xương.
Bà Mei nói rằng nếu bạn có thể tập thể dục 30 phút mỗi tuần, bao gồm đi bộ hoặc khiêu vũ, bơi lội và thái cực quyền, không hút thuốc và ít uống rượu, ăn nhiều rau quả và duy trì trọng lượng cơ thể tiêu chuẩn, thì sẽ có thể giảm tỷ lệ ung thư vú tái phát.