Phụ tùng xe hơi Nam Hàn lệ thuộc Trung Quốc, chuyên gia kêu gọi đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Ngành công nghiệp xe hơi của Nam Hàn ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào phụ tùng của Trung Quốc, vậy nên ngày càng có nhiều lời kêu gọi đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Ông Cho Chul, một nhà phân tích của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Nam Hàn (KIET), một tổ chức tư vấn do chính phủ tài trợ, gần đây đã nhấn mạnh việc nhập cảng linh kiện xe hơi từ Trung Quốc đã tăng lên như thế nào trong hai thập niên qua.
Theo phương tiện truyền thông địa phương Hankyoreh, ông Cho nói: “Trung Quốc chỉ chiếm 1.8% [thị phần nhập cảng phụ tùng xe hơi của Nam Hàn] vào năm 2000, nhưng thi phần đó đã tăng lên 36.2% vào bốn tháng đầu năm 2022. Ngược lại, thị phần nhập cảng phụ tùng xe hơi từ Nhật Bản đã giảm từ 45.5% vào năm 2000 xuống 11.1% trong quý đầu tiên của năm nay.”
Ông Cho đã đưa ra nhận xét của mình tại Diễn đàn Phát triển Công nghiệp xe hơi được tổ chức tại Seoul hôm 14/06.
Cần thiết để sản xuất pin
Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Nam Hàn, ngành công nghiệp xe hơi của nước này đang phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có 83% vật liệu cực dương, một trong bốn thành phần pin chính và ít nhất 60% phụ thuộc vào 3 thành phần chính khác: vật liệu cathode, chất điện phân, và màng phân cách.
Trong số các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất pin, than chì có nguồn gốc 100% từ Trung Quốc, mangan 93%, coban 82%, niken 65%, lithium 59%, và các vấn đề tương tự với các nguyên liệu khác.
Ông Cho nói: “Điều đáng lo ngại là chúng ta ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc khi bước sang kỷ nguyên của xe điện. Chúng ta cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình theo khu vực đồng thời củng cố hệ sinh thái cung ứng trong nước.”
Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất xe hơi và thị trường xe hơi lớn nhất thế giới kể từ năm 2009, với hàng ngàn xưởng sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhỏ và các hãng sản xuất xe hơi đa quốc gia.
Sản xuất đình tệ vì Trung Quốc phong tỏa
Sự phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như vậy đã khiến các nhà sản xuất xe hơi Nam Hàn phải ngừng sản xuất hàng loạt trong những tháng gần đây do các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại nước này.
Vào tháng Ba và tháng Tư, các nhà sản xuất xe hơi Nam Hàn phải đối mặt với tình trạng thiếu bộ phận kiểm soát túi khí (ACU) — một thiết bị phát hiện sự cố và kích hoạt túi khí — do Trung Quốc chậm giao linh kiện [vì phong tỏa].
Theo báo cáo của Hyundai, các dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Ulsan của họ đã ngừng hoạt động một phần trong nhiều tuần kể từ hôm 18/04 do không thể mua đủ ACU.
Gwangju Global Motors, công ty sản xuất dòng xe Hyundai Casper, đã tạm dừng hoat động từ hôm 18 đến 21/04 do thiếu ACU. Trong khi đó, GM Nam Hàn, chi nhánh Nam Hàn của General Motors, đã điều chỉnh sản lượng tại một trong những nhà máy ở Bupyeong do các nhà cung cấp Trung Quốc của họ không đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng cho các linh kiện của hệ thống phanh.
GM Nam Hàn được cho là không còn nhiều linh kiện từ Trung Quốc, đặc biệt hơn cả là thiếu vi mạch bán dẫn xe hơi. Công ty này đã sản xuất 60,408 xe trong quý đầu tiên, giảm 30% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Vào tháng Ba, Huyndai và Kia không thể tìm nguồn cung cấp bộ dây dẫn điện dùng cho xe hơi do phong tỏa ở Sơn Đông, xảy ra trước cuộc phong tỏa ở Thượng Hải. Các công ty được báo cáo đã phải cắt giảm sản lượng từ hai đến bốn tuần.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Nhà sản xuất Xe hơi Nam Hàn, các nhà sản xuất xe hơi Nam Hàn nhập cảng khoảng 87% sản lượng dây điện từ Trung Quốc.
75% mặt hàng nhập cảng chủ đạo đến từ Trung Quốc
Một phân tích gần đây do Liên đoàn các Ngành công nghiệp Nam Hàn (FKI) công bố cho thấy 75% hàng hóa nhập cảng chính của Nam Hàn đến từ Trung Quốc.
Theo Hankyoreh, nghiên cứu được công bố hôm 30/05 này do giáo sư Choi Nam-suk của Đại học Quốc gia Chonbuk thực hiện theo yêu cầu của FKI.
Nghiên cứu đã phân tích sự phụ thuộc nhập cảng của Nam Hàn vào Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản, những quốc gia chịu trách nhiệm về 90% hàng hóa nhập cảng của nước này. Danh mục “hàng nhập cảng chính” được chỉ định cho 228 mặt hàng nằm trong top 30% giá trị dollar nhập cảng.
Nghiên cứu cho thấy 172 trong số 228 mặt hàng (75.5%) đến từ Trung Quốc, 32 mặt hàng (14%) đến từ Nhật Bản, và 24 mặt hàng (10.5%) từ Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết, một số mặt hàng nhập cảng chính từ Trung Quốc bao gồm “thiết bị điện tử, máy móc, máy điện toán, thép, các hợp chất hữu cơ và vô cơ, thủy tinh, sản phẩm y tế, và nguyên liệu thô công nghiệp như kim loại màu.”
“Các ví dụ nổi bật về nhập cảng của Trung Quốc bao gồm mangan, chất tối quan trọng đối với sản xuất thép; than chì, là vật liệu cực dương cho ắc quy xe điện thiết yếu; và magiê, tối quan trọng trong sản xuất xe hơi hạng nhẹ.”
Báo cáo cũng xác định 133 sản phẩm có khối lượng giao dịch cao giữa các công ty, cho thấy chúng có thể trở thành những lỗ hổng cho sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong số đó, các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất chiếm 127 tương ứng với 95.4%, bao gồm “oxit vonfram (được sử dụng trong chất bán dẫn), clorua canxi, card đồ họa, module pin mặt trời, và các thành phần trong thuốc trừ sâu.”
Ông Choi kêu gọi chính phủ thiết lập một hệ thống quản lý cảnh báo sớm đối với những mặt hàng trọng yếu này.
Ông Choi nói: “Việc không quản lý được cung và cầu đối với các mặt hàng nhập cảng chính có thể dẫn đến khủng hoảng nguồn cung bùng phát bất cứ lúc nào, như đã chứng kiến về tình hình giải pháp nước urê.”
“Một hệ thống giám sát liên tục sẽ cần được thiết lập cho 228 mặt hàng, cùng với các biện pháp như đa dạng hóa nhập cảng.”
Năm ngoái, sự thiếu hụt urê do Trung Quốc cung cấp đã đe dọa làm tê liệt hoạt động kinh tế ở Nam Hàn. Trong số các ứng dụng khác, urê được sử dụng để cắt giảm lượng khí thải trong các phương tiện chạy bằng dầu diesel và sản xuất phân bón.
Vào giữa tháng Mười (2021), Trung Quốc đã giảm xuất cảng urê do thiếu than, khiến Nam Hàn rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc khi gần 4 triệu phương tiện diesel của nước này không thể hoạt động nếu không có urê, khiến ngành hậu cần của nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Sự kiện này cho thấy Nam Hàn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đối với các mặt hàng thiết yếu mà nước này cần để duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường. Kể từ đó, các ngành công nghiệp lớn của Nam Hàn đã bắt đầu đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất đa dạng trên toàn thế giới.
Cô Jessica Mao là nhà văn của The Epoch Times với chủ đề tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2009.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times